Chuyện buồn của thầy giáo gần 20 năm đi dạy vẫn chưa được biên chế

Nguyễn Tú| 21/02/2023 15:32

Đã có thâm niên gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng đến nay, thầy Tuấn vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng huyện, mức thu nhập thấp khiến cuộc sống chật vật.

Đam mê với con đường đã chọn

Một chiều cuối tuần, cuộc hẹn giữa tôi và thầy Phan Tất Tuấn (SN 1981, trú ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) diễn ra tại một quán cà phê gần Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành - nơi con trai 6 tuổi của anh đang nằm điều trị.

Nhìn vẻ khắc khổ, tôi nghĩ thầy Tuấn đã sắp nghỉ hưu chứ không phải chỉ mới ở tuổi 42. Thầy Tuấn tâm sự: "Lúc sáng đi dạy về là tôi tức tốc chạy xuống bệnh viện để chăm con trai luôn. Nhà neo người nên thời gian con bị tai nạn, hai vợ chồng phải đi làm suốt, phải nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc".

Chuyện buồn của thầy giáo gần 20 năm đi dạy vẫn chưa được biên chế - 1

Thầy giáo Phan Tất Tuấn, đã gần 20 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng vẫn là giáo viên hợp đồng huyện.

Tiếp câu chuyện, thầy Tuấn kể, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng năm 2004, thầy xin về Trường Tiểu học xã Quang Thành, huyện Yên Thành và công tác đến nay.

Tại đây, thầy được phân công dạy môn thể dục đúng chuyên môn với mức lương khoảng 700.000-800.000 đồng/tháng. Từ 2012 đến 2017, thầy Tuấn làm Bí thư Đoàn trường.

Để sớm được vào biên chế, thầy vừa đi làm, vừa học liên thông để hoàn thiện bằng đại học của Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng.

Chuyện buồn của thầy giáo gần 20 năm đi dạy vẫn chưa được biên chế - 2

Trường Tiểu học xã Quang Thành, huyện Yên Thành - nơi thầy Tuấn giảng dạy.

"Thời điểm ra trường năm 2004, mức lương của tôi chỉ mới 700.000-800.000 đồng. Sau quá trình công tác, tôi được tăng lương lên 2,5 triệu đồng/tháng. Tuy mức thu nhập chưa đảm bảo cho cuộc sống nhưng vì yêu nghề, muốn gắn bó với nghề nên bản thân luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày", thầy Tuấn chia sẻ.

Lương quá thấp, lại không có khoản phụ cấp nào nên để đảm bảo được cuộc sống của bản thân và gia đình, sau những giờ đứng lớp, thầy Tuấn về nhà làm thêm ruộng vườn, nuôi gà... Ngày nghỉ thầy Tuấn còn đi làm trọng tài cho các trận bóng đá, bóng chuyền khi được thuê.

Vợ thầy Tuấn làm công tác dân số tại Trạm Y tế xã, mỗi tháng tổng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ khoảng 6 triệu đồng. Đến nay, hai vợ chồng cùng hai người con phải sống chung trong căn nhà của bố mẹ.

Chuyện buồn của thầy giáo gần 20 năm đi dạy vẫn chưa được biên chế - 3

Thu nhập thấp, ngoài công việc ở trường thầy Tuấn phải bươn chải mọi công việc để mưu sinh.

"Ruộng vườn thì làm để có gạo ăn, còn làm trọng tài mỗi trận bóng được trả công 200.000 đồng nhưng tôi vẫn phải cố gắng. Nếu không làm thêm thì mức lương đó không đủ trang trải cho gia đình", thầy Tuấn bộc bạch.

Hi vọng mong manh

Được biết, quá trình công tác, bản thân thầy Tuấn đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, công tác Đoàn - Đội, được tặng thưởng Giấy khen của nhà trường và UBND huyện Yên Thành.

Thầy Tuấn cũng như nhiều giáo viên khác hi vọng được vào biên chế để cuộc sống bớt chật vật, có thời gian và dồn tâm huyết cho học sinh, nhà trường. Thế nhưng vào biên chế không phải là chuyện dễ dàng khi chỉ tiêu ngày càng ít đi.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Yên Thành cho biết, việc tuyển biên chế được thực hiện đúng quy trình, khách quan và không có tiêu cực.

Sau khi có kết quả điểm thi sẽ được cộng điểm ưu tiên nếu như đối tượng tham gia thuộc các trường hợp con thương binh, người có công với cách mạng... Các trường hợp có bằng khen, giấy khen hoặc thời gian công tác dài thì không có quy định cộng điểm ưu tiên.

"Trong thời gian tới, nếu có chỉ tiêu xét vào biên chế, huyện tiếp tục ưu tiên cho các giáo viên thuộc đối tượng đặc cách chứ chưa thực hiện thi tuyển ngoài", vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Chuyện buồn của thầy giáo gần 20 năm đi dạy vẫn chưa được biên chế - 4

Thầy Tuấn đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy.

Ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết, số giáo viên chưa được biên chế trên địa bàn huyện không còn nhiều, khoảng dưới 100 người. Phía đơn vị cố gắng hết sức để tạo điều kiện tốt nhất cho những giáo viên này.

Với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng chỉ đủ tiền xăng xe, ăn uống chứ không nuôi nổi gia đình. Bản thân thầy Tuấn thấy rất bế tắc nên cố gắng đi làm thêm để đỡ đần vợ nuôi con cái.

"Tôi rất yêu nghề nhưng với mức sống như hiện nay thì không thể lo cho tương lai các con được. Sắp tới, nếu không được vào biên chế thì tôi phải suy nghĩ lại công việc mình đang làm, chứ cống hiến mà không được nhận thì buồn lắm", thầy Tuấn tâm sự.

Ảnh: Nguyễn Tú

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/chuyen-buon-cua-thay-giao-gan-20-nam-di-day-van-chua-duoc-bien-che-20230220161440555.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/chuyen-buon-cua-thay-giao-gan-20-nam-di-day-van-chua-duoc-bien-che-20230220161440555.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện buồn của thầy giáo gần 20 năm đi dạy vẫn chưa được biên chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO