- 19g, ngang qua đường Ngô Gia Tự. Tiếng trống dòn giã vang lên. Thùng . . . thùng. . .cắc . . .thùng . . .thùng. Một đàn trẻ con ước chừng vài chục cháu được hướng dẫn bởi những anh chị thanh niên đi rước đèn trung thu. Các cháu đi thành hàng nhưng không ngay ngắn. Trên tay, chiếc lồng đèn giấy lung linh ánh nến. Không mang theo máy, tôi dùng diện thoại chụp vài tấm ảnh nên chất lượng không đẹp. Thà có còn hơn không !!
Đoàn trẻ rước đèn tiếp tục đi. Hết Ngô Gia Tự đến Nguyễn Tri Phương. Trên tay chúng, mỗi đứa mỗi loại lồng đèn khác nhau nhưng thứ lồng đèn giấy kính truyền thống dường như không nhiều. Đoàn rước đèn bị ngắt quãng bởi một trong số các cháu bị hết nến. Cả bọn chụm lại. Rồi ánh đèn được đốt lên, qua đó nhìn thấy những nét mặt rạng rỡ của trẻ thơ. Chúng vui lắm. Sự hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ trong đêm trung thu đã làm cho bao người lớn vui lây.
Ngang qua dãy phố đông người nơi có nhiều quán ăn và nhà hàng sang trọng, đoàn trẻ con chẳng màng đến vẫn vui vẻ bước đi. Ở dãy bán kê phía trước một quán ăn, bất chợt lòng tôi thắt lại khi nhìn thấy hai đứa trẻ trạc chừng 10 tuổi. Chúng đứng ở hai bàn khác nhau trên tay cầm xấp vé số. Cả hai nhìn vào đoản trẻ rước đèn một cách chăm chú say sưa thèm muốn. . .
Chỉ trong giây lát, đoàn trẻ rước đèn lướt qua nhanh. Hai đứa trẻ như giật mình nhớ đến công việc. “Chú ơi mua giùm con vé số. . .” Vị thực khách được mời ngước nhìn hai đứa rồi xua tay. Tiu nghỉu, trở ra ngoài đường, dõi mắt nhìn về đoàn trẻ rước đèn, những người bạn đồng trang lứa của chúng đã đi xa nhưng âm vang của tiếng trống của bài hát “tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn qua khắp phố phường. . .” vẫn còn văng vẳng đâu đây.
Tôi gọi 2 đứa lại, mua cho mỗi đứa 5 tờ vé số. Hỏi thăm hoàn cảnh từng đứa. Chúng là hai anh em ruột. Thằng anh 10 tuổi và đứa em 8 tuổi. Bằng một giong bùi ngùi, đứa lớn kể với tôi, “ba con mất rồi. Mẹ con hiện đang bệnh nặng nhưng không có tiền trị bệnh. Hai anh em con bỏ học đi bán kiếm tiền về nuôi mẹ. . .” Một chút cay cay trên khóe mắt. Hoàn cảnh như vậy làm sao chúng có được một đêm trung thu. Giá như trong lúc này, gần đây có bán tôi sẵn sàng mua cho mỗi đứa một chiếc lồng đèn để chúng biết được chút hương vị ngọt ngào của đêm rằm tháng 8.
- Một buổi chiều sát trung thu, tôi đến khoa nhi bệnh viện Ung Bướu. Từ hành lang vào đến phòng bệnh, một quang cảnh thật rộn ràng đập vào mắt tôi. Trên tay những đứa trẻ đang chiến đấu với bệnh tật, đứa nào cũng có một chiếc lồng đèn.
Thì ra, trước tôi đã có một đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà cho các bé. Bé nào cũng vui tung tăng chạy nhảy.
Cái vui của trẻ thơ ở khoa nhi bệnh viện Ung Bưới lại là nỗi đau của những bậc sinh thành. Ranh giới giữa sự sống và cái chết hình như vô nghĩa đối với các cháu. Có bé, trên tay ôm chiếc lồng đèn, miệng bi bô hát. Có bé, một tay truyền dịch, tay kia vân vê lồng đèn. Ánh mắt trong như pha lê của bé rạng ngời và long lanh.
Tôi ghé vào một giuờng bệnh. Hai, ba bé chung một giường. Một bé khẳng khiu đầu không còn một sợi tóc. Mẹ bé quay lưng che dòng nước mắt. “Cháu vừa xong đợt hóa trị nên rụng hết tóc. Căn bệnh của cháu chỉ còn mong cho có một phép màu. Vừa rồi bé hỏi tôi có lồng đèn sao mẹ không đốt đèn cầy để con đi rước đèn ? Chẳng biết phải giải thích sao cho cháu hiểu. Mới 5 tuổi cháu đã biết gì đâu?”.
Ở khoa nhi này có trên 100 cháu đang điều trị các chứng bệnh ung thư. Có cháu hóa trị, có cháu xạ trị, có cháu thay máu. Nhiều trường hợp khá thương tâm. Có những cháu nằm tại đây đã nhiều năm chưa hề được ăn tết với gia đình huống chi là trung thu. Mỗi cháu một hoàn cảnh, mỗi cháu một số phận nhưng đối với tuổi thơ số phận hoàn cảnh là một thứ gì trừu tượng mà các cháu không hiểu hoặc không cần hiểu đến. Chúng chỉ biết đói ăn khát uống và nô đùa khi khỏe. Có bé mới hôm qua đây còn vui chơi sau một đêm, bé đã vĩnh viển ra đi . . .
Vào khoa nhi của bệnh viện Ung Bướu một lần, không ai không cầm được nước mắt. Ai không nhói lòng khi thấy các cháu cận kề với hiểm nguy vẫn hồn nhiên tư lự ?
Tiếng cười vẫn rộn rã ở khoa nhi trong những ngày cận trung thu. Chúng tôi đã bắt gặp nơi đây những ánh mắt, những nụ cuời mà có lẽ sẽ in đậm trong tâm thức. Các cháu mạnh mẽ quá. Các cháu lạc quan quá. Các cháu vẫn vui với niềm vui tuổi thơ. Trong dãy nhà kín đáo đó, phải chi đêm trung thu chị Hằng ghé xuống một lần thăm các bé để thấy rằng mặc dù bệnh tật đau yếu, các bé vẫn luôn nhớ đến chị.
Vậy mà, đêm trung thu trời đổ mưa. Chị Hằng biền biệt. Các cháu bệnh nhân ung thư vẫn cứ ngóng trông . . .
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 30/09/2012
https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/chut-tan-man-dem-trung-thu-90549.html