Chuyên gia 'Huy thời tiết': Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai

31/03/2024 06:20

Nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh "Huy thời tiết", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy có hơn nửa triệu người theo dõi (follow), chờ đón các dự báo của anh hàng ngày, nhất là những khi mưa bão, nắng hạn.

Trong cuộc trò chuyện với báo Dân trí, tiến sĩ Huy không ngần ngại chia sẻ những áp lực khi làm việc với tư cách chuyên gia độc lập, và cả nỗi sợ nếu không may đưa ra dự báo sai.

Mỗi năm có 365 ngày nhìn mây

Câu hỏi đầu tiên rất nhiều người muốn hỏi mỗi khi gặp tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy. Đó là: Thời tiết tuần tới có gì đáng chú ý và vì sao?

- Vâng, đây đúng là câu hỏi tôi nhận được hàng ngày. Tuần đầu tiên của tháng Tư sẽ chứng kiến sự biến đổi khá đột ngột của thời tiết mà mọi người cần lưu tâm. Chúng ta sẽ đón đợt nắng nóng gay gắt trong bối cảnh nền nhiệt miền Bắc đang tương đối thấp, có thể từ 25 - 26 độ nhảy lên tới 35 - 37 độ C. Khu vực miền Trung dự báo lên đến 38 - 39 độ C. Ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng sẽ duy trì nắng nóng diện rộng. Trong khi đó khu vực Tây Nguyên có thể giảm nhiệt do có mưa vào những ngày cuối tháng 3.

Đợt tăng nhiệt này ở miền Bắc và miền Trung là sự cảnh báo cho một mùa hè nóng hơn so với trung bình nhiều năm. Mọi người cần chuẩn bị sẵn sàng cho thời tiết cực đoan này.

Cảm ơn anh vì thông tin hữu ích. Trước khi tiếp tục câu chuyện về mùa hè nắng nóng sắp tới, tôi muốn hỏi anh về hành trình trở thành một chuyên gia thời tiết. Được biết anh Huy từng mắc kẹt trong trận lũ lịch sử năm 1999 ở Thừa Thiên Huế trước khi đi học về quản lý rủi ro thiên tai. Câu chuyện này đã xảy ra như thế nào?

- Đây là kỷ niệm tôi nhớ mãi, và cứ mỗi khi làm tin cảnh báo lũ lụt thì tôi lại nhớ đến cảm giác mắc kẹt giữa bốn bề nước với cái bụng đói meo của mình.

Chuyện xảy ra vào đầu tháng 11 năm 1999, tôi cùng hai người bạn sinh viên đang ở trọ trong dãy nhà cấp bốn thì nước lụt dâng lên. Ở Huế chuyện nước ngập xảy ra như cơm bữa nên ban đầu mọi người thấy bình thường. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, người dân trong xóm tôi ở trọ cảm nhận sự bất thường. Họ nhốn nháo kêu nhau. Tôi nhìn ra ngoài sân thấy nước lụt màu vàng. Nghĩa là lụt ở trên thượng nguồn đổ về, nước sẽ dâng rất nhanh.

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 4

Ngày ấy phương tiện truyền thông không hiện đại và sẵn có như bây giờ, chúng tôi hầu như không nhận được cảnh báo từ trước. Trong vòng một, hai giờ đồng hồ buổi sáng, nước lên gần ngang đầu người, chúng tôi lội ra giúp đưa người già, trẻ em đến trú tạm ở căn nhà 2 tầng duy nhất trong xóm rồi quay về phòng trọ, "cố thủ" ở đó với hộp sữa Ông Thọ đã dùng quá nửa và ít gói mì tôm sót lại. Nước dâng lên không dừng, chúng tôi phải trèo lên cái tra - thanh gỗ kê tấm ván gần nóc nhà, ngồi trên đó hai ngày. Cái tra đó đã cứu chúng tôi thoát khỏi trận lụt lịch sử năm 1999.

Tôi mang theo những trải nghiệm này khi quyết định đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Kyoto (Nhật Bản) về quản lý rủi ro thiên tai. Một trong những bài học, dù rất cơ bản, nhưng tôi đã học được không phải ở trường lớp mà từ thực tế, đó là dùng số liệu đo mưa ở thượng nguồn để dự báo cho hạ lưu. Dữ liệu đóng vai trò quyết định trong dự báo thời tiết và cảnh báo rủi ro thiên tai. Với trận lũ năm 1999, nhiều người dân Huế chủ quan vì thấy ở hạ lưu mưa nhỏ, trong khi nước dâng nhanh là do lũ từ thượng nguồn đổ về.

Tôi được nghe kể rằng 20 năm qua ngày nào anh Huy cũng nhìn mây, gồm mây trên trời và mây trong máy tính (ảnh vệ tinh) để đưa ra các phân tích, dự báo của mình. Vì sao anh quyết định theo đuổi công việc này?

- Tôi làm công việc này một cách rất tự nhiên. Thứ nhất đây là chuyên môn của tôi, muốn quản lý rủi ro thì phải biết về dự báo. Thứ hai, tôi thấy việc dự báo cần thiết và hữu ích với mọi người. Một ví dụ gần đây là việc đưa thông tin về đợt không khí lạnh cảnh báo các nhà nuôi yến. Thông thường các đợt không khí lạnh hình thành ở vùng Cực Bắc sẽ mất khoảng 13 - 15 ngày để về đến Việt Nam, tùy tốc độ gió và cường độ của không khí lạnh. Với đợt lạnh sâu nếu dự báo sớm cho các nhà nuôi yến sẽ giúp họ chuẩn bị sẵn hệ thống sưởi và các biện pháp cần thiết, giảm thiệt hại rất nhiều. Một cặp yến không may chết vì nhiễm lạnh thì coi như chủ mất từ 2-3 triệu đồng, nhân lên nhiều hộ sẽ là con số rất lớn.

Dự báo sớm thời tiết cực đoan giúp người dân sẵn sàng phòng tránh, có một thống kê là cứ 1 USD đầu tư cho ứng phó trước thiên tai thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 7 USD trong khắc phục hậu quả. Bà con ở miền Trung thường phải làm lụng tích lũy trong nhiều năm mới có căn nhà nhỏ cùng một ít tài sản, vì vậy việc cảnh báo sớm về mưa bão, lũ lụt, sạt lở… đóng vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại và phát triển bền vững, đặc biệt trên diện rộng.

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 6

Ở đây tôi nhấn mạnh rằng thông tin dự báo của tôi chỉ mang tính tham khảo, hay nói cách khác là thông tin không chính thống của một chuyên gia độc lập. Trong lĩnh vực này chúng ta có hệ thống cơ quan chức năng về phòng, chống thiên tai, về dự báo khí tượng thủy văn trung ương và địa phương. Đây là những cơ quan đưa ra thông tin chính thống, phục vụ cho việc hoạch định chính sách cũng như ứng phó cụ thể. Các cơ quan này làm việc hàng ngày với đội ngũ chuyên gia và trang thiết bị chuyên nghiệp, trải dài khắp các tỉnh, thành.

Tôi khuyến cáo người dân theo dõi thông tin dự báo từ các kênh chính thống nêu trên, còn thông tin của tôi chỉ là nguồn tham khảo. Hơn nữa tôi không làm công việc dự báo hàng ngày, thường thì tôi chỉ đưa ra các dự báo khi cần thiết, khi có hình thái thời tiết cực đoan. Nhân đây cũng xin nói thêm là không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước có mô hình chuyên gia độc lập bên cạnh cơ quan chính thống của nhà nước.

Một đặc điểm trong các dự báo thời tiết của anh là thường đưa ra lời khuyên cụ thể, ví dụ như khuyên mọi người nên kê cao đồ đạc, gia cố mái ngói, nhà cửa khi có bão. Điều gì hình thành nên đặc điểm này?

- Tôi tự đặt mình vào vị trí mọi người, giống như một người thân trong gia đình hay một người hàng xóm bảo nhau "trời sắp mưa đấy, nhớ cầm ô theo". Nhiều người bảo tôi "sao ông cứ phải khuyên bảo người ta cụ thể thế, chẳng lẽ trời mưa người ta không biết cầm ô hay cầm áo mưa theo hay sao?". Nhưng tôi nghĩ rằng mình cứ nói càng chi tiết càng tốt, vì không phải tất cả mọi người đều biết hoặc đều để ý. Tôi quan niệm rằng thông tin mình đưa ra chỉ cần có ích cho một người cũng là tốt lắm rồi.

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 8

Dự báo thời tiết cực đoan là công việc rất áp lực

Nếu như cơ quan khí tượng thủy văn có đội ngũ cán bộ và trang thiết bị chuyên nghiệp để làm công việc của họ, thì với tư cách một chuyên gia độc lập, anh thực hiện công việc dự báo thời tiết của mình như thế nào?

- Thứ nhất là dựa vào nguồn dữ liệu quốc tế từ các trung tâm dự báo của châu Âu, của Mỹ, của Nhật Bản… Các trung tâm này không chỉ dự báo cho khu vực của họ mà cho cả vùng rộng lớn hơn. Ví dụ cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện đa số nguồn dữ liệu, dự báo của các trung tâm này là nguồn mở, công khai. Tất nhiên không phải tất cả các dữ liệu đều dưới dạng thông tin sử dụng ngay được mà phải phân tích, biên tập, nói nôm na là chế biến dữ liệu chuyên ngành thành thông tin đời thường. Chẳng hạn việc dự báo bão cần nhiều dữ liệu. Các mô hình quốc tế có thể cung cấp dự báo đường đi, khí áp, lượng mưa, cấp gió, .v.v. nhưng không phải lúc nào các mô hình cũng đúng và các dự báo thường được cập nhật mỗi 3 đến 6 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, việc truy cập vào nguồn dữ liệu nền nhiệt bề mặt biển và khí áp thời gian thực cũng rất quan trọng để đưa ra nhận định.

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 12

Thứ hai là nguồn dữ liệu địa phương, ví dụ để dự báo lụt, ngoài việc dựa vào dự báo lượng mưa từ dữ liệu quốc tế thì chúng ta phải dựa vào dữ liệu địa phương như lượng mưa tích lũy được đo ở một vùng cụ thể và mực nước hồ chứa, mực nước sông, thời điểm thủy triều…

Tôi may mắn được cung cấp tài khoản miễn phí để truy cập vào hơn 2.600 trạm đo mưa trên toàn quốc, trong đó có cả lịch sử lượng mưa từ trước đến nay để so sánh. Gần đây với đợt lụt ở Huế vào tháng 11/2023, khi nhìn thấy lượng mưa khá lớn ở phía Tây (thượng nguồn), tôi đã cảnh báo khẩn cấp, khuyến cáo mọi người lập tức đưa đồ đạc lên cao, sơ tán… Tại sao tôi lại đưa ra cảnh báo như vậy, vì lúc đó ở hạ lưu Huế đang mưa nhỏ nên có thể nhiều bà con sẽ chủ quan.

Thứ ba là trải nghiệm cá nhân. Muốn dự báo chính xác về thiên tai ở một địa phương, chúng ta phải nắm được các thông tin về địa hình, đặc điểm khí hậu ở đó, nghĩa là kết hợp nhiều yếu tố tương tác chứ không chỉ dữ liệu. Để dự báo tốt thì dữ liệu toàn cầu và kinh nghiệm địa phương là những yếu tố hỗ trợ rất quan trọng. Cũng với dữ liệu và mô hình phân tích đó, bảo tôi dự báo thời tiết cho Ấn Độ hoặc Bangladesh, tôi không thể làm được vì không đủ trải nghiệm địa phương cho dù tôi từng có thời gian công tác ở hai quốc gia này.

Nghề dự báo là một quá trình tích lũy liên tục về kiến thức và kinh nghiệm. Muốn dự báo thì phải nắm dữ liệu, biết chạy mô hình phân tích nhưng bản thân các mô hình cũng thay đổi liên tục, dự báo quá sớm hay quá xa sẽ có sai số. Chuyện xảy ra khá thường xuyên trong dự báo là cùng một cơn bão, cùng một thời điểm, nhưng 7-8 đài khí tượng quốc tế uy tín đưa ra dự báo 7-8 hướng đi khác nhau. Bản thân tôi cũng từng dự báo sai.

Đâu là những sai sót mà một chuyên gia dự báo thời tiết có thể gặp phải?

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 13

- Có hai loại sai trong dự báo thiên tai cực đoan, một là dự báo quá lên, hai là dự báo thấp hơn diễn biến thực tế. Loại sai sót thứ hai khá nguy hiểm vì có thể khiến mọi người chủ quan, cá nhân tôi chưa gặp phải loại sai sót này.

Về việc dự báo quá lên thì tôi vẫn nhớ khi bão Noru (tháng 9/2022) sắp đổ bổ, tôi đã đưa lên trang cá nhân cảnh báo ở mức "CAO NHẤT" dựa vào các dữ liệu về nền nhiệt mặt biển, cấu trúc bão… Rất may mắn thời điểm bão Noru cách bờ khoảng 100km thì nó chững lại, quần thảo ngoài khơi rồi giảm cấp trước khi vào bờ ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Đây là cơn bão mà tôi đã đưa ra dự báo quá lên so với thực tế. Về sau khi bão tan, đã có ý kiến nói là tôi gieo rắc sợ hãi, nhưng tại sao tôi lại đưa ra cảnh báo như vậy? Tại vì bối cảnh lúc đó ranh giới giữa một cơn bão bình thường và siêu bão rất mong manh, trong khi bão chỉ cách bờ hơn 100km và còn khoảng 5 tiếng nữa là đổ bộ. Lý do tôi đưa ra dự báo quá lên như vậy cũng chính là khoảng cách mong manh ấy để mọi người cảnh giác, chịu khó sơ tán đến nơi an toàn.

Một loại sai khác nhà dự báo theo phong cách phổ thông như tôi rất dễ mắc là sai do cảm xúc cá nhân. Ví dụ mình đang ngồi ở một nơi khá nắng nóng, thời tiết tác động lên cảm xúc và xem mô hình thấy khả năng hình thái thời tiết này có thể kéo dài, nếu không cẩn thận thì rất dễ đưa ra ngay dự báo kiểu như "nắng nóng sẽ kéo dài", thậm chí là dùng từ ngữ cực đoan trong dự báo trong khi chưa xem kỹ các yếu tố khác. Tôi từng mắc sai lầm như vậy và đây là điều phải tránh. Tôi luôn tự dặn mình kiềm chế cảm xúc để đưa ra dự báo đúng mức với thực tế có thể xảy ra.

Dự báo thời tiết là công việc liên quan đến cộng đồng nên các nhà dự báo sợ sai sót là điều có thể hiểu được. Bản thân anh vượt qua nỗi sợ này như thế nào?

- Quả thực đây là công việc rất áp lực, nhất là khi dự báo thời tiết cực đoan. Tôi còn nhớ cơn bão số 8 tháng 10/2020 và cơn bão khác cũng số 8 vào tháng 10/2021, nhiều mô hình dự báo quốc tế cho là bão sẽ vào khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam, sức gió giật cấp 10, 11. Lúc đó tôi đưa ra dự báo ngược lại và viết trên trang cá nhân của mình rằng "bão sẽ suy yếu gần bờ".

Viết xong tôi "sống trong lo lắng" không phải vì không tự tin với dự báo của mình, mà vì áp lực rất lớn, chỉ vài phút sau đã có hàng nghìn, rồi hàng chục nghìn người tương tác với dự báo đó của tôi. Nếu mà bão vẫn vào bờ thì sao? Tôi không khỏi tự đặt ra câu hỏi với chính mình. Cứ khoảng 15 đến 20 phút, tôi lại kiểm tra tất cả các thông tin, dữ liệu trong cảm giác lo lắng. Áp lực này kéo dài mấy ngày liền cho đến khi bão tan và may quá, đúng là bão không vào bờ.

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 16

Điều giúp tôi vượt qua nỗi sợ chính là nhiệt độ mặt biển - một trong những nguyên tắc cơ bản duy trì sức bão. Nền nhiệt mặt biển lúc đó khoảng 26,5 độ C nên tôi tự tin rằng sẽ ảnh hưởng đến sức bão, làm bão suy yếu. Tuy nhiên dữ liệu về nền nhiệt bề mặt biển tôi tiếp cận được cũng có thể sai. Vì vậy mà dự báo cũng có tính không chắc chắn của nó.

Như vậy các nhà dự báo vượt qua được nỗi sợ là nhờ vào dữ liệu và phương pháp làm việc khoa học?

- Vâng, đúng như vậy. Không gì có thể chống lại được các dữ liệu, nếu như đó là nguồn dữ liệu tin cậy. Chẳng hạn như dữ liệu về nhiệt độ mặt biển, với cơn bão số 8 năm 2020, nếu mặt biển ở mức 26,5 độ C, bão không thể duy trì cường độ mà sẽ giảm cấp.

Con số hơn nửa triệu người theo dõi trên mạng xã hội phần nào cho thấy sự tin tưởng của cộng đồng với các dự báo của anh. Nhưng bên cạnh sự tin tưởng này, có bao giờ anh nhận lời phàn nàn, chê trách hay thậm chí là nghi ngờ, phản biện?

- Thú thực là thỉnh thoảng cũng có nhưng rất ít. Tôi không bao giờ ghét hay giận những người góp ý hoặc chê bai mình, ngược lại luôn cảm ơn họ vì đã giúp tôi cẩn thận hơn trong công việc. Trên đời này không ai hoàn hảo về tính cách cũng như hoàn hảo trong công việc, có làm thì chắc chắn có sai sót. Điều quan trọng là tôi biết rõ công việc mình làm, biết rằng đây là một công việc dựa trên nghiên cứu khoa học chứ không phải cảm tính cá nhân và có ích với mọi người.

Khi thấy rằng việc mình làm có ích cho cộng đồng, tôi nghĩ không chỉ bản thân tôi mà bất cứ ai cũng sẵn sàng chịu vất vả, áp lực. Tôi nhớ mãi kỷ niệm đợt mưa lũ tháng 10/2020, tôi đã cảnh báo rằng sẽ có mưa lớn, ngập lụt nặng ở miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Huế), kêu gọi người dân địa phương kê cao đồ đạc, di chuyển đến nơi an toàn… Nhưng công việc của tôi không dừng lại ở chỗ đưa ra dự báo. Hàng đêm, điện thoại tôi sáng đèn liên tục vì tin nhắn đến, "anh ơi nhà em ngập rồi, bây giờ phải làm sao", "anh ơi tìm thông tin cứu hộ giúp em"…

Những ngày ấy, tôi thức trắng đêm cùng mọi người, cung cấp thông tin đường dây nóng, kết nối, điều hướng hỗ trợ đến những trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra tôi còn huy động các tình nguyện viên từ Hải Phòng, từ Vũng Tàu, Đà Nẵng đưa ca nô đi dọc một số tỉnh miền Trung để hỗ trợ bà con mắc kẹt trong nước lũ.

Điện thoại của tôi như "nồi nước sôi" với các cuộc gọi để vận hành hệ thống trợ giúp từ khắp nơi hướng về miền Trung. Tất nhiên lúc ấy có các cơ quan chức năng vào cuộc và đóng vai trò chủ lực; cùng với đó, người dân với tinh thần giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn cũng có rất nhiều sáng kiến, rất nhiều hành động thiết thực, cảm động.

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 18

Biến đổi khí hậu mang đến cả thách thức và cơ hội

Đầu cuộc phỏng vấn anh có đưa ra dự báo mùa hè năm 2024 sẽ rất nắng nóng. Đây có phải là vấn đề mà chúng ta vẫn nói là biến đổi khí hậu không?

- Chính xác nó là biến đổi khí hậu. Về chủ quan thì mỗi người sẽ có cảm nhận thời tiết khác nhau, nhưng bằng dữ liệu qua các năm sẽ cho thấy một xu hướng khá rõ, đó là sự gia tăng của nền nhiệt so với trung bình chung của nhiều năm. Trong khi đó mùa Đông lại vẫn có những thời điểm rét cực đoan, nhiệt độ xuống thấp, thậm chí có tuyết và băng giá. Đây là sự biến đổi không theo các quy luật thời tiết đã được hình thành từ hàng trăm ngàn năm, hàng triệu năm trước đây. Sự nóng lên toàn cầu khiến cho tính bất thường của thời tiết diễn ra thường xuyên hơn.

Việt Nam nằm trong số quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Thứ nhất, sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu, khiến nền nhiệt gia tăng và khi nền nhiệt gia tăng thì sẽ có nhiều ngày nắng nóng cực đoan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khỏe con người.

Thứ hai là thay đổi về lượng mưa, nhiều mưa cực đoan, và mưa cục bộ với lượng mưa rất lớn. Ví dụ như đợt mưa đến 700mm trong vòng sáu tiếng đồng hồ ở ở Đà Nẵng vào ngày 14/10/2022. Mưa cực đoan như vậy vượt ra khỏi khả năng chịu tải của hạ tầng.

Thứ ba là nước biển dâng với tốc độ ngày càng nhanh hơn, làm mất đất xây dựng, đất sinh hoạt, đất sản xuất và đất để duy trì hệ sinh thái tự nhiên.

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 22

Việt Nam đã có chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu từ nhiều năm nay. Theo anh đâu là vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn trước mắt?

- Với giai đoạn ngắn hạn thì việc quan trọng là nâng cao khả năng chống chịu của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi địa phương. Chúng ta hãy thay đổi bắt đầu từ việc lập kế hoạch để nếu thiên tai xảy ra thì sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng triển khai hành động cần thiết.

Sau nhiều năm làm quản lý rủi ro thiên tai, tôi có một niềm tin rất rõ ràng nếu như thông tin dự báo đúng và chính xác, nếu có phương án ứng phó thiên tai kịp thời ở cấp hộ gia đình, cấp cá nhân thì sẽ giảm thiểu thiệt hại đáng kể. Khi bão đến, ta dự báo trước 3-4 ngày hay 1-2 ngày thì vẫn đủ thời gian hành động, vì vậy tôi nghĩ việc hành động sớm ở cấp hộ gia đình cũng như chính quyền địa phương là rất quan trọng. Nhìn sang Nhật Bản, đất nước thường xuyên chịu động đất, nhưng người Nhật tuân thủ các khuyến cáo của chính quyền rất triệt để.

Chuyên gia Huy thời tiết: Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai - 24

Về mặt dài hạn, chúng ta phải nhìn vào kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên Môi trường công bố. Kịch bản đấy cho chúng ta biết là vùng nào sẽ tăng nhiệt, vùng nào giảm nhiệt, giảm ở giai đoạn nào, khu vực nào sẽ bị ngập lụt do nước biển dâng, qua đó có phương án phòng trừ, giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai.

Biến đổi khí hậu mang đến cả cơ hội và thách thức. Chúng ta phải nhìn cả hai phía để có thể thay đổi, phát triển công nghệ, hướng về nền kinh tế giảm phát thải carbon.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia 'Huy thời tiết': Tôi từng đối mặt với nỗi sợ dự báo sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO