Ho kéo dài hậu COVID-19
Sau khi âm tính với SARS-CoV-2, nhiều người vẫn không dứt cơn ho, từ ho từng tiếng đến ho sặc sụa, thậm chí ho dai dẳng từ tháng này qua tháng khác. Có người ho đến khàn giọng, thậm chí tắt tiếng và gây tức ngực, khó thở.
Chị Nguyễn Thùy Linh (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đã kết thúc điều trị COVID-19 được gần 3 tuần nhưng ngày càng ho nhiều. Tuần đầu tiên sau khi âm tính, chị Linh cảm thấy như "ho giả vờ" - chỉ ho hắng vài tiếng và cảm thấy ngứa họng. Tuy nhiên, thời gian sau, tần suất ho càng lớn, đặc biệt là về chiều tối, cơn ho kéo dài làm cổ họng khô khốc. Đêm về, cơn ho dai dẳng khiến chị tức ngực, mất ngủ và mệt mỏi.
"Xung quanh tôi có nhiều người không dứt được cơn ho sau khi điều trị xong COVID-19. Ban ngày, ho trong lúc làm việc khiến tôi ngại với đồng nghiệp, ban đêm ho gây mất ngủ và phiền hà gia đình. Tôi cũng thử uống nước ấm, ngậm kẹo ho nhưng chỉ thuyên giảm được vài phút đầu" - chị Linh thở dài.
Bác sĩ chia sẻ cách xử trí
Trao đổi về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Ôxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng - cho biết, bản chất của ho là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu ho nhiều gây mệt mỏi, khó ngủ thì cần điều trị.
Theo đó, cần phân biệt rõ 2 loại là ho khan và ho có đờm vì cách xử trí sẽ khác nhau. Ho khan thường do nhiễm virus, gây kích ứng đường hô hấp. Còn ho có đờm thường do có bệnh mạn tính về đường hô hấp hoặc do nhiễm vi khuẩn.
Bác sĩ Hoàng cho hay, ho khan thì có thể dùng thuốc giảm ho. Ho có đờm thì không nên dùng thuốc giảm ho mà nên dùng thuốc long đờm.
Cụ thể, ho khan có thể vẫn còn virus chưa hết hẳn hoặc nhiễm virus đường hô hấp khác. Hoặc ho do dị ứng, do khói thuốc, hóa chất... Cách xử lý là dùng giảm ho bổ phế và thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin (Theralene hoặc Benadryl hoặc các loại có thành phần tương tự).
Một số trường hợp ho do trào ngược dạ dày thực quản, do khi bị COVID-19 dễ lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều... có thể gây tăng tiết acid dạ dày, gây rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ra ho khan. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ dày, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.
Về ho có đờm có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải thăm khám bác sĩ để dùng kháng sinh và long đờm (thường dùng loại ambroxol). Ho có đờm cũng có thể do các bệnh phổi khác như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản... Khi đó, cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được xử lý triệt để.
Ngoài ra, còn ho do nấm đường hô hấp. Theo đó, việc dùng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch... có thể khiến một số loại nấm phát triển, dù bình thường không gây bệnh. Nếu dùng các biện pháp điều trị trên nhưng vẫn ho kéo dài thì cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám và sử dụng thuốc chống nấm (thường rất hại gan) để điều trị triệt để.
Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103, thành viên hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà - cho hay, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp sau để chữa đau rát họng hậu COVID-19.
Sử dụng chanh đào mật ong để giảm ho và đau rát họng, ngứa họng (sử dụng tốt nhất vào buổi sáng); sử dụng nước muối ấm súc họng; sử dụng gừng tươi và muối ngậm giảm đau rát họng và ho.
Ngoài ra, người bệnh có thể dùng hành khô và gừng để xông mũi họng giúp giảm ngứa và ho; sử dụng lá tía tô có lợi với mũi họng như uống nước cốt tía tô, cháo hành tía tô (ăn buổi sáng rất tốt).
Đặc biệt, trà hoa cúc mật ong và quất là thức uống thanh lọc cơ thể, giảm ho và ngứa, rát họng. Sử dụng lá bạc hà chống viêm, kháng khuẩn và thư giãn bằng cách vò lá bạc hà và hãm nước sôi. Ngoài ra, có thể uống quất và đường phèn để bổ sung vitamin C và tăng sức đề kháng.