Chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B: Hàng quán không còn lo nay mở, mai đóng

Vương Trần| 22/03/2022 09:11

Nếu chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm), sẽ không còn việc áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hay tạm ngừng kinh doanh.

Chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B: Hàng quán không còn lo nay mở, mai đóng
Khu vực phố cổ Hà Nội thu hút lượng lớn người dân và du khách đến ăn uống và vui chơi sau khi quy định cấm bán hàng sau 21h được nới lỏng. Ảnh: Thành Đông

Mong không còn phải "tạm ngừng kinh doanh"

Gần 3 năm qua, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đã không ít lần hàng quán tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương khác trên cả nước nhiều thời điểm phải tạm ngừng hoạt động. Có những lúc mở cửa thì chỉ được bán mang về do phân vùng dịch bệnh… Việc “đóng, mở” cửa thay đổi liên tục. Điều này dẫn tới ảnh hưởng không nhỏ tới các cơ sở kinh doanh.

Ông Lê Trọng Chung - quản lý một nhà hàng trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Gần 3 năm qua là khoảng thời gian rất khó khăn với các cơ sở kinh doanh. Đặc biệt là các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong vòng 3 năm qua, nhà hàng không dưới chục lần nhà hàng phải “đóng cửa, tạm ngừng hoạt động”.

“Lúc thì đóng cửa theo quy định về giãn cách xã hội trên toàn thành phố. Khi thì tạm ngừng hoạt động theo cấp độ dịch bởi “vùng cam, vùng vàng” thay đổi liên tục, lúc chỉ được bán mang về… Vì vậy doanh thu của nhà hàng giảm sút, nhiều người lao động bị cắt giảm việc làm” - ông Chung nói.

Nhớ lại thời điểm giữa năm 2021, ông Chung cho biết, cơ sở kinh doanh có gần 80 người lao động làm việc nhưng phải tạm nghỉ để phòng dịch. Mỗi ngày thất thu gần 200 triệu đồng. Đến nay, mới có 2/3 nhân viên đi làm trở lại. Lượng khách cũng chưa được như trước bởi nhiều người còn e ngại với dịch bệnh nên hàng quán chưa có được đông khách như xưa.

Nhiều quán cà phê tại Hà Nội đông đúc khách trở lại. Ảnh: T.Vương
Nhiều quán cà phê tại Hà Nội đông đúc khách trở lại. Ảnh: T.Vương

Tương tự, chị Vũ Thị Tâm (chủ quán cà phê trên phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa) cho biết, trong những ngày giãn cách phải đóng cửa thì đương nhiên phải đóng cửa. Những ngày mở cửa “chỉ bán mang về” thì lượng khách không được là bao, không đủ bù chi phí thuê mặt bằng. Giờ đây, lượng khách bắt đầu ổn định trở lại sau khi các biện pháp phòng dịch dần được nới lỏng. Chị Tâm chia sẻ, mong dịch bệnh sớm được chuyển thành bệnh đặc hữu, tiến tới chung sống bình thường với dịch bệnh để không còn phải “đóng, mở trồi sụt” như gần 3 năm qua.

Không còn được điều trị miễn phí

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38 về chương trình phòng, chống dịch COVID-19 cũng nêu rõ việc nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A  (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm).

Liên quan tới vấn đề này,  nhiều chuyên gia dịch tễ nhận định việc căn cứ tình hình để chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B là phù hợp với thực tế.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19. Ảnh: Phi Hùng
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19. Ảnh: Phi Hùng

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc trung tâm điều trị Bệnh viện COVID-19 cho hay, nếu COVID-19 được đưa về bệnh truyền nhiễm nhóm B thì chúng ta sẽ đối phó với dịch bệnh này tương tự như với các bệnh truyền nhiễm nhóm B khác như: sốt xuất huyết, bệnh ho gà…

Khi COVID-19 được chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B thì từ việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm, công bố số liệu cho tới việc cách ly, điều trị… đều có sự thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, sẽ không còn hạn chế sự tập trung đông người; không còn việc bắt buộc cách ly người bệnh; không còn yêu cầu bắt buộc điều trị như đối với bệnh nhân nhóm A; không còn các đợt xét nghiệm diện rộng…

"Về chi phí điều trị, với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A thuộc diện được điều trị miễn phí. Nhưng khi áp dụng biện pháp phòng chống dịch với bệnh truyền nhiễm nhóm B, chỉ người có bảo hiểm y tế được bảo hiểm chi trả, người không có bảo hiểm y tế sẽ phải tự trả phí điều trị" - PGS.TS Hải nói và cho rằng, việc chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B cũng thúc đẩy những ngành khoa học nghiên cứu về bệnh lý này. Từ đó có những biện pháp chẩn đoán, điều trị mới, giảm tỉ lệ tử vong và giảm biến chứng.

Còn theo BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường, cách ly tại cộng đồng không cần thiết, nhưng khi F0 đến bệnh viện vẫn cần phân loại vào khoa truyền nhiễm, để tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân thông thường, bởi đây vốn là đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay, theo nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tùy thuộc vào tình hình dịch mà sẽ được áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch.

Tuy nhiên, nếu chuyển COVID-19 về bệnh truyền nhiễm nhóm B thì tính chất nguy hiểm đã khác hơn nhiều, do đó các biện pháp phòng, chống dịch cũng sẽ được thay đổi.

“Cần hiểu rằng trong trường hợp COVID-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì theo quy định phòng, chống dịch hiện hành, các biện pháp sau sẽ không còn được áp dụng như hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch” - LS Đặng Văn Cường nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B: Hàng quán không còn lo nay mở, mai đóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO