Chút tình bằng hữu còn sót lại trên đời

Trần Chánh Nghĩa| 26/08/2019 07:00

Căn nhà đang được xây dựng lại. Gạch, cát, vữa ngổn ngang. Bên trong nhà, đồ đạc không ngăn nắp. Giữa nhà, trên chiếc phản gỗ trải nệm, một phụ nữ đang ngồi. Chị im lặng. Gương mặt tái nhợt. Đầu chị không còn một sợi tóc ...

Tình duyên bất hạnh

Nhà nằm trên một thửa đất trống đầy cỏ dại trong khu dân cư Nam Long (P. An Lạc, Q. Bình Tân, TP.HCM). Chúng tôi đến đây vào một buổi chiều sau cơn mưa lớn. Những người thợ xây đang cố gắng làm cho xong công đoạn cuối cùng để hình thành nên căn nhà.

Chị vẫn ngồi trên tấm phản. Đôi mắt chị đờ đẫn nhìn xung quanh. Tiếng ồn thi công, tiếng cười nói của thợ dường như không tác động đến chị. Chị vẫn ngồi, vẫn im lặng.

Đôi bạn Hà Hữu Danh - Phương Mai.

Chúng tôi chào chị. Chị nở nụ cười gượng gạo: 'Tôi mới xuất viện mấy ngày nay. Tôi vừa hóa trị đợt 4 và bác sĩ cho về để ổn định sức khỏe tiếp tục điều trị'.

Chị là Nguyễn Thị Phương Mai, 53 tuổi. Chị vốn là thợ may trước khi trở thành công nhân công ty môi trường. Làm công nhân được 5 năm thì chị ngã bệnh. Chị được chuyển vào bệnh viện Ung Bướu và được xác nhận ung thư tử cung giai đoạn 2. Sau một năm điều trị, chị được xuất viện. Lúc này sức khỏe chị khá hơn nhưng không thể tiếp tục công việc ở cơ quan cũ nên chị đi bán vé số để nuôi thân và nuôi con.

Tưởng như vậy là bình phục hẳn, không ngờ đến tháng 3/2019 bệnh tái phát. Chị nhập viện. Lần này, bệnh chị đã di căn sang thận và bàng quang. Chị trải qua 2 lần phẫu thuật và đặt hậu môn nhân tạo. Sau hơn 5 tháng trên giường bệnh, chị vừa được xuất viện về nhà.

Chị lập gia đình vào năm 2004. Chồng chị - theo lời chị kể - là một người đam mê cờ bạc. Mặc dù đã khuyên nhủ nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Sống với nhau một năm, chị sinh được một bé trai. Những tưởng có con, hạnh phúc sẽ tràn về với gia đình chị, trái lại, chị luôn nhận được những món nợ từ trên trời rơi xuống - hậu quả của những lần thua bạc của chồng. Đã vậy chị còn phải chịu những trận đòn thập tử nhất sinh.

Chị Phương Mai và bé Khôi.

Chị quyết định chia tay. Một mình dắt con đi, chị thuê nhà trọ bắt đầu cuộc sống của bà mẹ đơn thân khi bé Nguyễn Minh Khôi vừa tròn 7 tuổi.

Một mình chị bơi giữa chợ đời nuôi con cho đến năm 2017 thì ngã bệnh. Suốt một năm trời trị bệnh - trừ 3 tháng hè bé vào bệnh viện cùng mẹ - những ngày còn lại, bé lủi thủi một mình trong phòng trọ. Ăn uống, quần áo tất cả mọi thứ chỉ còn biết trông cậy vào tấm lòng của tha nhân.

Cũng vì mẹ bệnh, kiệt quệ về tài chính, việc học của bé bị ảnh hưởng rất nhiều. Bé phải ở lại lớp đến 2 năm nhưng vẫn quyết bám lớp theo thầy. Nhà trường đã tạo cho bé nhiều điều kiện rất tốt. 'Năm nay bé vừa tròn 14 tuổi là học sinh lớp 7 của trường THCS Lê Tấn Bê. Con đường tương lai của cháu còn dài lắm, không biết tôi còn lo cho cháu được bao nhiêu nữa đây?', chị Phương Mai đỏ hoe đôi mắt nói với chúng tôi.

Tấm lòng của bằng hữu

Chúng tôi đang trò chuyện cùng chị và bé Khôi, một người đàn ông với nụ cười thật tươi bước vào. Chị Phương Mai giới thiệu, anh Hà Hữu Danh là bạn học với chị thuở trước.

Không những cho mẹ con bạn ở nhờ nhà, anh Danh thường quan tâm chăm sóc chị Phương Mai.

Chúng tôi chào nhau, chị Mai kể tiếp: 'Tuy ở cùng quận nhưng trước đây chúng tôi không có điều kiện để gặp nhau. Một hôm trong lúc đi bán vé số, tôi gặp lại anh Danh. Cuộc hội ngộ sau 30 năm đã khiến chúng tôi quan tâm nhau hơn. Anh thông cảm với hoàn cảnh neo đơn cùng cực nên đã bàn với gia đình cho mẹ con chúng tôi về đây ở tạm để đỡ đi khoản tiền nhà trọ.

Được một thời gian ngắn tôi nhập viện lần 2. Cũng như lần trước, trong bệnh viện một mình tôi tự bơi và ở nhà bé Khôi tự sống một mình. Hàng ngày ngoài giờ đến trường cháu loanh quanh ở nhà. Ngày 2 bữa cháu nhờ vào người hàng xóm tốt bụng. Vợ anh Danh cũng thường xuyên ghé vào giúp cháu ...

Trước khi tôi xuất viện vài ngày, tôi nhận được tin nơi ở bị sập và anh Danh đang cho người xây lại thành căn nhà hoàn chỉnh hơn. Tôi về khi nhà đang xây và cũng sắp xong rồi.

Từ khi tôi về, ngày nào anh Danh cũng ghé qua. Trước khi đi làm anh chăm cho tôi miếng ăn giấc ngủ. Chiều về, anh ghé lại. Vợ anh cũng thường xuyên quan tâm đến hai mẹ con tôi'. Nói đến đây, mắt chị rưng rưng lệ. Chị buồn bã nói với chúng tôi: 'Chỉ mong sao được sống thêm vài năm nữa để nhìn thấy con trưởng thành hơn là tôi an tâm ra đi...'

Ngoài đi học, bé Khôi giúp mẹ việc nhà.

Anh Danh cho biết thêm, mấy tháng trước thấy sức khoẻ ngày một yếu, chị có tâm niệm trước lúc ra đi sẽ gửi con vào chùa Từ Hạnh nhờ nuôi dưỡng. Nhưng sau đó có một cô bạn thân lúc trước chịu ơn chị nay muốn nhận nuôi cháu Khôi nếu chị có mệnh hệ gì nhằm báo đáp ơn xưa.

Bà Trần Thị Ngọc Bích, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lê Tấn Bê cho biết sau khi biết được hoàn cảnh của bé Khôi nhà trường đã miễn cho cháu toàn bộ học phí và tiền ăn trưa. Trong lúc mẹ nằm viện, bé Khôi đã được một thầy giám thị cho ngủ tại nhà.

Ngoài ra nhà trường cũng đã vận động tập thể giáo viên và học sinh của trường quyên góp giúp đỡ gia đình bé Khôi.

Có lẽ trong những ngày đau bệnh, chị Phương Mai đã thấm thía hơn hai chữ nghĩa tình và bằng hữu. Trong lúc hoạn nạn bên cạnh chị luôn có những người bạn hết lòng vì mình và những tha nhân giàu lòng bác ái. Cầu mong sao chị có thêm thời gian để thấy được con mình lớn khôn.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 15/08/2019   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/gap-ban-cu-ban-ve-so-ngoai-duong-nguoi-dan-ong-hanh-xu-dang-nguong-mo-558141.html?fbclid=

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chút tình bằng hữu còn sót lại trên đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO