Chuyên gia nhận định những đối tượng nên tiêm vaccine COVID-19 mũi 4

NGUYỄN LY| 18/05/2022 11:30

TPHCM - Theo kế hoạch của thành phố, đối tượng tiêm vaccine mũi 4 gồm: Người 50 tuổi trở lên (dự kiến số lượng hơn 1,8 triệu người); người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19.

UBND TPHCM vừa yêu cầu các quận, huyện của thành phố tập trung lên danh sách, chuẩn bị địa điểm, nhân lực khi có vaccine cung ứng từ Bộ Y tế sẽ sẵn sàng triển khai tiêm vaccine mũi 4 cho người dân. Với việc tập trung tiêm vaccine lần 2 (mũi 4) cho những đối tượng có nguy cơ cao lần này, các chuyên gia nhận định đây là việc cần thiết trước tình hình dịch COVID-19 vẫn lưu hành trong cộng đồng, kháng thể của đối tượng được ưu tiên đang đến giai đoạn suy giảm.

 
 Tiêm vaccine COVID-19 cho người lớn tuổi tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, theo nghiên cứu ở Israel, những người trên 60 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 khi nhiễm bệnh tỷ lệ chuyển nặng giảm rất nhiều so với người mới tiêm 3 mũi vaccine. Đồng thời, với những người trên 60 tuổi, hệ miễn dịch suy giảm nhanh nên việc bổ sung tiêm mũi vaccine thứ 4 là điều cần thiết.

Nói về vấn đề tiêm cho đối tượng có nguy cơ bị phơi nhiễm (nhân viên y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp), PGS.TS Đỗ Văn Dũng dẫn chứng, cách đây một tuần, một nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc tiêm mũi vaccine thứ 4 cho nhân viên y tế không làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và COVID-19 vẫn lây lan. Tuy nhiên, việc tiêm mũi 4 có tác dụng giảm nguy cơ tử vong, chuyển nặng khi nhiễm.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, ở các nước Châu Âu như Mỹ, đối tượng trẻ trên 12 tuổi có bệnh nền có thể bị giảm miễn dịch (nếu bị ung thư có hóa trị, bệnh lý tự miễn điều trị corticoid...) sẽ được tiêm vaccine mũi 4. Điều này ở Việt Nam chưa có. Tuy nhiên, đối tượng trẻ em tỉ lệ chuyển nặng vẫn thấp hơn người lớn nhiều nên việc tiêm vaccine giai đoạn này cần thêm thời gian.

Loại vaccine được sử dụng trong đợt tiêm này là mRNA (vaccine do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất), vaccine do AstraZeneca sản xuất, vaccine cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Khoảng cách ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Đối với người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc COVID-19.

Theo kế hoạch, UBND phường, xã, thị trấn lập danh sách người dân thuộc các nhóm đối tượng nêu trên để tổ chức điểm tiêm tại địa phương. Lưu ý, về cơ bản, danh sách đã có trên nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ngành y tế cung cấp biểu mẫu lập danh sách cho các đơn vị. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quy trình "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và triển khai xác nhận "Hộ chiếu vaccine ".

UBND TPHCM yêu cầu tổ chức các hình thức tiêm chủng thuận lợi cho người dân và bảo đảm chất lượng, an toàn tiêm chủng, an toàn phòng chống dịch. Ngoài ra, tổ chức nhiều hình thức tiêm chủng đáp ứng nhu cầu người dân, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và đơn vị tiêm chủng như điểm tiêm tại cơ sở y tế, điểm tiêm/xe tiêm lưu động trong cộng đồng, đội tiêm tại nhà cho người không thể đến điểm tiêm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia nhận định những đối tượng nên tiêm vaccine COVID-19 mũi 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO