Khi một người có mỡ máu cao có nghĩa là mỡ trong máu của người đó đang bị rối loạn, một số thành phần mỡ trong máu quá nhiều. Khi bị rối loạn mỡ máu thì rất có khả năng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn gây nguy hiểm.
Trong số những bệnh tật do mỡ máu bị rối loạn gây ra, bệnh về tim mạch và mạch máu não là đáng sợ nhất. Do đó, làm giảm sự tích tụ mỡ trong mạch máu là việc làm vô cùng cần thiết. Chuyên gia tim mạch Hồ Đại Y sẽ chia sẻ cách hạ mỡ máu, để máu không bị "đặc" vì mỡ chỉ thông qua 2 thói quen này.
Chuyên gia Hồ Đại Y
Chuyên gia Hồ Đại Y tốt nghiệp Khoa Y của Đại học Y Bắc Kinh năm 1946 và là một chuyên gia nổi tiếng về tim mạch. Do một số thói quen xấu từ nhỏ, dẫn đến năm 2000 ông nặng 93kg, khi ấy ông nhận ra rằng cơ thể của mình đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Kể từ đó, ông bắt đầu giảm cân và giảm mỡ máu.
Ông đã kiên trì thực hiện 2 thói quen này trong suốt 20 năm
Thói quen 1: Kiên trì đi bộ mười nghìn bước mỗi ngày
Hiện tại cân nặng của ông Hồ là 73kg, tình trạng mỡ máu đã trở lại mức bình thường, có thể thấy việc tập thể dục thể thao thường xuyên và đi bộ trong thời gian dài có một số lợi ích nhất định trong việc giảm và duy trì ổn định mỡ máu.
Chuyên gia Hồ Đại Y còn cho biết, trước đây ông cũng bị bệnh khớp, tuy nhiên đây không phải là lý do khiến ông từ bỏ tập thể dục. Suốt 20 năm, ông thường xuyên leo cầu thang, đi bộ, leo núi mỗi ngày, mặc dù thể lực của ông hiện tại không còn tốt như hồi ông còn trẻ. Tuy nhiên, chỉ cần kiên trì trong thời gian dài, không những các bệnh khớp không nặng thêm mà mỡ máu cũng được kiểm soát rất tốt.
Thói quen 2: Ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày
Chuyên gia Hồ Đại Y chỉ ra rằng ngoài việc tập thể dục hàng ngày, bạn cũng có thể kiểm soát mỡ máu thông qua chế độ ăn uống. Bạn có thể ăn thêm ngũ cốc và rau tươi mỗi ngày. Đó là do ngũ cốc thô chứa nhiều chất xơ, thành phần chính của chất xơ là cellulose, hemicellulose và lignin, có thể ức chế cơ thể hấp thụ cholesterol ở một mức độ nhất định, giúp cơ thể bài tiết cholesterol thừa và giảm mỡ máu.
4 yếu tố có thể dẫn đến mỡ máu cao
1. Ít tập thể dục
Những người không thích thể thao, ngồi quá nhiều lại lười vận động có lượng lipid trong máu cao hơn đáng kể so với những người thường xuyên tập thể dục. Vì tập thể dục thường xuyên không những có thể tiêu hao năng lượng dư thừa của cơ thể mà còn có thể phân hủy một phần mỡ trong cơ thể, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa mỡ của cơ thể, mỡ máu tự nhiên sẽ ở mức bình thường.
2. Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu cholesterol
Cholesterol và triglycerid tăng cao là những biểu hiện phổ biến nhất của bệnh mỡ máu. Nếu trong cuộc sống hàng ngày ăn quá nhiều thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao sẽ gây ra bệnh mỡ máu. Ví dụ, đồ chiên rán, thịt mỡ, nội tạng động vật…
Một khi tổng lượng calo nạp vào cơ thể cao hơn nhu cầu của cơ thể thì lúc này lượng calo dư thừa sẽ tích tụ thành mỡ, nếu cứ diễn ra như vậy thì hàm lượng lipid tích tụ trong máu sẽ tăng lên. Vì vậy, những người mắc bệnh mỡ máu, không chú ý đến chế độ ăn uống thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.
3. Ảnh hưởng của các bệnh và thuốc khác
Bệnh sỏi mật, tiểu đường, bệnh thận, suy giáp và các bệnh khác cũng có thể gây rối loạn chuyển hóa mỡ và tăng mỡ máu. Sử dụng glucocorticoid, thuốc hạ đường huyết, thuốc uống tránh thai, thuốc lợi tiểu,… trong thời gian dài cũng sẽ khiến cơ thể bị rối loạn chuyển hóa lipid, dẫn đến tăng lipid trong máu.
4. Yếu tố di truyền
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh mỡ máu, khả năng bạn mắc bệnh mỡ máu sẽ tăng lên.
Kết luận: Nếu bạn bị mỡ máu cao, ngoài việc thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ thì việc kiểm soát chế độ ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thể thao cần thiết là điều không thể thiếu. Ngoài ra, đối với những người khỏe mạnh, không bị mỡ máu cao thì nên đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe của bản thân.