Theo ông Rahr, nhu cầu về nhiên liệu xanh của nước này có thể tăng lên do quá trình chuyển đổi năng lượng.
“Vì chúng ta sẽ dừng hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào năm 2022 và dần dần là than đá, nên công suất của khí đốt phải được tăng lên, bao gồm cả các nhà máy nhiệt điện cũng sẽ được chuyển đổi thành hydro”, ông Rahr giải thích.
Chuyên gia coi các thỏa thuận có thể có với Moscow là điều kiện quan trọng để chuyển đổi năng lượng thành công ở Đức.
“Tuy nhiên, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt chính của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi cần đàm phán với Nga”, nhà khoa học chính trị người Đức kết luận.
Chuyên gia Đức hối thúc đàm phán với Nga về tăng nguồn cung cấp khí đốt. (Ảnh: AP) |
Trước đó, đại diện Bộ Kinh tế Đức cho biết, tình hình lấp đầy các kho chứa khí đốt tại nước này là đáng quan ngại. Theo đó, mức độ lấp đầy của các cơ sở lưu trữ ở Đức hiện là 35-36%. Đại diện của Bộ Kinh tế Đức cho biết thêm, quyết định tăng nguồn cung cấp khí đốt là “vấn đề thị trường”, không phụ thuộc vào nhà nước.
Vì sao châu Âu mua khí đốt với giá cao
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chia sẻ với RIA rằng, châu Âu mua khí đốt với giá cao do từ chối các hợp đồng dài hạn.
“Tổng thống Putin đã nói về tương tác năng lượng, tất cả các tương tác của chúng ta trong lĩnh vực cung cấp năng lượng nên được minh bạch, độc quyền dựa trên thị trường và dựa trên các hợp đồng dài hạn”, ông Peskov nói.
Ủy ban châu Âu (EC) trong dự báo kinh tế mùa đông cho biết, giá năng lượng ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ vẫn là động lực chính của giá tiêu dùng vào năm 2022. Giá khí bán buôn trên thị trường giao ngay ở EU có thể ổn định từ quý II.
Đồng thời, theo tính toán của EC, giá năm 2022 có thể cao hơn dự kiến vào mùa thu và có thể giảm vào mùa xuân năm 2023.
Sự gia tăng đáng chú ý của giá khí đốt ở châu Âu bắt đầu vào mùa xuân năm 2021, khi giá giao ngay trung bình dao động trong khoảng 250-300 USD/nghìn mét khối. Mức cao nhất mọi thời đại trên thị trường kỳ hạn là 2.190 USD đã được ghi nhận vào ngày 21/12/2021. Sau đó, báo giá đã giảm, nhưng nhìn chung, chưa có mức giá cao liên tục như vậy trong toàn bộ lịch sử hoạt động của các trung tâm khí đốt ở châu Âu kể từ năm 1996.
Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng giá do một số yếu tố: nhu cầu cao đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Á, nguồn cung hạn chế từ các nhà cung cấp lớn và tỷ lệ lấp đầy các kho chứa ngầm ở châu Âu thấp sau một mùa đông dài lạnh giá và mùa hè nóng bức vào năm 2021.
Khí đốt ở châu Âu sẽ đắt hơn nhiều so với dự kiến
Ông Angel Talavera, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Âu tại Oxford Economics dự đoán khí đốt ở các nước châu Âu vào năm 2022 sẽ đắt hơn nhiều so với dự kiến trước đây và tiếp tục thúc đẩy lạm phát.
“Căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đã làm thúc đẩy giá năng lượng tăng cao. Hiện tại, chúng tôi dự đoán giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong suốt năm 2022 vào khoảng 86 USD/thùng so với mức 73 USD dự báo trước đó và tương tự đối với giá khí đốt tự nhiên, hiện có vẻ cao hơn nhiều trong suốt cả năm, mặc dù trước đây chúng tôi dự đoán giá sẽ giảm nhanh chóng từ quý II”, ông Talavera nhận định.
Ngoài ra, ông Talavera cho biết thêm: “Dự báo đối với khí đốt và dầu được nâng lên lần lượt là 53% và 19%. Những thay đổi này đã dẫn đến một sự điều chỉnh đáng kể về ước tính lạm phát trong khu vực đồng euro. Dự báo mới của chúng tôi giả định lạm phát ở mức trung bình 3,9% vào năm 2022, so với ước tính trước đó là 2,5%”.
Eurostat đưa tin, theo ước tính, lạm phát hàng năm ở 19 quốc gia khu vực đồng euro vào tháng 12 đã tăng lên 5% từ mức 4,9% một tháng trước đó. Ủy ban châu Âu lưu ý rằng nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng vọt là giá năng lượng.
Ủy ban châu Âu trong dự báo kinh tế mùa đông đã viết rằng giá năng lượng ở Liên minh châu Âu sẽ vẫn là động lực chính của giá tiêu dùng vào năm 2022. Giá khí đốt bán buôn trên thị trường giao ngay ở Liên minh châu Âu có thể ổn định từ quý II. Đồng thời, giá năm 2022 có thể cao hơn dự kiến vào mùa thu và có thể giảm vào mùa xuân năm 2023.
Thanh Bình (lược dịch)