Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc và đại diện giới văn nghệ sĩ của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chiều 21/6, ông Trần Đình Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, kỹ sư chuyên ngành cơ khí hàng không, đã góp ý cho lãnh đạo Trung ương và thành phố về các vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất.
"Tôi đang sinh sống ở Mỹ và khoảng thời gian này có dịp đi lại giữa 2 bên nhiều lần qua sân bay Tân Sơn Nhất. Mỗi lần đến sân bay, tôi đều có những suy nghĩ về mức độ an toàn của cảng hàng không này", vị chuyên gia bày tỏ.
Cụ thể, theo ông Thắng, về nguyên tắc an toàn ngành hàng không, các sân bay cần hạn chế tới mức tối thiểu xe chạy trên đường băng đưa đón khách. Điều này nhằm tránh rủi ro vật thể cứng văng ra đường băng gây tai nạn.
Thay vào đó, từ những nhà ga, đơn vị quản lý có thể xây dựng các đường ống đến trực tiếp thân máy bay để phục vụ hành khách, thay vì sử dụng nhiều xe khách đưa đón như tại sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đó, việc đi lại của hành khách sẽ trở nên thuận tiện hơn, tăng tính an toàn cho ngành hàng không.
Vị chuyên gia ngành cơ khí hàng không tiếp tục nêu thực trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất khi chỉ có 2 nhà ga đang phục vụ đến 30 triệu lượt hành khách mỗi năm. Ông lấy ví dụ, sân bay quốc tế Logan (Boston) với diện tích gần 700ha, có 4 nhà ga và mỗi năm phục vụ trên 20 triệu hành khách; sân bay quốc tế JFK (New York) với diện tích 2.000ha, có 8 nhà ga và mỗi năm phục vụ trên 60 triệu hành khách.
"Một khi sân bay Tân Sơn Nhất có thêm nhiều nhà ga thì lượng hành khách ra vào mỗi nhà ga sẽ được điều tiết hợp lý, tăng khả năng an toàn cho ngành hàng không. Đây là điều quan trọng nhất mà sân bay Tân Sơn Nhất phải làm", ông Trần Đình Thắng góp ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ cũng phân tích, sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại đang thiếu xưởng để phục vụ cho các hãng bay nội địa. Trong khi đó, việc bảo dưỡng máy bay định kỳ là quy trình vô cùng quan trọng để tăng độ an toàn cho các chuyến bay.
Trả lời ý kiến của vị cử tri này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận, sân bay Tân Sơn Nhất đã được quy hoạch và xây dựng từ rất lâu. Mặt khác, địa điểm của sân bay có khó khăn cho việc mở rộng.
"Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất đã có quy hoạch nhà ga T3. Thành phố đã ngồi lại với các cơ quan trên địa bàn nhằm khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để sân bay có thể khởi công trong năm nay", ông Phan Văn Mãi thông tin.
Khi đi vào hoạt động, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng công suất lên 50 triệu lượt hành khách mỗi năm. Đồng thời, TPHCM cũng nghiên cứu việc kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành trong tương lai bằng các tuyến đường bộ, đường sắt hạng nhẹ nhằm nâng cao tính hiệu quả, đảm bảo phục vụ nhu cầu của hành khách.