Chuyên gia tâm lý lên tiếng sau vụ bé 17 tháng bị 2 cô giáo đánh tử vong

Hoài Nam| 05/03/2023 10:13

Vì bực tức cháu bé 17 tháng bỏ ra ngoài, cô Lành ném bé xuống sàn nhà, dùng tay tát nạn nhân. Còn cô An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm vào đầu cháu bé.

Sau những lần vòng vo gian dối, hai giáo viên ở Thường Tín, Hà Nội đã khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành cháu bé P.T.Đ. 17 tháng tuổi.

Những vụ việc đau lòng

Lần đầu, hai cô báo với gia đình là bé Đ. bị té, không có tác động bên ngoài. Sau đó, trước cơ quan công an họ khai do cô Lành đi lùi, va vào làm bé Đ. ngã ra nền nhà, còn An thì bế trượt cháu bé làm nạn nhân ngã đập đầu.

Khi lời khai này bị cơ quan điều tra bác bỏ, hai cô giáo mới thú nhận hành vi đánh đập, bạo hành dẫn đến việc cháu bé tử vong.

Chuyên gia tâm lý lên tiếng sau vụ bé 17 tháng bị 2 cô giáo đánh tử vong - 1

Nơi bé 17 tháng tuổi ở Thường Tín, Hà Nội, bị bạo hành tử vong (Ảnh: Hải Nam).

Theo lời khai, sáng 23/2, Đ. được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Khi 2 cô giáo đưa Đ. vào buồng ngủ thì cháu bé khóc, chạy ra ngoài.

Thấy vậy, Lành bực tức, dùng 2 tay bế Đ. lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Chưa dừng, Lành tiếp tục dùng tay tát nạn nhân. Còn An cũng dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm vào đầu cháu bé.

Không riêng trường hợp của Đ., trước đó, có rất nhiều trẻ bị giáo viên bạo hành ngay tại cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, năm 2022, bé gái 17 tháng tuổi ở TPHCM bị bảo mẫu Nguyễn Ngọc Phượng (31 tuổi) bạo hành dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, nhiều người vẫn chưa thể quên vụ việc cô giáo mầm non Trần Thị Xuân Nữ, ở Tân Phú, TPHCM nhốt bé 4 tuổi vào cầu thang máy để vận chuyển thức ăn rồi ấn nút cho thang máy chạy làm cháu bị thương tích nặng, phải cấp cứu. Sau đó, Nữ bị xử 4 năm tù về tội Cố ý gây thương tích.

Chấn động phải kể đến vụ bạo hành trẻ dã man tại nhà trẻ Phương Anh (TP Thủ Đức, TPHCM) gây chấn động dư luận cả nước. Hình ảnh clip ghi lại cảnh tượng hai giáo viên giữ trẻ tát, bóp cổ, dốc đầu trẻ làm người xem co thắt tim.

Chuyên gia tâm lý lên tiếng sau vụ bé 17 tháng bị 2 cô giáo đánh tử vong - 2

Cơ sở mầm non Mầm Xanh, nơi xảy ra sự việc bạo hành trẻ chấn động (Ảnh: H.N).

Sự việc ở nhà trẻ Phương Anh vừa qua thì lại xảy ra sự việc ở cơ sở mầm non Mầm Xanh ở quận 12, TPHCM, khiến dư luận xôn xao. Những đứa trẻ vừa được cô giáo niềm nở đón từ tay phụ huynh, khép cửa lại là bị dồn vào góc để... đánh. Có đứa trẻ còn bị thả lăn lóc cho khóc ở nhà sau, bị bắt ngồi bô liên tục hàng tiếng đồng hồ để khỏi thay quần áo...

Bà Phạm Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh, từng là giáo viên công tác ở trường mầm non công lập, sau đó bà mở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh. Bà là chủ cơ sở, quản lý nhân viên lại là người "ra tay" với trẻ một cách tàn bạo nhất.

Trước tòa, người này khai không nhớ mình đánh bao nhiêu trẻ, bao nhiêu lần. Cô giáo mầm non này còn dùng dao, bình nước rửa chén gõ lên đầu trẻ. Còn việc dùng tay chân đánh, đạp các cháu đã là... phương pháp giáo dục thông thường ở đây.

"Làm ơn đừng viện cớ..."

Nói về vấn nạn bạo hành trẻ ở cơ sở giáo dục mầm non, TS tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao cho hay, nguyên nhân nằm ở con người, ở tâm lý nhà giáo. Điều này có thể bị tác động bởi điều kiện làm việc. Hơn 5h giáo viên đã đến trường, hàng ngày phải chăm hàng chục đứa trẻ, chiều 17-18h mới về rồi lại lo chuyện con cái, gia đình… với đồng lương eo hẹp.

Nhiều giáo viên, bảo mẫu nói biết việc mình làm là vi phạm pháp luật nhưng khi họ rơi vào trạng thái áp lực không có cách giải tỏa, họ sẽ hành động theo vô thức.

TS Quỳnh Giao cảnh báo, tình trạng này diễn ra lâu ngày, không được giải tỏa thì rất dễ stress, từ đó mắc các chứng bệnh về tâm lý. Nhiều cô giáo mầm non mắc bệnh tâm lý "thích" hành hạ người khác, mà người bị hành hạ là chính những người thân xung quanh họ, đặc biệt là những đứa trẻ không có khả năng tự vệ.

Không thể phủ nhận công việc của cô giáo mầm non rất vất vả khi giáo dục gắn liền với việc chăm sóc chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ nhỏ. Nhưng, đó không phải là lý do để biện minh cho hành vi bạo hành trẻ. Bởi không ai bắt ép các cô phải làm công việc này.

Chuyên gia tâm lý lên tiếng sau vụ bé 17 tháng bị 2 cô giáo đánh tử vong - 3

Giáo viên mầm non là công việc nhiều áp lực, đòi hỏi nhiều yêu cầu về năng lực, phẩm chất (Ảnh: H.N).

"Tôi không đủ đạo đức, lòng nhân ái và năng lực để làm công việc này", lời của một bảo mẫu trước tòa trong một vụ bạo hành trẻ ở TPHCM.

Nói về những vụ việc thời gian qua, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM thốt lên: "Làm ơn đừng viện cớ nghề giáo lương thấp, lớp đông, áp lực cao, học sinh ngày nay khó dạy để bào chữa cho việc xem học sinh như kẻ thù? Có ai dí súng vào đầu các thầy cô giáo ấy để bắt họ phải theo nghề đâu".

Theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền, nghề nào cũng có áp lực, cũng có khó khăn. Lựa chọn theo nghề nào đó hoàn toàn là quyết định cá nhân. Nếu thấy bản thân không đủ phẩm chất lẫn năng lực để làm tốt các yêu cầu của nghề đó thì hãy từ bỏ, chuyển sang nghề khác.

Điều này áp dụng mọi nghề, không riêng gì nghề giáo...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia tâm lý lên tiếng sau vụ bé 17 tháng bị 2 cô giáo đánh tử vong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO