Chuyên gia gợi ý nghi lễ, văn cúng Rằm tháng Giêng theo văn hóa người Việt

23/02/2024 11:19

Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024 nhằm ngày thứ Bảy, 24/2 Dương lịch. Theo tục lệ truyền thống, các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm lễ dâng cúng tổ tiên, thần Phật. Nhiều người chọn đi chùa cầu an.

Vì sao quan niệm "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng"?

Rằm tháng Giêng là ngày lễ được nhiều gia đình Việt coi trọng. Nhiều người quan niệm "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" nên thường chuẩn bị đồ lễ chu đáo để cầu mong may mắn, tài lộc cả năm.

Rằm tháng Giêng còn có một số tên gọi khác như lễ Thượng nguyên, Tết treo đèn, Tết Nguyên tịch, Tết Nguyên tiêu…

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho hay, sở dĩ dân gian có câu "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" là bởi ngày này có một ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống tâm linh và tín ngưỡng của người phương Đông.

Chuyên gia gợi ý nghi lễ, văn cúng Rằm tháng Giêng theo văn hóa người Việt - 1

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho hay, cũng như ngày rằm, mùng một trong các tháng khác, nên cúng đúng ngày và không cần chọn giờ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đây là một tín ngưỡng của Đạo Giáo, truyền bá vào các quốc gia phương Đông từ rất xa xưa. Tín ngưỡng của Đạo giáo thờ 3 vị thần: Thiên Quan, Địa Quan,  Thủy Quan hay còn gọi là Tam Nguyên (Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên).

Các ngày lễ Tam Nguyên: Rằm tháng Giêng (lễ Thượng Nguyên), Rằm tháng Bảy (lễ Trung Nguyên) và Rằm tháng 10 (lễ Hạ Nguyên).

Ngày Rằm tháng Giêng là ngày Thánh Đản (ngày vía) của đức Thiên Quan (Ngọc Hoàng) hay còn gọi là Thiên Quan nhất phẩm tử vi Đại Đế. Đây là vị thần cai quản toàn bộ Thiên Đình, trông coi họa phúc của nhân gian.

Theo Đạo Giáo, ngày này Thiên Quan sẽ ban phúc lành cho toàn bộ hạ giới nên dân gian gọi là ngày Thiên Quan Tứ Phúc (Thiên Quan ban phúc).

Vì vậy, dân gian sẽ chọn Rằm tháng Giêng để lập đàn tế lễ, cầu mong phúc lành, tiêu tai giải họa, làm lễ "dâng sao giải hạn"... cầu mong cho một năm được bình yên, an lạc. Rằm tháng Giêng vì thế trở thành một ngày quan trọng trong số các lễ tiết của năm.

Chuyên gia gợi ý nghi lễ, văn cúng Rằm tháng Giêng theo văn hóa người Việt - 2

Mâm cúng Rằm tháng Giêng của một gia đình Hà Nội (Ảnh: Hồng Anh).

Người Việt do chịu một phần ảnh hưởng của văn hóa Đạo giáo trong quá trình lịch sử nên dân gian Việt Nam cũng có tục cúng Rằm tháng Giêng hay lễ Thượng Nguyên.

Trong các triều đại phong kiến xưa, triều đình đều tổ chức lễ Thượng Nguyên rất long trọng, trực tiếp Hoàng đế làm chủ lễ, cầu mong cho thiên hạ thái bình, nơi nơi thịnh vượng, người người an lạc. Trong dân gian, khắp mọi miền đều tổ chức lễ Rằm tháng Giêng rất phong phú.

Lại có thuyết cho rằng, thời vua Minh đế nhà Hán, Hán Minh đế là người tin sùng Phật pháp nên Rằm tháng Giêng ra lệnh toàn hoàng cung thắp đèn thâu đêm cúng dường chư phật. Dân gian theo đó lưu truyền nghi thức cúng tế, lễ Phật cầu an trong ngày rằm đầu tiên của năm.

Nhiều người cũng coi đây là thời điểm thích hợp để cầu nguyện an lành cho cả năm. Giới Phật tử và toàn thể dân chúng vì thế rất xem trọng ngày này. Nhiều nơi, người dân đi lễ chùa, nhiều nhà chùa làm lễ cầu an...

Ngày, giờ và nghi thức cúng Rằm tháng Giêng

Về ngày, giờ cúng Rằm tháng Giêng, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trọng Tuệ cho rằng, Rằm tháng Giêng cũng như ngày rằm, mùng một trong các tháng khác, nên cúng đúng ngày và không cần chọn giờ.

Thủ tục ngày lễ Thượng Nguyên sẽ gồm hai phần: Lễ Thượng Nguyên và Đêm Hội Nguyên Tiêu.

Lễ Thượng Nguyên thường được tiến hành vào ban ngày, dân gian sẽ bày hương án ngoài trời, viết bài vị "Thiên Quan Tứ Phúc" và dâng đồ lễ gồm hoa quả, vật thực.

Đêm hội Nguyên Tiêu sẽ gồm nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa, nhưng theo lề lối cổ xưa thì sẽ có lễ hội Hoa Đăng (thả đèn), Thiên Đăng (thả đèn trời) và kèm theo các hoạt động văn hóa như Đố đèn, Thả thơ, hát múa...

Theo phong tục, thời gian lễ Thượng Nguyên thường vào ban ngày của ngày Rằm tháng Giêng, không có quy ước về giờ cụ thể. Có một số quan điểm cho rằng cần phải cúng trước 12h hay cúng trước mấy ngày đều là không có căn cứ.

Mâm cúng Rằm tháng Giêng, văn cúng Rằm tháng Giêng

Nhiều người Việt cho rằng, càng làm lễ to, đốt nhiều vàng mã càng thể hiện lòng thành tâm, cả năm sẽ gặp sung túc, may mắn, thuận lợi. Tuy nhiên, ông Tuệ cho rằng, quan niệm này không đúng.

"Như trên đã nói, việc cúng rằm tháng Giêng là một tín ngưỡng dân gian và nó cũng là một ngày hội với nhiều phong tục đẹp, một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc.

Vì vậy, chúng ta cần hiểu đúng và tránh những suy diễn, mê tín dị đoan khiến phong tục đẹp đó bị biến tướng", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa Phương đông nói.

Theo chuyên gia này, trên phương diện văn hóa, việc tổ chức lễ Thượng Nguyên, đêm hội Nguyên tiêu nên theo hướng nhằm gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Việc cúng lễ, cốt ở thành tâm là chính, không nên bày vẽ tốn kém, suy diễn bịa đặt nhiều thứ mê tín.

Những quan điểm cho rằng càng làm lễ to, đốt nhiều vàng mã thì càng thể hiện lòng thành là không đúng. Thiên địa vốn công bằng với tất cả mọi người, tốt hay không là ở suy nghĩ và hành động của mỗi con người.

Nếu làm những việc trái với đạo lý, xã hội thì cúng lễ nhiều cũng chẳng có ích gì. Hơn thế nữa, việc đốt nhiều vàng mã sẽ gây tốn kém lãng phí, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao, cần phải được hạn chế.

Trong ngày Rằm tháng Giêng, việc chuẩn bị mâm cúng cũng được các gia đình chăm chút. Mâm cúng Rằm tháng Giêng có thể bao gồm mâm cỗ mặn và mâm cỗ chay.

Mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa như gà trống luộc, canh măng, món xào thập cẩm, nem, giò, xôi, bánh chưng, nộm... và các vật phẩm khác như hương hoa vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu.

Mâm cỗ chay thường có chè, xôi, hoa quả và đặc biệt là bánh trôi nước. Nhiều người quan niệm, ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.

Chuyên gia gợi ý nghi lễ, văn cúng Rằm tháng Giêng theo văn hóa người Việt - 3

Chị Vũ Thu Hương (ở Hà Nội) chọn cúng bánh trôi nước vì mong mọi việc cả năm hanh thông, trôi chảy (Ảnh: Hồng Anh).

Văn cúng Rằm tháng Giêng theo gợi ý của nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Tuệ:

Đạo trời huyền diệu, phúc họa bất do nhân tâm tự chuyển. Xưa nay lòng người đều mong được thập phần an lạc, nhưng thiên cơ khó lường, vận đất khó thông, nên đều phải cậy nhờ Thiên Quan Tứ Phúc.

Nay tại:... Tín chủ con là:...

Nhân lễ Thượng Nguyên, vi kỳ thánh đản, sắm sửa hương hoa vật thức, thành tâm dâng lễ

Cung thỉnh đức Thượng Nguyên Tứ Phúc Thiên Quan nhất phẩm Tử vi đại đế  giám lâm

Cung thỉnh: Tôn thần bản gia thần linh, thần hoàng bản thổ, Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia chấp sự chư vị tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần, Ngũ phương ngũ lộ Long mạch tài thần và hội đồng nội ngoại gia tiên... lai lâm chứng giám long thành tín chủ.

Đức ngài Thiên Quan đại đế quyền thông ba cõi, thần uy nghiêm lắng, mắt thánh chiếu soi. Thượng Nguyên ban phúc khắp vô cùng, trần gian ngưỡng cầu ơn mưa móc.

Hôm nay gặp dịp Tết Thượng Nguyên, vi kỳ thánh đản, Thiên Quan ban phúc muôn nơi, tín chủ con thành tâm quét dọn nhà cửa, sửa biện hương hoa, đèn nhang, lễ vật... dâng cúng trước án nhất tâm phụng thỉnh, mong ngài ban phúc, tống ách, trừ tai, giải họa.

Mong cho được mạnh khỏe bình an, nhân khang vật thịnh, chốn chốn yên vui, nhà nhà lợi lạc, người người đều được hạnh phúc an khang.

Tín chủ con xin lòng thành nhất tâm sám hối, hành thiện thi nhân. Con xin khấu thủ trước án, mong được soi xét.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/doi-song/chuyen-gia-goi-y-nghi-le-van-cung-ram-thang-gieng-theo-van-hoa-nguoi-viet-20240222112127926.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/doi-song/chuyen-gia-goi-y-nghi-le-van-cung-ram-thang-gieng-theo-van-hoa-nguoi-viet-20240222112127926.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
  • Ám ảnh cảnh giết mổ, chủ quán ở Đồng Nai nghỉ bán, 'trả tự do' cho 16 con chó
    Không muốn các con thấy cảnh giết mổ, chủ quán ở Đồng Nai thường dậy sớm làm thịt chó. Mới đây, anh quyết định nghỉ bán, chuyển nghề sau nhiều năm sống trong ám ảnh.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Malaysia được coi như cửa ngõ tiến vào thị trường Đông Nam Á
    Với nền kinh tế đa dạng, cơ sở hạ tầng tiên tiến và vị trí chiến lược tại trung tâm ASEAN, Malaysia được coi là cửa ngõ cho các doanh nghiệp muốn tận dụng tiềm năng của thị trường khu vực.
  • Cần bao nhiêu điểm IELTS để du học?
    IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến và quan trọng nhất dành cho các bạn trẻ muốn du học. Đây không chỉ là tấm vé thông hành giúp bạn chứng minh năng lực ngôn ngữ mà còn là yếu tố quyết định bạn có đủ điều kiện nhập học tại các quốc gia như Úc, Canada, Mỹ, Anh, và New Zealand hay không. Tuy nhiên, mức điểm yêu cầu lại không giống nhau giữa các quốc gia, các trường và thậm chí là từng chương trình học.
  • Thanh Hóa yêu cầu làm rõ việc 'có điện người dân vẫn phải đun bếp củi'
    UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản giao kiểm tra, làm rõ nội dung VietNamNet phản ánh việc người dân ở xã Hà Sơn, huyện Hà Trung sử dụng điện yếu, không thể vận hành các thiết bị, thậm chí phải đun bếp củi.
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia gợi ý nghi lễ, văn cúng Rằm tháng Giêng theo văn hóa người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO