Theo đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Prime, ông Yushkov nhớ lại, khí đốt từ Nga đến châu Á đi qua cả đường ống và dưới dạng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Hiện tại, tất cả khối lượng từ dự án Sakhalin-2 chủ yếu được chuyển đến Nhật Bản và Hàn Quốc theo hợp đồng dài hạn.
“Trong các trường hợp trên, việc từ chối năng lượng của Nga không được đề cập, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Do đó, sản lượng khí đốt không cần phải chuyển hướng và phần còn lại được gửi đến Trung Quốc”, ông Yushkov nói.
Nga đang dần chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á. (Ảnh: Pixabay) |
Trung Quốc đã ký hợp đồng 3 triệu tấn khí đốt thông qua dự án Yamal LNG. Đồng thời, từ tháng 12/2021 đến tháng 5-6/2022, LNG đi vào thị trường châu Âu từ đó một phần đi sang châu Á và Nam Mỹ. Chuyên gia này thừa nhận rằng Trung Quốc có thể lấy đi khối lượng xuất sang Liên minh châu Âu (EU), nhưng với giá chiết khấu.
Trong khi đó, theo ông Yushkov, châu Á chắc chắn đã trở thành điểm đến xuất khẩu khí đốt thay thế chính cho Nga. Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể nói đến Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
“Trung Quốc đã sẵn sàng để tiêu thụ khối lượng bổ sung, họ đang liên tục tăng nhập khẩu. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ tham gia, nhưng mọi chuyện sẽ được dàn xếp thông qua đàm phán”, ông Yushkov nhận định.
Trước đó, Bloomberg dự kiến Nga sẽ thu được khoảng 320 tỉ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm 2021.
Trong khi, Trung Quốc đang chuẩn bị nhận những lô hàng đầu tiên từ Moscow được thanh toán bằng Nhân dân tệ kể từ khi một số ngân hàng của Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
Dầu thô Nga vốn thường được chuyển đến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu hoặc Mỹ, giờ chuyển hướng đến châu Á, nơi người mua đặc biệt là Ấn Độ đang tận dụng lợi thế của các đợt giảm giá mạnh. Các chuyến hàng từ cảng Primorsk và Ust-Luga ở Biển Đen và Biển Baltic của Nga bắt đầu đến Ấn Độ vào tháng 3, sau các chuyến hàng được chuyển đến Trung Quốc trước đó.
Mới đây nhất, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết cấm vận “hoàn toàn và ngay lập tức” năng lượng Nga đã đẩy giá xăng dầu tăng trở lại.
Ông Patrick Honohan, một thành viên cấp cao tại Viện Peterson ở Washington và là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết: “Các biện pháp trừng phạt làm suy yếu nhưng không thể gây tê liệt cho kinh tế Nga, do không thể gián đoạn dòng thu nhập từ xuất khẩu”.
Thanh Bình (lược dịch)