Chuyên gia chỉ cách khắc phục tình trạng mất ngủ hậu COVID-19

Thiều Trang| 20/03/2022 15:00

Theo các bác sĩ, mất ngủ là một rối loạn thường gặp, đặc biệt tăng cao ở bệnh nhân đã khỏi COVID-19, gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể xác.

Vì sao mất ngủ, khó ngủ hậu COVID-19?

Anh Nguyễn Văn Hoàng (39 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mắc COVID-19 nhẹ và đã khỏi bệnh hơn một tháng. Tuy nhiên, thời gian gần đây anh Hoàng chỉ ngủ được 3-4 tiếng mỗi đêm, khiến bản thân cảm thấy mệt mỏi, đau đầu và làm việc kém hiệu quả.

"Cả nhà tôi 4 người bị mắc COVID-19 thì có tôi và mẹ bị mất ngủ. Tình trạng này đã kéo dài gần 10 ngày, dù tôi đã cố gắng đi ngủ sớm nhưng nằm mãi không ngủ được, ngủ không sâu giấc và dễ thức dậy. Thật sự tôi rất cần giải pháp để cải thiện giấc ngủ" - anh Hoàng mong mỏi.

Nhiều người rơi vào tình trạng mất ngủ hậu COVID-19. Ảnh: LĐO
Nhiều người rơi vào tình trạng mất ngủ hậu COVID-19. Ảnh: LĐO

Trao đổi với Lao Động về tình trạng mất ngủ hậu COVID-19, bác sĩ Trần Hoàng Tiến - Học viện Quân y cho biết, theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (2013) của Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ - mất ngủ là thời gian ngủ ít hơn bình thường trên 2 tiếng.

Theo đó, mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ và khó giữ được giấc ngủ. Đây là một trong những than phiền hay gặp về giấc ngủ, có thể thoáng qua hoặc bền vững.

Cụ thể, bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc: Biểu hiện là nằm ngủ như bình thường lúc 22 giờ, nhưng nằm mãi không ngủ được, phải đến 1-2 giờ sáng mới ngủ được, nhưng giấc ngủ không sâu và dễ thức giấc.

Bệnh nhân có thể mất ngủ giữa giấc: Biểu hiện là hơi khó vào giấc ngủ, ví dụ ngủ lúc 22 giờ đêm, đến 23 giờ mới ngủ được, nhưng đến 2-3 giờ sáng thì thức giấc; sau đó, phải mất từ 1-2 tiếng mới có thể ngủ tiếp.

Bệnh nhân có thể mất ngủ cuối giấc: Biểu hiện là vào giấc ngủ dễ dàng nhưng giấc ngủ không kéo dài. Đến khoảng 1-2 giờ sáng thì thức giấc và không thể ngủ lại được.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể mất ngủ hoàn toàn, tức là không ngủ được trong 24 giờ.

Theo bác sĩ Trần Hoàng Tiến, mất ngủ là một rối loạn thường gặp, đặc biệt tăng cao ở bệnh nhân đã khỏi COVID-19. Stress, lo lắng, đau buồn, mất mát do COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nên càng ngày càng có nhiều người than phiền mất ngủ.

"Theo thống kê, có khoảng 40% dân số bị mất ngủ trong thời gian đại dịch, trong khi tỉ lệ này trước đây là 24%. Thói quen ngủ của chúng ta cũng thay đổi trong đại dịch COVID-19, liên quan đến giãn cách xã hội, các vấn đề tâm lý hoặc chính COVID-19 gây ra. Cơ chế gây ra mất ngủ hậu COVID-19 hiện còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên việc mất ngủ đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, công việc của bệnh nhân sau khi khỏi COVID" - bác sĩ Tiến nói.

Cách cải thiện giấc ngủ hậu COVID-19

Để khắc phục tình trạng mất ngủ hậu COVID-19, bác sĩ Trần Hoàng Tiến đưa ra lời khuyên - người bệnh nên thức giấc cùng một giờ hằng ngày; giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi đi ngủ; không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương (cà phê, thuốc lá, rượu); tránh ngủ chợp mắt vào ban ngày.

Đồng thời, tập các bài tập thể dục sôi nổi vào buổi sáng sớm; tắm nước nóng; tập các bài tập thư giãn đầu óc và cơ vào các buổi tối hằng ngày; cố gắng có được điều kiện ngủ thoải mái.

Bác sĩ Công an Nhân dân Trần Hoàng Tiến - Học viện Quân y. Ảnh: NVCC
Bác sĩ Công an Nhân dân Trần Hoàng Tiến - Học viện Quân y. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, bác sĩ Tiến cho biết, mất ngủ còn do nhiều nguyên nhân gây ra như trầm cảm, hưng cảm, tâm thần phân liệt, lo âu, mất ngủ mạn tính, sau cai rượu và ma túy.

Do đó, việc điều trị mát ngủ phải dựa vào nguyên nhân gây ra mất ngủ. Một số thuốc có hiệu quả giúp ngủ tốt thường được sử dụng lâm sàng. Ví dụ như nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng cổ điển (Amitriptyline); các thuốc chống trầm cảm đa vòng (Mirtazapine); các thuốc an thần mới (Olanzapine) có tác dụng chống loạn thần tốt, chống trầm cảm nhẹ, an dịu gây buồn ngủ. Hay Benzodiazepam là nhóm thuốc bình thần có tác dụng giảm lo âu nhanh, tạo ra giấc ngủ gần giống giấc ngủ sinh lý.

"Tất cả các loại thuốc trên chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự ý dùng" - bác sĩ Tiến nhấn mạnh, đồng thời cho biết, ngoài các biện pháp điều trị như trên, trong trường hợp mất ngủ ngắn thì có thể sử dụng các thuốc dưỡng tâm an thần như: Tâm sen, lạc tiên, củ bình vôi...

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/chuyen-gia-chi-cach-khac-phuc-tinh-trang-mat-ngu-hau-covid-19-1025390.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/chuyen-gia-chi-cach-khac-phuc-tinh-trang-mat-ngu-hau-covid-19-1025390.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia chỉ cách khắc phục tình trạng mất ngủ hậu COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO