Theo nhiều tài xế xe Bắc - Nam và các chuyên gia hạ tầng giao thông, cao tốc thường được thiết kế cốt nền so với hai bên rất cao nên kể cả các tuyến cao tốc miền Trung mùa mưa bão cũng khó ngập. Sự cố ngập cao tốc, cuốn trôi xe tải trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Bình Thuận sáng 29/7 là sự cố hiếm thấy.
Cao tốc ngập nước là chuyện hiếm
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một chuyên gia về hạ tầng giao thông, đang giảng dạy tại Trường ĐH Giao thông vận tải, Phân hiệu TPHCM, cho biết, theo nguyên tắc cốt nền mặt đường chỉ cần cao hơn cống thoát nước 50-60cm.
Điểm ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là điểm gom nước gần suối. Nguyên nhân ngập cần rà soát lại các yếu tố hệ thống thoát nước trong dự án, hệ thống thoát nước ngoài dự án, hạ lưu thoát nước...
Cũng theo chuyên gia này, cao tốc đường bộ thường nền đường được thiết kế cao, nằm xa khu dân cư nên nếu ngập nước. Cần phải xem xét lại thiết kế, hệ thống thoát nước và cả việc kiểm tra chất lượng mặt đường sau ngập.
"Theo tôi rà soát thiết kế để xem còn phù hợp với thực tế hiện trạng để điều chỉnh kịp thời chứ hồ sơ thiết kế cao tốc Bắc - Nam rất khó sai. Thiết kế cốt nền, cống thoát nước đã qua Hội đồng thẩm tra, đánh giá rất kỹ qua nhiều vòng", chuyên gia này bày tỏ.
Tạm thời để khắc phục tình trạng ngập trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế và các bên liên quan có mặt tại hiện trường trong ngày 30/7, cùng kiểm tra, đánh giá và đề xuất giải pháp.
Tư vấn thiết kế sẽ kiểm tra hiện trạng đoạn ngập
Trưa 29/7, Ban quản lý dự án Thăng Long có báo cáo nhanh gửi Bộ Giao thông Vận tải vụ ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, điểm ngập cục bộ tại km25+419 của dự án. Phạm vi ngập cả hai làn, dài khoảng 100m và sâu nhất 0,7m.
Theo đơn vị này, từ ngày 27 đến 29/7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt trong đêm 28/7. Đến khoảng 4h30 ngày 29/7 đã xảy ra ngập nước tại lý trình km25+419 ảnh hưởng đến phương tiện không lưu thông được theo cả hai chiều.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, nguyên nhân sơ bộ xảy ra tình trạng ngập do lượng mưa lớn, xảy ra liên tục, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu tràn ra phạm vi đường cao tốc gây ngập cục bộ.
Tại khu vực hạ lưu cống km25+419 có mương, suối hiện hữu (ngoài phạm vi dự án) thoát nước ra cầu Sông Phan thời điểm trên ghi nhận thực tế mực nước dâng đến điểm đáy xà mũ cầu Sông Phan.
Để khắc phục triệt để tình trạng ngập thời gian tới, Ban quản lý dự án Thăng Long đã yêu cầu tư vấn thiết kế và các bên liên quan có mặt tại hiện trường cùng kiểm tra, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục.
Về phương án khắc phục, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sau khi nghiên cứu đầy đủ và phương án chi tiết của tư vấn thiết kế.
Ghi nhận tại đoạn km25+419, cao tốc có cốt nền thấp, trũng xuống 2 bên. Tại điểm ngập có một cống xuyên qua tuyến chính. Cống nằm vị trí thấp, nhỏ, không kịp thoát nước.
Địa hình tại đây trũng, có một con suối nhỏ. Ngoài ra, hệ thống rãnh dọc hai bên cũng gom nước về đây. Ngoài cống ngang xuyên tuyến chính còn có cống ngang đường gom dân sinh.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng vừa khai thác từ 29/4. Tuyến cao tốc có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Vận tốc thiết kế của cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.