Chuyện chưa kể về những giáo viên dành cả thanh xuân cho trẻ vùng cao

Minh An (t/h)| 20/11/2020 10:14

Việt BáoĐể các em không trở về với cuộc sống “phá rừng làm rẫy”, các thầy cô đã góp gạo, giữ chân học trò nghèo ở lại với trường, với lớp. Thậm chí, mang cơm ở nhà đến lớp cho học sinh.

Nằm bao quanh giữa bốn bề núi rừng heo hút, điểm trường Đăk Ka (Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học – trung học cơ sở Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) là nơi ươm mầm cho 23 em học sinh lớp 1 và lớp 2 của ba thôn Văn Xăng, Đăk Ka, Đăk Neng.

Do nhà cách điểm trường xa 4-5 km đường gập ghềnh khó đi nên học sinh ở đây thường xuyên bỏ học, ở nhà theo cha mẹ đi rẫy.

Học sinh nào chăm đến lớp thì trưa phải đi bộ trở về nhà ăn cơm vì trường không có bán trú. Từ đấy, đường đến với con chữ của các em càng thêm gian nan.

Thầy giáo A Phiên chăm lo bữa ăn cho học trò ở điểm trường Đăk Ka.

Sau nhiều lần đến tận bản vận động học sinh trở lại trường, thầy Nguyễn Ngọc Huynh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Đến bản đưa được học trò về trường được 3-4 hôm thì các em lại ở nhà. Vì trường không có bán trú, học sinh không thể nhịn ăn để học xuyên trưa. Mà học xong buổi sáng, buổi trưa về nhà ăn cơm thì chiều các em nghỉ luôn”.

Thương học sinh nghèo khó, các thầy cô trong nhà trường đã quyết định lập quỹ để góp gạo nấu cơm cho học trò ăn trưa. Tùy theo điều kiện của mỗi thầy cô để có mức đóng góp, không bắt buộc.

Vậy là bếp ăn tại điểm trường Đăk Ka được dựng lên đơn sơ trong căn phòng còn bỏ trống. Những bộ bàn ghế cũ được sửa chữa, trang bị thêm chén bát, đũa... để làm phòng ăn cho học trò nghèo.

Gần hai năm nay, được xem là đầu bếp chính của điểm trường, thầy giáo A Phiên chia sẻ: “Sáng sớm, tôi đến điêm trường chính nhận thức ăn mang về điểm trường sơ chế, nấu sẵn.

Khi các em học xong buổi sáng thì vào bếp ăn cơm trưa và tiếp tục học ca chiều. Nhờ vậy mà sĩ số các lớp đều đảm bảo, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”.

Năm nay đã ngoài 50, mái tóc đã nhuộm màu nhưng người thầy giáo già vẫn cặm cụi thổi lửa, nêm từng muỗng thức ăn cho học trò.

Thương các thầy cô vất vả, nhiều phụ huynh đi rẫy cũng tranh thủ kiếm đọt măng, bó rau rừng... về nấu cơm cho các em.

“Ngoài giờ dạy thì mình tranh thủ đi lấy thức ăn, nấu ăn cho các em. Công việc bận rộn hơn, vất vả hơn nhưng thấy các em được ăn ngon, đi học đều đặn là mình thấy vui rồi

Nhớ lại hồi trước, học sinh đến trường là đói lả, cuộc sống gia đình khó khăn nên miếng ăn còn thiếu thốn chứ nói gì đến việc học hành”, thầy A Phiên nhớ lại.

Trường Mầm non xã Lâm Hóa hiện có 4 điểm trường với 120 em học sinh, đặc biệt 3 điểm trường nằm ở các bản Kè, Cáo và Chuối hết sức khó khăn, học sinh đều là con em đồng bào Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt.

Cái đói, cái nghèo đeo bám bản làng là vậy, nhưng con chữ vẫn được ươm mầm bởi có những giáo viên cắm bản luôn nặng lòng, tâm huyết với nghề, yêu thương con trẻ.

Tại Lâm Hóa huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), học sinh mầm non ở các điểm đều ăn bán trú, một bữa chính và một bữa phụ. Thế nhưng điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, các điểm trường lẻ không thể tự nấu ăn cho trẻ, bởi vậy từ cơm trưa, cháo chiều đều phải vận chuyển từ điểm trường chính. Mỗi điểm trường lẻ có 2 giáo viên cắm bản, các cô cứ chia nhau ngày 2 lần xuôi về trung tâm để vận chuyển cơm, cháo cho học trò.

Ảnh minh họa: Internet

Cô Trần Thị Huyền Trang, giáo viên cắm bản tại bản Chuối đã có 8 năm gắn bó với những đứa trẻ người Mã Liềng. Suốt hành trình đó, cô Trang đã trải qua rất nhiều kỷ niệm, niềm vui và cả nỗi buồn, không biết bao nhiêu lần cô giáo này đã bật khóc trên con đường đi lấy cơm cho trẻ.

Từ  bản Chuối về trường trung tâm gần 5km, cứ đến 10h trưa, cô Trang trên chiếc xe máy của mình lại xuôi về trung tâm chở cơm, đầu giờ chiều lại tiếp tục đi lấy bữa phụ cho cháu. Ngày nắng ráo đã vất vả, đến ngày mưa gió thì gian nan không kể xiết. Đường trơn, bùn lầy, nhiều lần cả cô giáo và xe ngã nhào xuống, toàn bộ cơm đổ hết.

"Có hôm mưa, về đến gần bản rồi mà đường trơn quá, em bị ngã xe đổ hết cơm, canh của cháu, người còn bị thương. Xách những hộp rỗng còn lấm bùn đất vào lớp, nhìn học trò đang chờ cô về, em đã không kìm nổi nước mắt, òa khóc ngay tại lớp khiến các con cũng khóc theo", cô Trang xúc động nhớ lại.

Cũng như cô Trang, mỗi khi nhắc đến những tai nạn trên hành trình đưa cơm về bản, cô Trần Thị Dương, giáo viên tại bản Kè, xã Lâm Hóa lại sụt sùi, buồn tủi. Con đường từ bản Kè về trung tâm cũng hơn 5km, đường vùng vèo, trơn trượt, lại còn phải đi qua cầu treo chênh vênh, việc bị ngã xe với các cô giáo như cơm bữa.

Tất cả vì học trò của mình, các cô giáo lại càng cố gắng hơn để vượt qua. Như cô Dương tâm sự, điều sợ nhất không phải ngã xe, chấn thương, mà là học trò không còn cơm để ăn. Có hôm cô giáo đưa cơm về dọc đường thì bị đổ, ở trung tâm cũng không nấu kịp, thế là cô phải lặn lội đi mua mì tôm nấu cho các cháu.

"Yêu nghề, mến trẻ nên chúng tôi phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, lúc nào cũng muốn đưa cơm đến cho cháu thật an toàn. Các cô thường bảo nhau nếu không đi được thì đẩy bộ, lâu một tý, vất vả mấy cũng được, miễn sao bữa trưa, bữa chiều của cháu được đầy đủ", cô Dương tâm sự...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện chưa kể về những giáo viên dành cả thanh xuân cho trẻ vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO