Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục, nhà sáng lập, CEO InnEdu trả lời PV VTC News liên quan vấn đề Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu "giáo viên không kiểm tra bài đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng, hỏi bất chợt".
- Bà đánh giá như thế nào trước thông tin lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên bỏ việc kiểm tra đầu giờ theo hình thức hỏi thuộc lòng, hỏi bất chợt?
Theo quan điểm giáo dục hiện đại, thứ nhất, Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là dạy học phát triển năng lực, không phải dạy học chuyển giao kiến thức. Do đó, yêu cầu của Sở GD&ĐT TP.HCM hoàn toàn chính xác về mặt khoa học, pháp lý và phương pháp giáo dục.
Có hàng trăm phương thức về kỹ thuật và phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn rất nhiều so với việc gọi tên đột xuất lên xong mới bắt đầu đặt câu hỏi.
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên
Cách gọi lên kiểm tra bài đầu giờ gây căng thẳng cho học sinh, không đem đến hiệu quả giáo dục như mong đợi và cách kiểm tra đó chỉ để kiểm tra kiến thức theo bậc thấp nhất của tư duy là ghi nhớ.
Trong khi, ngày nay, dạy học phải đạt được 6 bậc nhận thức bao gồm bậc 1 ghi nhớ, bậc 2 hiểu, bậc 3 vận dụng, bậc 4 phân tích, bậc 5 tổng hợp và bậc 6 đánh giá. Một quá trình dạy học hiện đại phải đạt được cả 6 bậc nhận thức như vậy.
Việc gọi trả bài gây căng thẳng cho học sinh mà chỉ đạt được bậc 1,tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh là không đáng có và không cần thiết đồng thời còn phản khoa học. Do đó, từ rất lâu, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có những chương trình đào tạo giáo viên về các phương pháp giảng dạy, giúp giáo viên thấy rằng ngoài trả bài còn có hàng trăm phương thức khác kiểm tra đánh giá được học sinh của mình.
Yêu cầu của Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ là tái khẳng định rất khoa học về mặt phương pháp, những người phản đối có thể họ chưa hiểu rõ về phương pháp dạy học tích cực, chưa hiểu về định hướng giáo dục của Bộ GD&ĐT cũng như định hướng giáo dục toàn cầu.
- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc dò bài, kiểm tra bài vẫn nên áp dụng tùy vào đối tượng học sinh và tùy môn học. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
Đầu tiên, phải hiểu điều đó xuất phát từ việc mục tiêu của giáo dục là gì? Là cho học sinh học thuộc lòng hết những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa hay để đào tạo cho đứa trẻ có năng lực, có phẩm chất, có kỹ năng.
Cho nên, học thuộc lòng những kiến thức đó cũng không tạo ra được năng lực cho đứa trẻ mà đang biến trẻ thành... "con vẹt".
Do đó, những nhận định trên là nhận định từ những người hiểu chưa đúng về triết lý giáo dục của Thế kỷ 21.
Triết lý giáo dục của Thế kỷ 21 là hướng tới việc hình thành năng lực và phẩm chất cho con người để chuẩn bị kỹ năng lao động trong tương lai, không phải là học thuộc lòng kiến thức trong sách.
Hiện nay, thông tin kiến thức có khắp mọi nơi, trẻ em không cần phải học thuộc lòng nữa.
Quan điểm đó là quan điểm trước khi Internet ra đời, còn bây giờ công nghệ thông tin đã rất phát triển, Chat GPT ra đời, thậm chí có thể không nhất thiết phải dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản nữa, mà định hướng, hướng dẫn để cho các em tự học, tự nghiên cứu.
- Có ý kiến cho rằng, hình thức trả bài giúp học sinh có thể rèn luyện được tâm lý, chịu đựng được áp lực tâm lý, rèn luyện được khả năng đứng trước đám đông?
Mục đích gọi lên trả bài trước đám đông là kiểm tra kiến thức chứ không phải để rèn luyện tâm lý. Bởi rèn luyện tâm lý là rèn luyện khả năng nói trước đám đông. Chúng ta có những cách tổ chức khác mà khoa học hơn, hiệu quả hơn.
- Vậy vì sao phải thay đổi cách đánh giá, kiểm tra học sinh?
Khi muốn thay đổi kết quả, cần phải thay đổi mục tiêu và thay đổi cách đánh giá, thay đổi phương pháp tiếp cận thì mới thay đổi được kết quả.
- Nếu không áp dụng hình thức kiểm tra dò bài như trước, giáo viên có thể thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo hướng nào, thưa bà?
Những ai cho rằng "không dò bài nữa thì không kiểm tra được kiến thức" chứng tỏ phương pháp sư phạm của họ đang có vấn đề. Cho dù môn Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội đều có cách để kiểm tra kiến thức, năng lực của học sinh.
Ví dụ như chúng ta có những nhóm giải pháp sau đây để có thể kiểm tra được kiến thức học sinh.
Nhóm thứ 1: Dùng công nghệ thông tin. Thay vì gọi lên trả bài, giáo viên có thể cho học sinh chơi trò chơi, trong trò chơi có những phần giúp khảo sát kiến thức của học sinh.
Nhóm thứ 2: Nhóm các kỹ thuật và phương pháp giảng dạy, ví dụ như kỹ thuật dạy học "ổ bi".
Kỹ thuật "ổ bi" là một kỹ thuật dùng trong thảo luận nhóm, trong đó học sinh chia thành hai nhóm ngồi theo hai vòng tròn đồng tâm như hai vòng của một ổ bi và đối diện nhau để tạo điều kiện cho mỗi học sinh có thể nói chuyện với lần lượt các học sinh ở nhóm khác.
Theo đó, học sinh lần lượt đứng đối diện với nhau thành từng đôi, cứ 1 - 2 phút thì ra hiệu lệnh cho các em vòng bên trong di chuyển sang phải để gặp 1 bạn khác.
Như vậy, các em tự kiểm tra bài nhau thoải mái và vui vẻ. Ngoài ra, phương pháp này giúp chúng ta có thể kiểm tra nhiều em cùng một lúc.
Hay là kỹ thuật "bể cá", cho một số học sinh xung phong hoặc đại diện đi vào giữa, để tranh biện với nhau, những bạn xung quanh sẽ lắng nghe.
Hoặc kỹ thuật phản biện với chuyên gia. Một số học sinh sẽ xung phong lên sẽ trở thành chuyên gia và học sinh ở phía dưới sẽ trở thành những người chất vấn.
Học sinh chất vấn nhau và vai trò của học sinh hoàn toàn chủ động. Có hàng trăm phương thức về kỹ thuật và phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn rất nhiều so với việc gọi tên đột xuất lên xong mới bắt đầu đặt câu hỏi.
Đó là phương thức học tập cực kỳ lạc hậu, thiếu khoa học và thiếu tâm lý.
- Vậy vai trò của nhà trường và giáo viên trong việc đổi mới phương pháp này là gì?
Vai trò của người lãnh đạo, đầu tiên cung cấp cho giáo viên những gợi ý, những phương thức mới và nhân rộng những thầy cô đã có thành tựu, những trải nghiệm hiệu quả với việc thay đổi phương pháp giảng dạy.
Về phía người dạy, tôi hy vọng, họ bỏ bớt việc than phiền đi. Thay vì than phiền, mình phải chuyển hướng thành tư duy tích cực, đi tìm các giải pháp, tìm ở bạn bè, ở đồng nghiệp.
Bởi trong bối cảnh hiện nay, tất cả mọi người, kể cả phụ huynh, nhà trường, xã hội đều phải chuyển mình để thích ứng với sự thay đổi của thế giới và giáo dục cũng phải thay đổi theo.
- Theo bà, việc đổi mới phương pháp kiểm tra, học sinh sẽ được hưởng những lợi ích gì?
Trong cuốn sách Luật trí não của Tiến sỹ Jonh Media, trong đó có quy luật số 12, đó là quy luật về sự khám phá. Có nghĩa rằng khi đứa trẻ được đặt vào bối cảnh chủ động trong việc học của mình, thì việc học đó trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Nó chính là xu thế của thế giới khi mà lấy vai trò người học làm trung tâm.
Và người học khi chủ động trong quá trình học tập, họ sẽ thấy học tập là niềm vui, là sở thích, là quyền lợi chứ không phải nghĩa vụ nữa.
- Vậy theo bà, việc thay đổi phương pháp kiểm tra bài đầu giờ có phản ảnh được đúng kiến thức mà học sinh có được?
Có rất nhiều phương thức đánh giá học sinh, ví dụ như phương thức đánh giá thường xuyên trong quá trình học sinh thảo luận nhóm, làm việc nhóm đã có thể đánh giá được và có những mức độ đánh giá khác nhau.
Ví dụ như trong lúc học sinh thảo luận nhóm với nhau. Có học sinh chỉ ngồi lắng nghe, có bạn sẽ thảo luận rất sôi nổi, có em lại đưa ra được những ý tưởng mới sáng tạo hoặc sẽ đưa ra được giải pháp để thực hiện ý tưởng đó.
Như vậy, ngay từ lúc thảo luận nhóm, chúng ta đã đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi học sinh.
Đánh giá đó sẽ mô tả cho học sinh thấy đã đạt được đến đâu, định hướng cho học sinh để các em phấn đấu phát triển bản thân mình tốt hơn, chứ không phải đánh giá để phân loại và xếp loại.
Ngoài ra, còn có đánh giá định kỳ, những đánh giá mà học sinh tự đánh giá lẫn nhau, đánh giá không chỉ đánh giá vào kết quả mà còn đánh giá vào quá trình, đánh giá sự nỗ lực của mỗi một cá nhân.
- Dưới góc nhìn là một chuyên gia giáo dục, bà có thể chia sẻ quan điểm cá nhân của mình trước làn sóng dư luận về vấn đề này?
Xuất phát điểm của tôi là một giáo viên Hóa cấp 2 bình thường, 99% những thứ tôi có đến từ trải nghiệm cá nhân và tự học.
Thế thì tất cả các giáo viên đều có thể có được trải nghiệm cá nhân và tự học. Thay vì than phiền, họ đi tìm kiếm giải pháp, sẵn sàng chia sẻ giải pháp với mọi người.
Xin cảm ơn bà!