Chuyên gia Viện Lowy: Các nước ASEAN không phải nhìn đâu xa, hãy học Việt Nam cách chuyển đổi năng lượng

Vy Anh| 12/07/2024 14:27

Năm 2023, Việt Nam chiếm gần 2/3 tổng sản lượng điện mặt trời và điện gió ở ASEAN. Việt Nam đang đi đầu ASEAN trong các nỗ lực chuyển đổi năng lượng.

Chuyên gia Viện Lowy: Các nước ASEAN không phải nhìn đâu xa, hãy học Việt Nam cách chuyển đổi năng lượng
Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN+3 về năng lượng khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020. (Nguồn: East Asia Forum)

Không tăng tốc sẽ "muộn"

Trong một bài phân tích gần đây trên East Asia Forum, chuyên gia về chính sách năng lượng Ahmed Albayrak tại Viện Lowy đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là một mô hình đáng học hỏi trong ASEAN về phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu xanh.

Quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á rất quan trọng để giảm lượng khí thải toàn cầu, nhưng tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch. Do đó, khu vực cần những thay đổi chính sách đáng kể để đạt được mục tiêu về mức phát thải ròng bằng 0.

Tin liên quan
Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEANViệt Nam sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN

Việc mở rộng ứng dụng năng lượng mặt trời và gió gần đây của Việt Nam được chuyên gia Ahmed Albayrak nhắc đến như một nỗ lực điển hình, giúp Việt Nam sản xuất 13% điện năng vào năm 2023. Theo chuyên gia Ahmed Albayrak, cách tiếp cận này có thể là kim chỉ nam cho ASEAN.

“Kinh nghiệm của Việt Nam là tập trung vào các ưu đãi về giá và sự chắc chắn về chính sách hợp lý là chìa khóa để thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo”, ông Ahmed Albayrak nhấn mạnh.

Với nhu cầu năng lượng dự kiến ​​sẽ tăng gấp ba lần từ năm 2020 đến năm 2050, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm lượng khí thải toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính công suất của năng lượng tái tạo sẽ tăng thêm 63,1 gigawatt vào năm 2028, chỉ là một phần nhỏ trong số 229 gigawatt năng lượng tái tạo cần thiết vào năm 2030 để khu vực đạt được phát thải ròng bằng 0 như kịch bản đề ra.

Theo chuyên gia Ahmed Albayrak, nếu theo đà như hiện nay, còn rất lâu ASEAN mới đạt được mục tiêu nêu trên và cần có sự can thiệp chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Tuy vậy, điều tuyệt vời là các thành viên ASEAN có thể học hỏi từ Việt Nam về ý tưởng để thúc đẩy năng lượng mặt trời và gió.

Năm 2023, Việt Nam chiếm gần 2/3 tổng sản lượng điện mặt trời và điện gió ở ASEAN. Thái Lan, ở vị trí thứ hai, chỉ sản xuất được 1/4 sản lượng năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam. Sự vươn lên dẫn đầu về năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam là bài học cho các thành viên ASEAN khác.

“Phát súng” đầu tiên được “khai hỏa” là vào năm 2017, khi bộ biểu giá điện hỗ trợ (FIT) đầu tiên của Việt Nam được áp dụng cho các dự án năng lượng mặt trời và gió hoạt động trước tháng 6/2019.

Các mức giá FIT sau đó đã giảm dần, với thời hạn cuối cùng được ấn định là vào tháng 11/2021, đi cùng với các giải pháp miễn thuế.

Chuyên gia Ahmed Albayrak lý giải rằng có những động lực lớn để thúc đẩy Việt Nam chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Trong đó phải kể đến sự chậm trễ trong các dự án than hiện tại gây ra rủi ro về an ninh năng lượng do nhu cầu điện ngày càng tăng nhanh. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng các đô thị lớn nên sử dụng năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm.

Năm 2017, tỷ trọng năng lượng mặt trời và gió trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam là không đáng kể. Đến năm 2023, năng lượng mặt trời và gió chiếm 13% tổng nguồn điện của Việt Nam, một mức tăng trưởng chưa từng có trong khu vực.

Chuyên gia Viện Lowy: Các nước ASEAN không phải nhìn đâu xa, hãy học Việt Nam cách chuyển đổi năng lượng
Việt Nam hiện đang hợp tác với nhiều quốc gia để phát triển điện gió ngoài khơi. (Nguồn: blueeconomycrc)
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia Viện Lowy: Các nước ASEAN không phải nhìn đâu xa, hãy học Việt Nam cách chuyển đổi năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO