Nhiều người trong số chúng ta ắt hẳn từng xem những đoạn video hay hình ảnh của những con vật vừa giống sư tử, mà cũng mang theo những đặc điểm của hổ như vằn đen, màu cam đậm hơn... Đây thực ra là những "đứa con lai" kỳ lạ khi hổ và sư tử quyết định giao phối với nhau.
Tuy nhiên, đa số các trường hợp này thường mắc các dị tật bẩm sinh dẫn đến tử vong ngay sau khi sinh, hoặc có kích thước khác thường khi chúng lớn lên. Những con lai cũng thường gặp vấn đề khi tương tác với các thành viên của loài bố mẹ vì các đặc điểm hành vi của chúng thường biểu hiện dưới dạng pha trộn các thói quen của cả hai loài, hơn là của loài này hay loài khác.
Theo định nghĩa chung, có 2 loài lai chính là Liger (sư tử đực + hổ cái) và Tigon (hổ đực + sư tử cái). Ngoài ra, nếu các Liger và Tigon tiếp tục giao phối với các thành viên khác trong bầy, chúng sẽ tạo ra nhiều biến thể con lai sau đó, như Ti-liger (hổ đực + liger cái), Ti-tigon (hổ đực + tigon cái), Li-liger (sư tử đực + liger cái), Li-tigon (sư tử đực + tigon cái).
Trong đó, dễ bắt gặp nhất là Liger và Tigon. Tính đến năm 2019, có khoảng 100 con Liger và ít hơn 100 Tigon được cho là tồn tại, chủ yếu là tại các vườn thú và khu bảo tồn hoang dã.
1. Sư hổ (Liger)
Sư hổ có danh pháp khoa học Panthera leo x Panthera tigris, là con lai giữa sư tử đực và hổ cái. Chúng có kích thước từ 2,9 đến 3,3 mét, ngoại hình với màu cam hoặc màu be, sọc lông đen trên lưng và những đốm trên bụng xen lẫn các mảng màu đen, nâu sẫm, con đực có thể có bờm ngắn.
Sư hổ chính là loài động vật lớn nhất trong họ nhà mèo, với việc một cá thể có trọng lượng trung bình hơn 320kg. Vào năm 1973, một chú sư hổ đực sống tại vườn thú Bloemfontein ở Nam Phi đã được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là loài động vật họ mèo lớn nhất thế giới với trọng lượng lên đến 798kg.
Sự sinh sản đầu tiên được biết đến giữa sư tử đực và hổ cái trong điều kiện nuôi nhốt có thể xảy ra vào khoảng cuối những năm 1700.
Theo các nhà khoa học, việc sư hổ có trọng lượng lớn là do những biến đổi về gen tăng trưởng. Cụ thể, trong sư tử đực có gen tăng trưởng rất mạnh, nhưng hổ cái lại không có gen hạn chế sự tăng trưởng tương ứng.
Do đó, sư hổ luôn có trọng lượng lớn hơn bố mẹ của nó. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng, loài này không ngừng tăng trưởng kích thước trong suốt cuộc đời.
2. Hổ sư (Tigon)
Trái ngược với sư hổ, hổ sư (Panthera tigris x Panthera leo) là con lai giữa hổ đực và sư tử cái. Chúng có kích thước nhỏ hơn đáng kể so với sư hổ, khi chỉ dài từ 1,2 đến 2,7 mét, và thường mắc chứng thấp lùn.
Sở dĩ xảy ra điều này là bởi hổ đực không có gen tăng trưởng, mà sư tử cái lại có gen kìm hãm tăng trưởng, khiến Tigon thường có kích thước nhỏ hơn cả bố và mẹ.
Ngoài ra, do việc thụ thai khi cho hổ đực giao phối sư tử cái không cao bằng việc cho sư tử đực kết hợp với hổ cái nên ở thời điểm hiện tại, số lượng hổ sư ít hơn rất nhiều so với sư hổ. Giống như tất cả các giống mèo lai khác, chúng thường xuyên bị dị tật thần kinh, vô sinh, ung thư, viêm khớp, suy nội tạng và giảm tuổi thọ.
Trường hợp cá biệt được ghi nhận tại Vườn thú Alipore ở Ấn Độ, khi một con hổ sư cái tên là Rudhrani, sinh năm 1971, đã giao phối thành công với một con sư tử châu Á tên là Debabrata. Rudhrani đã sinh ra 7 con lai litigon, và phần lớn trong số này đã sinh trường ổn định trong nhiều năm.