Những ngày cuối năm ấy, nhà tôi xảy ra biến cố lớn. Ba tôi - thủ quỹ của xã, làm thâm hụt ngân quỹ và vay mượn tiền một số người. Ông giấu gia đình, khi chuyện vỡ lở, ba tôi bỏ trốn, xã mời mẹ tôi lên làm việc và các chủ nợ đến đòi nợ, chửi bới.
Sợ chủ nợ tìm đến đe dọa cả mình, mẹ tôi dặn dò 5 anh em tôi vài câu, dặn chúng tôi sang nội và các cô chú nhờ giúp đỡ. Rồi mẹ đi ngay trong đêm.
Sáng hôm sau, khi anh em tôi chuẩn bị đi học thì chủ nợ kéo đến. Sau vài câu chửi, chủ nợ xông vào nhà khiêng tivi dắt chiếc xe đạp của anh hai tôi. Người khác bê ngay cái máy may.
Mẹ tôi sợ bị chủ nợ của ba tôi đe doạ nên cũng bỏ trốn ngay sau đó. (Ảnh minh họa). |
Em út tôi lúc đó 7 tuổi, nước mắt chảy dài mà không nói được tiếng nào. Tối đó nhà tôi đóng chặt cửa, cứ mỗi lần chó sủa là anh em tôi lại ngưng thở, hồi hộp. Mấy anh em tôi không dám động đậy mạnh, sợ phát ra tiếng động. Cả ngày đói, nhưng đến gần nửa đêm, anh tôi mới dám xuống bếp nấu cơm, luộc trứng cho các em ăn.
Hôm sau, một ông chủ nợ khác lại tìm đến. Sau một hồi chửi bới, đi một vòng nhà, ra sân người này quay về. Tưởng yên chuyện, anh tôi nói sẽ qua nội xin một ít rau củ về nấu cho chúng tôi ăn. Nhưng chỉ 30 phút sau, người đó quay lại cùng một nhóm người khác và một chiếc xe ba gác máy.
Họ vào nhà tôi, bàn nhau cách khiêng cái bàn thờ cẩn xà cừ và chở đi. Trước khi đi người đàn ông đó còn ném về phía chúng tôi một câu: “Cái thứ thiếu nợ không lo trả nợ mà lo sắm sửa nhà cửa. Nói ba tụi bây có giỏi thì trốn luôn đi nha!”
Biết chuyện, bà nội tôi sang. Bà bảo chúng tôi phải đi học, ở nhà để bà lo. Nghe vậy nhưng đứa nào cũng sợ, không dám ra khỏi nhà. Hôm sau, mở cửa ra cả nhà hoảng hồn khi thấy con chó Mực chết trước nhà. Ai đó đã đánh bả nó.
Giận người hại con Mực và thương con chó chết tức tưởi, bà tôi đứng giữa sân chửi kẻ đã nhẫn tâm ra tay ác độc với con chó và khủng bố tinh thần mấy đứa trẻ.
Bà la lớn: “Con tôi có tội thì cứ bắt nó đền. Cháu tôi nó biết gì mà ngày ngày đến chửi bới, dọa dẫm nó? Giết con chó rồi sao không đem về ăn cho vui, cho hả giận?...”.
Anh em tôi đã khủng hoảng tinh thần khi bị chủ nợ khủng bố suốt một thời gian dài (Ảnh minh họa) |
Ngày hôm sau, bà bắt chúng tôi mặc quần áo, xách cặp, theo bà đến trường. Bà vào nói chuyện, xin phép các thầy cô cho chúng tôi vào lớp, mặc cho đám trẻ cùng lớp xì xào, bàn tán.
Mẹ tôi gọi về cho các cô chú, xin họ giúp đàn con. Cô chú tôi đều ghé qua, nhưng thà họ không ghé còn tốt hơn. Chú Nghĩa phũ phàng: “Hồi ảnh làm ở xã, có ai được nhờ hay được ảnh cho đồng nào không? Giờ tự làm tự chịu, giúp gì chứ?”.
Bà tôi nhắc vụ vợ chú đi xuất khẩu lao động là nhờ ba tôi bảo lãnh, chú gạt thẳng. Các cô tôi, người giúp một ít tiền nhưng cũng có người than khó vì còn nợ nần ngân hàng (dù có hai căn nhà). Chú Tín thì than vợ quản lý tiền bạc chặt chẽ, có “sơ sẩy” đồng nào đâu để giúp các cháu.
6 tháng sau, mẹ tôi mới quay về. Mẹ xin lỗi nội vì đã để bà phải lo cho các cháu. Hoá ra, mẹ xin đi làm công nhân ở TPHCM, mới vô làm nên không thể về được, cũng không dám nhắn tin về cho ai, sợ chủ nợ biết. Mẹ xin nội cho mẹ được đơn phương ly hôn với ba tôi, vì theo mẹ tìm hiểu là ba tôi đã ôm tiền bỏ trốn cùng một người đàn bà. Mẹ quyết định bán nhà để trả nợ phần nào cho ba, nên xin bà cho chúng tôi ở cùng một thời gian.
Nhờ bà yêu thương, cưu mang cùng đồng lương ít ỏi của mẹ mà chúng tôi cũng qua được cái đận khó khăn đó. Biết gia cảnh của gia đình, anh tôi nghỉ học sớm, đi làm để nuôi mấy đứa em. Nhờ vậy, chúng tôi ai cũng được học hành, thành tài.
Cách đây 5 năm, chúng tôi đã góp tiền, xây lại nhà cho vợ chồng anh và mẹ tôi cùng ở. Chúng tôi cũng phụ giúp cho các con anh tiền học, tiền mua xe, dù vợ chồng anh cũng có điều kiện. Câu chuyện buồn cuối năm và chuyện người cha mất tích 20 năm qua, anh em chúng tôi không bao giờ quên.
Ngọc Lâm