Cổng Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê - nơi từ lâu các nghệ sỹ không còn đến để làm công việc điện ảnh chuyên môn. (Ảnh minh họa)
Dẫu đã có hơn 60 năm lịch sử hình thành và phát triển, đáng buồn thay, Hãng phim truyện Việt Nam lại có 7 năm “sống” trong cảnh lay lắt. Nguyên nhân là do quá trình cổ phần hóa hãng phim này gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến việc nhà đầu tư chiến lược - Tổng công ty Vận tải thủy, đến nay vẫn chưa thể thoái vốn.
Cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về hướng giải quyết triệt để, đặc biệt với những tình huống chưa từng có tiền lệ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã rốt ráo chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan có liên quan giải quyết dứt điểm.
Về vấn đề này, các chuyên gia đã chia sẻ và gợi ý một số giải pháp nhằm “gỡ rối,” đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.
Cần có những quy định mang tính đặc thù
Theo Luật sư Đặng Phương Chi, Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), nguyên nhân của sự kéo dài này trước hết do điện ảnh là một lĩnh vực đặc thù mà hiện nay Nhà nước không có kinh phí để mua lại cổ phần, đầu tư vốn. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) không có đủ cơ sở tính toán mức phí để thực hiện hoàn trả cổ phần và chưa tìm được đối tác mới có năng lực tài chính, chuyên môn để nhận lại số cổ phần của mình.
Vì vậy bà Phương Chi cho rằng giải pháp trước mắt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai việc thực hiện các nội dung tại kết luận Thanh tra cũng như thực hiện những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ.
Luật sư Đặng Phương Chi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Cụ thể, đối với phương pháp định giá thương hiệu - vấn đề vướng mắc khiến VIVASO không thể thoái vốn trước hạn, bộ cần có quy định hướng dẫn riêng. Bởi theo Luật sư Đặng Phương Chi, xét dưới góc độ pháp luật, việc định giá ở thời điểm cổ phần hóa là theo đúng trình tự và quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Thông tư 127/1014/TT-BTC.
Tuy nhiên, xét về tính giá trị văn hóa, lịch sử, với bề dày hoạt động hơn 60 năm cùng những tác phẩm có tên tuổi trong nền điện ảnh nước nhà cũng như quốc tế thì việc định giá VFS với giá trị 0 đồng cần được xem xét lại bởi trong khung pháp lý hiện nay không có quy định nào về xác định giá trị tài sản dựa trên yếu tố lịch sử, truyền thống.
“Tôi hoàn toàn đồng tình với phương pháp định giá mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng bề dày, truyền thống,” bà Phương Chi nhấn mạnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể xem xét tham khảo và nghiên cứu thêm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC, theo đó một trong các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến giá trị của nhã hiệu, tên thương mại là “thời gian và phạm vi sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Cách xác định tác động của yếu tố này trong giá trị nhãn hiệu vẫn phải theo các quy định pháp luật về định giá.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Quốc hội, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng những sản phẩm văn hóa là hàng hóa đặc biệt nên cần có cách ứng xử vừa phù hợp quy luật thị trường, nhưng cũng theo đúng giá trị giúp tôn vinh văn hóa. Chính vì vậy, với những đơn vị và doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật thì cần có ứng xử đặc biệt, đó là cân bằng giữa lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội-lợi ích cộng đồng từ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật.
“Khi đã nhận thức được điều đó thì chúng ta mới hiểu cần ưu tiên nhà nước trong việc nắm giữ vị trí quan trọng trong định hướng sản xuất, tạo ra dòng phim, bộ phim nào để nền điện ảnh đạt trạng thái cân bằng. Từ đó mới có những quyết định đúng đắn khi cổ phần hóa,” ông Sơn nói.
Mô hình nào cho tương lai hãng phim?
Giới chuyên môn nhận định cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn để doanh nghiệp nhà nước có lối đi mới, hướng phát triển tối ưu hơn. Sự thất bại bước đầu trong tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là một bài học để chúng ta tìm ra giải pháp phù hợp hơn trong việc cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật nói riêng. Theo Luật sư Đặng Phương Chi, nhà đầu tư chiến lược mới của đơn vị này “dứt khoát phải hiểu và yêu điện ảnh”.
“Đơn giản người quản lý của một hãng phim thì phải biết nghệ sĩ nào có tài, diễn viên trong nước hay quốc tế cũng như một bộ phim muốn hay thì phải có đạo diễn giỏi, diễn viên có tài, kịch bản tốt, môi trường sản xuất phim phù hợp và hội tụ được tâm huyết của tát cả những người có liên quan... Chính điều này mới tạo nên được những tác phẩm điện ảnh có giá trị,” bà Phương Chi cho hay.
Một góc tại Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn thì cho rằng qua việc nắm giữ cổ phần, Nhà nước cần cho thấy vai trò quan trọng trong tổ chức định hướng sản xuất dòng phim đặt hàng.
“Không thể để những nhà đầu tư chiến lược tư nhân như VIVASO nắm thị phần trên 50%, như vậy là thả nổi định hướng phim cho phía tư nhân, đặt lợi nhuận cao hơn cả, thay vì làm những tác phẩm văn hóa định hướng đạo đức cho xã hội, tạo nhận thức đầy đủ về lịch sử dân tộc,” ông Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Nhà quay phim-Nghệ sỹ Nhân dân Lý Thái Dũng đề xuất Hãng phim chuyển đổi thành mô hình bảo tàng kết hợp trung tâm chiếu phim quốc gia thứ hai, học theo một phần mô hình của hãng Mosfilm tại Nga. Đây cũng là ý kiến của nhiều nghệ sỹ khác tại hãng.
Qua đề xuất này, ông Lý Thái Dũng kỳ vọng mô hình này sẽ tận dụng được những lợi thế về vị trí ở trung tâm thành phố, trở thành một môi trường có các “giáo cụ trực quan” cho các thế hệ học sinh, sinh viên ngành điện ảnh đồng thời phát huy các giá trị về lưu trữ văn hóa, kích thích du lịch, gia tăng giá trị điểm đến (Hà Nội)…
Trụ sở của Mosfilm (với một phần được bảo tàng hóa) có thể được tham quan trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)
"Kinh phí xây dựng mô hình này sẽ đến từ nguồn vốn xã hội hóa hoặc được Nhà nước cho mượn. Về sau, chi phí bán vé xem phim, tham quan bảo tàng sẽ bù lại số tiền này đồng thời được dùng để duy trì nơi đây," ông Lý Thái Dũng đề xuất.
Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng việc học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt từ các quốc gia có nhiều điểm tương đồng về thể chế, văn hóa, xã hội trong tình huống cổ phần hóa tương tự là điều cần thiết, song vẫn phải có sự thích nghi, điều chỉnh về phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử, xã hội của Việt Nam, tránh áp dụng nguyên si và đặt mục tiêu chấn hưng điện ảnh lên hàng đầu./.