Chuyện cụ bà từng bị coi là 'thần chết', hơn 60 năm chưa được về nhà

05/06/2024 08:47

Nhớ về những ngày còn ở quê, bà Chi không cầm được nước mắt. Khi biết bà mắc bệnh, hàng xóm xem bà như là ‘thần chết’.

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm về trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh) ở xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Nơi đây hiện có hơn 50 bệnh nhân đang điều trị, phần lớn là các cụ già trên 70 tuổi.

Trại phong Quả Cảm được thành lập vào năm 1913, từng là nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Dưới thấp nhất là dãy nhà của y, bác sĩ. Tiếp đến là dãy nhà của tổ 1, tổ 2, tổ 3... Trên cao nhất, ở lưng chừng núi, là tổ trọng điểm.

W-trại phong quả cảm_1.JPG.jpg
Không gian vắng vẻ ở trại phong Quả Cảm

Tổ trọng điểm có khoảng 10 cụ già. Họ đều là những người mắc bệnh phong nặng, cụt chân, cụt tay, hỏng mắt, điếc tai… không còn khả năng tự phục vụ nên được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân.

Thế nhưng, họ không vì thế mà u sầu, buồn khổ. Với những người còn sức khỏe, họ tự mình giặt quần áo, trồng rau, nuôi gà… Còn với những bệnh nhân không thể tự chăm sóc bản thân, họ vẫn làm thơ, ca hát, trò chuyện với nhau mỗi ngày.

Nhiều người đã gắn bó cả cuộc đời với nơi đây. Ông Lưu Quang Hưng (86 tuổi, ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), đã đến đây sinh sống từ bé.

“Tôi sống ở đây từ năm 1953, khi đó tôi 15 tuổi, mỗi tháng đều được Nhà nước trợ cấp cho một khoản tiền đủ để sinh sống. Mỗi năm tôi về nhà một lần, nhưng chỉ về khoảng 1 đến 2 ngày”, ông Hưng chia sẻ.

W-trại phong quả cảm_5.JPG.jpg
Dù nhà cách trại phong Quả Cảm khoảng 20km, nhưng mỗi năm ông Hưng chỉ về quê 1 lần

Bà Chử Thị Chi (72 tuổi, quê ở Phú Thọ) vào trại phong từ năm 1961, khi bà chưa đầy 10 tuổi. Nhớ về những ngày còn ở quê, bà Chi không cầm được nước mắt. Khi biết bà mắc bệnh, hàng xóm xem bà như là ‘thần chết’. Họ xa lánh, xua đuổi bà đi nơi khác. Gia đình cũng hờ hững, ít quan tâm đến bà.

Từ khi vào trại phong, bà xem đây chính là nhà mình, coi những người cùng cảnh là anh em, họ hàng của mình. "Từ năm tôi vào đây là bấy nhiêu thời gian tôi không về nhà. Hiện giờ ở quê thay đổi ra sao, tôi cũng không biết", bà Chi cho biết.

W-trại phong quả cảm_3.JPG.jpg
Bà Chử Thị Chi
W-trại phong quả cảm_4.JPG.jpg
Những ngón tay của bà Chi bị co quắp lại, rụng dần

Cụ bà Doãn Thị Côi (94 tuổi, ở Hà Nội) bị phong ăn cụt cả hai chân, phải di chuyển bằng chân giả. Cụ Côi may mắn hơn khi luôn có con gái đồng hành. Con gái cụ thường xuyên lên chăm sóc mẹ, để mẹ không cảm thấy cô đơn.

“Quê tôi, người ta ác cảm với những người bị bệnh phong. Tôi bị bệnh phong từ năm 30 tuổi, vì quá đau và không có thuốc chữa nên phải cắt cả hai chân. Đến bây giờ, chỉ cần trở trời là lại đau, đi không khéo là bị ngã.

Mỗi tuần, con gái tôi lên thăm một lần. Sinh hoạt hàng ngày của tôi phải phụ thuộc vào hộ lý”, cụ Côi chia sẻ.

W-trại phong quả cảm_6.JPG.jpg
Cụ Doãn Thị Côi bị phong ăn cụt cả hai chân, phải di chuyển bằng chân giả

Dù chịu nỗi đau về cả thể xác lẫn tâm hồn, nhưng những con người nơi trại phong Quả Cảm vẫn nảy nở trong mình những tình cảm đáng quý. Nhiều người sau khi vào trại đã kết đôi với nhau. Các đám cưới diễn ra nhỏ gọn, hiếm khi có sự góp mặt của họ hàng 2 bên, mà chỉ có các y, bác sĩ.

Trại phong giờ đây không chỉ có những cụ già cô quạnh, mà còn có cả những nụ cười của trẻ thơ, những gia đình nhỏ hạnh phúc bên nhau.

Y tá Nguyễn Thị Xuân, người đã gắn bó với trại phong gần 40 năm cho biết, bệnh nhân ai cũng có nhiều thiếu thốn, nhưng ở đây họ có nhau, chăm sóc và quan tâm lẫn nhau. Điều này giúp cho bệnh nhân có thêm niềm tin vào cuộc sống.

“Xã hội hiện hiểu biết hơn về bệnh phong. Cách đây 15 - 20 năm, không ai dám vào đây, nếu có vào họ cũng không dám ngồi, không dám uống nước cùng. Nhưng giờ thường xuyên có đoàn khách đến thăm, ăn cùng thậm chí ở cùng. Con cái của các bệnh nhân trước tự ti lắm, giờ các cháu đều ra ngoài, lấy vợ lấy chồng”.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện cụ bà từng bị coi là 'thần chết', hơn 60 năm chưa được về nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO