Chuyển cơ quan điều tra nếu hoạt động livestream có dấu hiệu vi phạm hình sự

08/12/2023 06:24

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải ngăn chặn, gỡ bỏ các clip livestream, quảng cáo nội dung cờ bạc, vi phạm pháp luật.

Theo phản ánh của báo chí, thời gian gần đây trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok thường xuyên xuất hiện các video livestream có nội dung mời chào, lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động cờ bạc với giải thưởng hấp dẫn.

Khi được hỏi quan điểm xử lý đối với vấn đề này, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết, livestream, quảng cáo các dịch vụ cờ bạc được xác định rõ ràng là nội dung vi phạm pháp luật.

Khi phát hiện các nội dung này, Cục PTTH&TTĐT đều yêu cầu TikTok nói riêng và các nền tảng mạng xã hội nói chung phải ngăn chặn, gỡ bỏ. Trong trường hợp người livestream có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Cục PTTH&TTĐT sẽ chuyển sang cơ quan điều tra.

sim-rac-tiktok-2-1.jpg
Livestream bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn trên TikTok. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ tại họp báo tháng 12 của Bộ TT&TT, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho hay, thời gian qua, Cục PTTH&TTĐT đã yêu cầu TikTok xử lý các hội nhóm cung cấp dịch vụ, nội dung, hoạt động khuyến khích, kêu gọi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể lấy ví dụ như các hình ảnh đồi trụy, nội dung ảnh hưởng đến trẻ em, vi phạm luật giao thông, hoạt động lừa đảo, cướp ngân hàng, trốn nợ,... Cục PTTH&TTĐT đã rà quét được nhiều nội dung tương tự thời gian qua.

“Trong năm 2023, Bộ TT&TT đã yêu cầu Facebook gỡ 107 các hội nhóm như vậy. Đây là con số thống kê đến thời điểm hiện nay”, bà Huyền nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, môi trường trên mạng rất khó rà quét, phát hiện các nội dung vi phạm. Do đó, Cục PTTH&TTĐT mong các cơ quan báo chí phát huy vai trò phát hiện các trường hợp vi phạm, gửi thông tin để cơ quan quản lý nắm bắt và xử lý nhanh, kịp thời các trường hợp vi phạm.

Không chỉ có hoạt động livestream cờ bạc, tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc hiện cũng đang tăng cao vào dịp cuối năm. Bà Huyền cho hay, việc quản lý hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc thuộc trách nhiệm của Bộ TT&TT với vai trò quản lý chuyên ngành các hoạt động thương mại, điện tử trên môi trường mạng.

Trong thời gian qua, một số nền tảng xuyên biên giới khi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã thiết lập đăng ký với Bộ Công Thương. Bộ TT&TT sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương. Trong trường hợp đơn vị này phát hiện nền tảng vi phạm nhưng không đủ năng lực xử lý bằng biện pháp hành chính và các hình thức khác, có thể yêu cầu chuyển sang Bộ TT&TT để ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng.

Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho hay, môi trường mạng giống như ngoài đời thật. Việc quản lý các nội dung trên môi trường mạng không phải chỉ là công việc của riêng Bộ TT&TT.

“Nội dung quản lý các lĩnh vực chuyên ngành thuộc bộ, ngành nào thì các bộ, ngành đó đều phải có trách nhiệm. Có như vậy, các nội dung vi phạm pháp luật trên môi trường mạng mới có thể xử lý theo đúng các quy định pháp luật”, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT chia sẻ.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chuyen-co-quan-dieu-tra-neu-hoat-dong-livestream-co-dau-hieu-vi-pham-hinh-su-2224330.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/chuyen-co-quan-dieu-tra-neu-hoat-dong-livestream-co-dau-hieu-vi-pham-hinh-su-2224330.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyển cơ quan điều tra nếu hoạt động livestream có dấu hiệu vi phạm hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO