Hàng chục nghìn người Israel tràn ra đường vào tối 26/3. Ảnh: Reuters. |
Biểu tình và các cuộc đụng độ giữa người dân Israel và cảnh sát tiếp diễn trong ngày 26/3, càng lớn hơn khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
Đây được xem là một trong những động thái của người đứng đầu chính phủ Israel nhằm loại bỏ những nhân tố phản đối đề xuất cải cách tư pháp.
Trong số hàng loạt các đề xuất có ảnh hưởng sâu rộng từ chính phủ mới của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một đề xuất là trở thành nguồn cơn cho những bất ổn là chỉ cần số nghị sĩ trong 120 ghế Quốc hội Israel để bác bỏ hầu hết mọi phán quyết của Tòa án Tối cao. Ngoài ra, đề xuất còn có điểm trao quyền cho các nghị sĩ bổ nhiệm thẩm phán.
Từ việc trao cho quốc hội quyền lựa chọn thẩm phán, đến những luật mà trước đây chỉ Tòa án Tối cao mới có thể phán quyết, thậm chí quốc hội có thể lật lại quyết định của tòa án, những thay đổi này biến đây trở thành cuộc cải tổ nhánh tư pháp lớn nhất từ khi thành lập nhà nước Israel vào năm 1948, theo CNN.
Cuộc cải tổ này không hẳn do Thủ tướng Netanyahu dẫn đầu, mà đến từ Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Israel Yariv Levin và ông Simcha Rothman, Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp, Pháp luật và Tư pháp của quốc hội.
Cả hai người này từ lâu đã bất mãn với Tòa án Tối cao. Họ cho rằng tòa án đã nắm giữ quá nhiều quyền lực và thiên vị với các nỗ lực định cư, cộng đồng tôn giáo Israel và người Mizrahi - người Do Thái gốc Trung Đông. Đặc biệt, nhiều người theo phe phái cực hữu ở Gaza vẫn chưa nguôi giận với quyết định của tòa án - rút quân khỏi dải Gaza vào năm 2005.
Những lo ngại
Những đề xuất từ chính phủ đã tạo ra một trong những làn sóng phản đối lớn nhất lịch sử, với những lo ngại điều này có thể làm xói mòn các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền.
Những người phê bình cho rằng cuộc cải tổ này đã đi quá giới hạn, và có thể khiến nhánh tư pháp mất hoàn toàn năng lực giám sát và kiểm tra các quyết định của nhánh lập pháp.
Thủ tướng Netanyahu (phải) và Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin - người được coi là "kiến trúc sư" cho kế hoạch cải tổ tư pháp. Ảnh: Times of Israel. |
Theo khảo sát từ Viện Dân chủ Israel, 72% người được hỏi mong muốn một thỏa thuận, với đa số ủng hộ việc Tòa án Tối cao nên tiếp tục giữ quyền bãi bỏ luật và bổ nhiệm thẩm phán.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel Amir Yaron cũng đã nói rằng quyết định cải cách là vội vàng và đe dọa nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều cựu lãnh đạo Mossad (cơ quan tình báo Israel) đã nêu ra những lo ngại về an ninh, khi hàng trăm quân nhân dự bị nói rằng sẽ không phục vụ đất nước nếu cải cách tư pháp được thông qua, cho rằng Israel khi đó sẽ không còn là một nền dân chủ toàn diện.
Trên phương diện quốc tế, nhiều đồng minh của Israel đã lo ngại về tình hình của đất nước. Nhà Trắng ngày 26/3 cho biết Mỹ quan ngại sâu sắc về các sự kiện ở Israel và kêu gọi các lãnh đạo tìm kiếm sự thỏa hiệp sớm nhất có thể, theo Reuters.
“Như Tổng thống (Joe Biden) đã thảo luận gần đây với Thủ tướng Netanyahu, các giá trị dân chủ luôn luôn và phải duy trì là một dấu ấn của mối quan hệ Mỹ - Israel”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson nói.
Vì sao tranh cãi xuất hiện vào thời điểm này?
Những phiên tòa xét xử ông Netanyahu với cáo buộc tham nhũng đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị trong lòng Israel kéo dài 4 năm qua.
Đất nước bị chia rẽ về lập trường rằng liệu ông có phù hợp để lãnh đạo đất nước hay không. Trải qua 5 cuộc bầu cử kể từ năm 2019, các chính trị gia không thể thành lập chính phủ ổn định.
Một liên minh các đảng cánh hữu và tôn giáo do đảng Likud của ông Netanyahu đứng đầu đã giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử tháng 11/2022, và thành lập chính phủ thiên hữu nhất trong lịch sử Israel.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nhiều người biểu tình nói rằng sẽ tiếp tục xuống đường cho đến khi dự thảo cải cách tư pháp bị đình chỉ. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng đề xuất cải cách này đã được cử tri ủy thác trong cuộc bầu cử tháng 11/2022.
Những nỗ lực hòa giải của Tổng thống Israel Isaac Herzog đã bị chính phủ bác bỏ. Dù truyền thông Israel đưa tin ông Netanyahu sẵn sàng đi đến một thỏa thuận, thủ tướng đương nhiệm được cho là đang ở trong thế lưỡng nan, khi chịu sức ép từ các đối tác ở phe cực hữu - những người cương quyết sẽ hạ bệ chính phủ nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Ông Netanyahu có thể chọn một giải pháp khác là lập liên minh với phe đối lập, nhưng ông đang ở vị thế khó nhận được lòng tin.
Cảnh sát dùng vòi rồng trấn áp người biểu tình ở Tel Aviv, Israel ngày 26/3. Ảnh: Reuters. |
Nếu các đề xuất về cải cách tư pháp được tiếp tục, Israel có thể phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng hiến pháp chưa từng có. Tòa án có thể bác bỏ các dự luật khiến nhánh tư pháp bị hạn chế quyền hạn, song chính phủ có thể từ chối tuân thủ. Tổng thống Herzog đã nhiều lần cảnh báo một cuộc nội chiến có thể xuất hiện trong lòng đất nước.
Đối với người Palestine, viễn cảnh về một chính phủ Israel táo bạo và thù địch hơn đã làm tăng thêm lo ngại về khả năng xung đột toàn diện quay trở lại.
Thời gian cho những nỗ lực thỏa hiệp đang dần bị thu hẹp, khi liên minh của ông Netanyahu đang vận động tại quốc hội nhằm cố gắng thông qua dự luật trước Lễ Vượt qua của người Do Thái vào ngày 2/4.