Chuyên gia đề xuất giải pháp giảm tác hại để hỗ trợ kiểm soát thuốc lá

ĐÔNG DU| 16/01/2024 16:28

Khi áp dụng cùng lúc hai biện pháp giảm tác hại và cai thuốc lá, những người hút thuốc lá sẽ giảm rủi ro bệnh tật. Do đó gánh nặng y tế ước tính sẽ được giảm bớt. Đồng thời, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá có thể giảm lên tới 1,17 tỉ USD. Đây là những phán đoán dựa vào mô hình giả định được PGS.TS.BS. Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình - Trường Đại học Y Hà Nội đưa ra tại tọa đàm “Cai thuốc và Giảm tác hại: Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá” tổ chức ngày 22.12.2023.

Chuyên gia đề xuất giải pháp giảm tác hại để hỗ trợ kiểm soát thuốc lá
PGS.TS.BS. Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình - Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BTC.

PGS.TS.BS. Trần Khánh Toàn cho biết, cần triển khai các biện pháp giúp giảm tác hại hơn so với việc tiếp tục sử dụng thuốc lá điếu truyền thống.

Khi bàn về một biện pháp giảm tác hại khác là thuốc lá mới, PGS. Trần Khánh Toàn cho biết, thuốc lá nung nóng (thuốc lá làm nóng) khi làm nóng chỉ có mức nhiệt là 300-350 độ. Trong khi đó, nhiệt độ đốt cháy của thuốc lá truyền thống khoảng 900-1000 độ. Do đó, hàm lượng chất độc hại sinh ra từ thuốc lá làm nóng sẽ giảm đi đáng kể so với thuốc lá đốt cháy truyền thống.

PGS. Trần Khánh Toàn nhấn mạnh: “Đây là sản phẩm giảm tác hại nhưng bản chất vẫn là thuốc lá, nên cần quản lý như một loại thuốc lá. Theo đó, Việt Nam từ lâu cũng là quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham gia vào Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC), có sẵn các chiến lược, cách thức để quản lý mặt hàng thuốc lá, bao gồm các loại thuốc lá mới như thuốc lá làm nóng.

Do là sản phẩm giảm tác hại nên thuốc lá mới chỉ được cung cấp cho những người trưởng thành, đang hút thuốc, muốn cai mà không cai được, chứ không hướng đến người chưa từng hút".

Hiện nay, xã hội vẫn còn nhiều quan ngại đối với thuốc lá mới vì nhiều nguyên nhân. Về khía cạnh sức khỏe, vẫn chưa thể đánh giá toàn diện ảnh hưởng của sản phẩm này đối với sức khỏe người dùng.

Theo PGS. Trần Khánh Toàn, cần có thêm nhiều nghiên cứu, các mô hình đánh giá phù hợp với quốc gia về tác động của thuốc lá mới để có cách ứng xử phù hợp.

PGS. Trần Khánh Toàn nhận định, việc áp dụng đồng thời hai biện pháp cai thuốc và giảm tác hại sẽ mang lại lợi ích kép. Một mặt biện pháp giảm tác hại giúp hạn chế các nguy cơ về bệnh tật, nâng cao chất lượng sống cho người chưa cai được thuốc. Mặt khác, hàng triệu sinh mạng người hút thuốc sẽ được cứu sống và chi phí y tế về các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ giảm đáng kể.

Theo đó, dựa trên phân tích mô hình giả định, PGS. Trần Khánh Toàn đưa ra dự đoán tích cực. Ước tính mỗi năm có thể giảm 1,5 nghìn tỉ chi phí y tế và chi phí thuốc lá, giảm 4.700 trường hợp tử vong do thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu xuống dưới 30% - đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% vào năm 2030 (theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030).

Điều này có thể thành hiện thực nếu các biện pháp giảm tác hại được thực thi từ nay đến năm 2030 trong điều kiện mỗi năm có khoảng 10% những người đang hút thuốc lá điếu chuyển sang dùng các loại thuốc lá mới có ít độc chất hơn và giả định rằng việc sử dụng các loại thuốc lá mới này giảm được 70% nguy cơ các bệnh liên quan khói thuốc.

Còn về khía cạnh kinh tế, PGS. Trần Khánh Toàn cho biết, ngân sách dành cho điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá có thể tiết kiệm được với con số là 1,17 tỉ đô la, tương đương 1% GDP của Việt Nam.

Hiện đã có nhiều dữ liệu cho thấy, việc áp dụng song song hai biện pháp cai thuốc và giảm tác hại đem lại nhiều tích cực cho xã hội và cả chính phủ.

Những quốc gia đưa thuốc lá làm nóng trong chiến lược kiểm soát thuốc lá quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Anh quốc. Ảnh: BTC.
Những quốc gia đưa thuốc lá làm nóng trong chiến lược kiểm soát thuốc lá quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Anh quốc. Ảnh: BTC.

Theo chia sẻ từ PGS. Trần Khánh Toàn, phần lớn các nước thành viên của WHO đã chấp nhận một số sản phẩm thuốc lá mới. Điển hình là Thụy Điển, nhờ đưa vào quản lý thuốc lá giảm tác hại từ sớm, quốc gia này đang dẫn đầu trong cuộc đua “quốc gia không khói thuốc” với tỷ lệ người hút thuốc lá dưới 5%.

Không chỉ có Thụy Điển, theo PGS. Trần Khánh Toàn những quốc gia tiên tiến khác cũng đã đưa thuốc lá làm nóng trong chiến lược kiểm soát thuốc lá quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh quốc. Do vậy, theo PGS. Trần Khánh Toàn, từ quan điểm và những dữ liệu thực tế, Việt Nam có thể xem xét tham khảo để có hướng ứng xử thuốc lá mới phù hợp.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia đề xuất giải pháp giảm tác hại để hỗ trợ kiểm soát thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO