Chuyên gia quốc tế: Bồ Đào Nha - hình mẫu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Phương Thảo| 14/09/2021 21:33

Trong bài viết trên tờ Foreign Policy, tác giả Michael Moran* nhận định, mô hình kinh tế vĩ mô của Bồ Đào Nha có thể là gợi ý cho nhiều quốc gia trên con đường phục hồi.

Mô hình kinh tế Bồ Đào Nha
Khách du lịch thưởng thức đồ ăn tại một quán cà phê vỉa hè ở Lisbon, Bồ Đào Nha vào ngày 19/4 vừa qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Nguồn: Getty Images)

Bồ Đào Nha được biết đến là một vùng đất có lịch sử lâu đời. Trong thời đại khai phá vùng đất mới, các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đã gạt bỏ những rủi ro, đặt Vasco da Gama (người châu Âu đầu tiên đến Ấn Độ bằng đường biển), Bartolomeu Dias (người đầu tiên vòng quanh Mũi Hảo Vọng), và Ferdinand Magellan (người đầu tiên đi vòng quanh thế giới) trong đội tiên phong của chủ nghĩa đế quốc toàn cầu.

Dù các thuộc địa của Bồ Đào Nha đã biến mất từ ​​lâu, nhưng thiên hướng của quốc gia này là tồn tại nhờ khả năng duy trì nền kinh tế hỗn hợp thành công nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Hình mẫu tăng trưởng ở châu Âu

Mặc dù phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước và cuộc suy thoái kinh tế gần đây do đại dịch Covid-19 gây ra, Bồ Đào Nha đã nổi lên một cách bất ngờ như một hình mẫu tăng trưởng cho các nền kinh tế nhỏ của châu Âu.

Bất chấp những ràng buộc về tài khóa hay những áp đặt đối với các thành viên nhỏ của khu vực đồng Euro, Bồ Đào Nha đã tìm ra công thức để duy trì chi phí sinh hoạt hợp lý nhất của Tây Âu.

Một vài thành tựu mà Bồ Đào Nha hiện đã đạt được có thể kể đến như tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, tăng trưởng kinh tế ổn định và sự hài lòng của người dân trong thời đại phân cực.

5 quốc gia trong nhóm “PIIGS” (bao gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha) đã phục hồi tốt trong năm nay sau sự suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong báo cáo quý tài chính ngày 30/6, mặc dù các lệnh hạn chế về Covid-19 tiếp tục được duy trì, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến ngành du lịch quan trọng của nền kinh tế đã mở rộng với tốc độ 4,6% hàng năm, theo Ủy ban châu Âu (EC).

Cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha đều dự báo rằng, Lisbon sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 4% vào năm 2021, một kỳ tích đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, vốn cơ bản đã cạn kiệt vào năm 2020.

Tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha chỉ ở mức 6,7%, cao hơn không đáng kể so với tỷ lệ của cường quốc Liên minh châu Âu là Đức với 5,5%, và thậm chí là Mỹ với 5,4%.

Con số này cũng thấp hơn rất nhiều tỷ lệ thất nghiệp của nước láng giềng Hy Lạp và Tây Ban Nha (trên 15%) hay Italy (dưới 10%).

Ngay cả Ireland – nơi "thiết kế" ra các điều khoản khắc nghiệt của gói giải cứu khu vực đồng Euro và cũng được các kỹ sư tài chính coi là hình mẫu, vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn Bồ Đào Nha với 7,6%.

Quốc gia đáng sống

Nhiều người tỏ ra lo ngại trước những điều này, bởi Bồ Đào Nha là một đất nước với 10 triệu dân nhưng có ảnh hưởng khá lớn đến các vấn đề toàn cầu ngày nay.

Thậm chí, ngôn ngữ Bồ Đào Nha vẫn còn được sử dụng bởi khoảng 240 triệu người trên thế giới và ở cả những vùng đất xa xôi bao gồm Brazil, Angola, Mozambique và Đông Timor.

Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới, chủ yếu được biết đến nhờ cá mòi, bóng đá và rượu vang Port, cho đến gần đây, Bồ Đào Nha đã cố gắng vượt qua những định kiến ​​về các quốc gia Nam Âu, vốn được cho là lười lao động, thiếu thận trọng và không cạnh tranh, để hướng tới kết hợp tăng trưởng, gắn kết xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trang News & World Report của Mỹ hợp tác với Đại học Pennsylvania và nhóm thẩm định viên BrandAsset liệt kê Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về “chất lượng cuộc sống”.

20 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng thuộc về các thành phố nổi tiếng thế giới và các nước Bắc Âu. Tuy nhiên, ở vị trí thứ 21, sau Mỹ, chính là Bồ Đào Nha.

Theo một nghiên cứu hằng năm được thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu về Cơ hội Bình đẳng, Bồ Đào Nha đứng thứ 17 trên toàn cầu về chỉ số đổi mới chăm sóc sức khỏe thế giới năm 2021.

Trong khi đó, trong bảng xếp hạng dựa trên chỉ số về chất lượng chăm sóc, kết quả chữa bệnh của bệnh nhân, Bồ Đào Nha đứng thứ ba trên toàn cầu, chỉ sau Thụy Sỹ và Israel.

Mô hình kinh tế Bồ Đào Nha
Khách du lịch chụp ảnh tại Cais das Colunas ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 11/3/2020. (Nguồn: Getty Images)

Sự vươn lên của Bồ Đào Nha

Giới chuyên gia cho rằng, không phải lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải phụ thuộc vào các nước lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đã phơi bày những điểm yếu và mâu thuẫn của dự án khu vực đồng Euro.

Việc gộp các nền kinh tế như Pháp và Đức thành một đơn vị tiền tệ duy nhất với Latvia, Cyprus và Hy Lạp đã dẫn đến rắc rối.

Không thể phá giá đồng tiền quốc gia – đó là câu trả lời kinh tế kinh điển cho một cuộc khủng hoảng nợ, khiến cho các nền kinh tế khu vực đồng Euro yếu hơn gần như mất quyền tiếp cận thị trường quốc tế.

Giải pháp áp đặt bởi các nền kinh tế lớn của "lục địa già" do người Đức dẫn đầu, là một sự thắt lưng buộc bụng sâu sắc đến mức làm tê liệt các nền kinh tế nhỏ hơn trong hơn một thập kỷ.

Nhưng Bồ Đào Nha là một ngoại lệ. Dù tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 18% vào đầu năm 2013, Lisbon vẫn tuân thủ các nghĩa vụ của mình.

Sau khi kết thúc gói cứu trợ troika vào năm 2015, nước này đã sử dụng kết hợp các ưu đãi thuế, kích thích tài chính và cách tiếp cận sáng tạo đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách này đã giúp thúc đẩy tăng trưởng với tốc độ trung bình đạt gần 2,6% từ năm 2015 cho đến khi đại dịch xảy ra. Động lực trong giai đoạn phục hồi này đã giúp Lisbon giảm bớt gánh nặng trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Trước những thành tựu đó, Giáo sư kinh tế João Borges de Assunção tại trường Kinh doanh và Kinh tế Católica Lisbon nhận định, Bồ Đào Nha hiện là một nền kinh tế có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, Ángel Sánchez, Giáo sư kinh tế vĩ mô tại Viện Hoàng gia Elcano của Tây Ban Nha cho rằng: “Bồ Đào Nha hiện đang trở thành một điểm thu hút các nhà kinh tế vĩ mô. Nước này được coi là một ví dụ về sự hồi sinh kinh tế, được các tổ chức quốc tế hoan nghênh".


*Michael Moran là nhà văn, cây bút bình luận về các vấn đề toàn cầu và Giám đốc điều hành cấp cao tại Microshare.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/chuyen-gia-quoc-te-bo-dao-nha-hinh-mau-phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich-covid-19-158446.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/chuyen-gia-quoc-te-bo-dao-nha-hinh-mau-phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich-covid-19-158446.html
Bài liên quan
  • Thị trường lao động Việt Nam 2024: Tăng trưởng cùng đà phục hồi của nền kinh tế
    Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (GSO) và nền tảng tuyển dụng JobsGO, thị trường lao động Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi rõ nét trong năm 2024, đặc biệt là các ngành Du lịch, Thương mại Quốc tế và Sản xuất Công nghiệp. Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia quốc tế: Bồ Đào Nha - hình mẫu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO