Chuyên gia Nga nói gì về sự nguy hiểm của ‘sát thủ diệt hạm’ Harpoon?

10/06/2022 09:13

Chuyên gia quân sự Dmitry Boltenkov chia sẻ với Izvestia (Nga) rằng, vũ khí chống hạm nào cũng là thứ nguy hiểm nên không thể không kể đến tên lửa Harpoon của Mỹ.

“Bất kỳ loại vũ khí chống hạm nào cũng là một thứ nguy hiểm. Không thể bỏ qua tên lửa Harpoon. Đối với tất cả các tàu của Hạm đội Biển Đen kể cả những tàu lớn chúng đều nguy hiểm. Các lực lượng của Nga hoạt động ở phần tây bắc của Biển Đen sẽ cần phải tăng cường cảnh giác”, ông Boltenkov nói.

Theo chuyên gia này, tên lửa chống hạm Neptune (Hải vương tinh) của Ukraine và Harpoon mới nhận là tên lửa chiến thuật cùng lớp. Tầm bắn của chúng khoảng 200 km, khối lượng đầu đạn khoảng 200 kg.

Ông Boltenkov nhớ lại, “Hải vương tinh” được tạo ra từ thời Liên Xô và ban lãnh đạo Liên Xô đã thúc đẩy quá trình phát triển, đồng thời ông nói thêm rằng Ukraine đã tận dụng lợi thế của tiến trình này.

Chuyên gia Nga nói gì về sự nguy hiểm của ‘sát thủ diệt hạm’ Harpoon?
Mỹ đang trang bị cho Ukraine hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon. (Ảnh: Reuters)

“Hải quân Nga được trang bị tên lửa X-35 tương tự như Harpoon nên đã quen thuộc với các phương pháp đối phó với các mục tiêu cận âm bay thấp như vậy”, ông Boltenkov nhấn mạnh.

Cũng theo ông Boltenkov, rất có thể Đan Mạch đã chuyển giao tên lửa chống hạm cho Ukraine. Hải quân nước này được trang bị 2 khinh hạm lỗi thời loại Peder Skram có lắp tên lửa Harpoon trên tàu.

“Sau khi các tàu này ngừng hoạt động, Đan Mạch đã lắp đặt hệ thống Harpoon trên khung gầm xe bánh lốp. Và giờ tài sản kém thanh khoản này được chuyển giao cho Ukraine”, chuyên gia quân sự kết luận.

Việc bờ biển Ukraine được tăng cường sức mạnh bằng hệ thống chống hạm Harpoon của Mỹ đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Oleksiy Reznikov công bố trước đó.

“Ukraine đang nhận được các bệ phóng trên mặt đất và một số lượng tương ứng tên lửa chống hạm Harpoon. Các vũ khí mới nhất đang được cung cấp từ Đan Mạch, Anh và Hà Lan. Các quốc gia khác cũng sẽ tham gia quá trình này”, theo Bộ Quốc phòng Ukraine.

Việc chuyển giao loại vũ khí này đã được báo cáo vào cuối tháng 5. Bộ Quốc phòng Ukraine sau đó lưu ý rằng, sự hiện diện của tên lửa ở Kiev là kết quả của sự hợp tác giữa một số quốc gia. Harpoon sẽ được sử dụng bởi các máy bay chiến đấu được chuẩn bị kỹ lưỡng của Ukraine.

Ngoài Harpoon của Boeing, Quốc hội Mỹ cũng xem xét cung cấp cho Ukraine tên lửa chống hạm tầm xa Naval Strike Missile do Kongsberg và Raytheon Technologies phát triển. Đồng thời, nhấn mạnh việc sử dụng cả 2 phức hợp này đòi hỏi quá trình đào tạo lâu dài và chúng khó bảo trì hơn.

Harpoon được biết đến là loại tên lửa chống hạm thành công nhất trên thế giới và đang được biên chế cho lực lượng vũ trang của trên 30 nước. Nó thường xuyên được nâng cấp trong những năm qua, và điều này đã dẫn đến sự phát triển của tên lửa tấn công đất đối không (SLAM) và tên lửa đất đối không tầm xa (SLAM-ER).

Do kỹ sư McDonnell Douglas chế tạo cho Hải quân Mỹ vào những năm 1970, tên lửa Harpoon đã được điều chỉnh để sử dụng trên máy bay ném bom Boeing B-52H Stratofortress. Mỗi chiếc B-52H có thể mang từ 8-12 tên lửa Harpoon.

Hỏa lực của “sát thủ” Harpoon có thể nhắm đến nhiều mục tiêu trên đất liền, trong đó có các vị trí phòng thủ ven biển, cơ sở tên lửa đất đối không, máy bay đang đậu trên mặt đất và thậm chí cả cá cơ sở hạ tầng quan trọng.

Được triển khai lần đầu tiên vào năm 1977 với vai trò là hệ thống tên lửa chống hạm trong mọi điều kiện thời tiết, Harpoon sử dụng quỹ đạo bay lướt trên mặt biển ở tầm thấp với sự dẫn đường của radar chủ động. Loại tên lửa này có khả năng thực hiện nhiệm vụ của tên lửa đối đất và chống hạm.

Thanh Bình (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia Nga nói gì về sự nguy hiểm của ‘sát thủ diệt hạm’ Harpoon?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO