Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ôtô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện.
Phương án trên sẽ giúp tận dụng trang thiết bị của cơ sở bảo dưỡng; tăng số trung tâm kiểm định, từ đó giúp chủ xe thuận lợi hơn khi đăng kiểm phương tiện.
Hiện một số nước đã cho phép cơ sở bảo dưỡng được kiểm định xe. Một số hãng xe lớn cũng có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, được cấp giấy chứng nhận dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn.
Cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S có không gian trưng bày xe mới (showroom), có dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng (service) và cung cấp phụ tùng chính hãng (spare parts). Còn cơ sở 4S ngoài hai chức năng trên còn bổ sung chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng (survey).
Trước đề xuất này, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại tình trạng nếu để các cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S, 4S được phép đăng kiểm sẽ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Các chủ phương tiện lo ngại vào thực hiện đăng kiểm tại các cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S, 4S của các hãng nếu thay đồ không chính hãng thì không được cấp tem đủ điều kiện.
“Chẳng hạn, liệu có xảy ra tình huống nhân viên cơ sở bảo dưỡng vẽ ra tỷ thứ bệnh, bắt thay phụ tùng của chính hãng xe mới qua đăng kiểm?. Đơn giản như việc khách hàng thay cái bugi bên ngoài cũng trượt đăng kiểm hay không?.
Và như thế liệu có xảy ra tình trạng cơ sở bảo dưỡng lợi dụng bán phụ tùng thay thế với giá cao?. Không khéo lại “chết” các chủ xe...”, anh Hưng (Ba Đình, Hà Nội) lo ngại.
Tài xế này kiến nghị, nếu phương án được triển khai phải có cơ chế giám sát, quy trình minh bạch đồng thời phải có cạnh tranh cho nhiều bên cùng làm, tránh tình trạng cả tỉnh chỉ 1-2 cơ sở bảo dưỡng được thực hiện đăng kiểm thì trước sau cũng sẽ phát sinh tiêu cực.
Trao đổi thêm với PV VietNamNet về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng “đơn vị nào thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm xe cơ giới cũng được".
Tuy nhiên, ông An nhấn mạnh rằng, cơ quan chủ quản về chuyên môn phải quản lý được chất lượng, giám sát hoạt động của các cơ sở. Để làm được việc này, phải đầu tư vào hệ thống giám sát tự động, mọi dữ liệu kiểm định phải được truyền về trung tâm để giám sát.
Đồng tình với phương án mà Cục Đăng kiểm đề ra, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông cho rằng, với những trạm bảo dưỡng có đủ điều kiện: đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thợ tay nghề cao, có kinh nghiệm thì có thể làm được công tác kiểm định ô tô.
“Đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở những nơi bảo dưỡng đó họ nắm được kỹ thuật, quy trình, cấu tạo đặc điểm kỹ thuật của ô tô. Cho nên những trạm, trung tâm đăng kiểm kém chất lượng có thể bị xoá đi hoặc thiếu thì có thể sử dụng những trạm bảo dưỡng ô tô để thực hiện hai chức năng (một bảo dưỡng ô tô và một thực hiện kiểm định các phương tiện)”, TS Xuân Thuỷ nói.
Theo ông, phương án này có thể áp dụng nhưng phải có chọn lọc và tránh trùng lặp quá nhiều giữa bảo dưỡng và kiểm định.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần phải xây dựng cơ chế giám sát, với tiêu chuẩn, nội quy rõ ràng. Trong đó TS Xuân Thuỷ nhấn mạnh việc xử lý nghiêm khắc nếu xảy ra sai phạm.
“Nếu không có cơ chế xử lý nghiêm khắc những sai phạm thì lại xảy ra tình trạng như vừa qua, gây ra nhiều hậu quả. Do đó, phải có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ. Các cơ sở bảo dưỡng cũng cần phải có thiết bị, không gian cho đăng kiểm xe riêng biệt, độc lập không lẫn với khu vực bảo dưỡng”, ông Thuỷ nêu.
Cho rằng đây mới là chủ trương nên chuyên gia này tin rằng nếu được triển khai chắc chắn sẽ phải có những quy trình, quy chuẩn, điều kiện cụ thể.