Ban cố vấn đã phát hiện ra lỗi và đã sửa lại ở trường quay
Mới đây, ông Hoàng Tuấn Công - một người nghiên cứu về tiếng Việt đã đưa ra một lỗi của chương trình Vua tiếng Việt. Theo đó ở tập 28, người chơi Đỗ Văn Tăng nhận được câu hỏi từ Ban Tổ chức (BTC) là chọn phương án đúng giữa hai từ "trậm trễ" hay "chậm chễ".
Người chơi đã chọn "chậm chễ" và người dẫn chương trình là MC Xuân Bắc khẳng định đáp án của người chơi là đúng.
Theo đó, ông Hoàng Tuấn Công và nhiều khán giả cho biết, BTC đã viết sai chính tả ngay ở câu hỏi vì trong tiếng Việt không có từ nào viết là "trậm trễ" hay "chậm chễ", mà chỉ có từ "chậm trễ".
Nhiều người bất ngờ trước lỗi sai này và cho rằng, chương trình về tiếng Việt mà lại sai như vậy là rất đáng tiếc. Vậy người trong cuộc nói gì?
Chia sẻ với PV Dân trí, Tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga (Viện Văn học) - Thành viên Ban cố vấn buổi ghi hình tập 28 của Vua tiếng Việt cho biết, đây là một lỗi sai đáng tiếc.
Khi Ban cố vấn nhận được bảng câu hỏi trước giờ ghi hình đã phát hiện lỗi sai chính tả như trên và có yêu cầu phía ê-kíp hậu kỳ sửa lại câu hỏi cho đúng từ "chậm trễ", các bạn ấy đã sửa. Khi ghi hình, câu hỏi trên màn hình led đúng rồi nên đáp án của bạn Tăng cũng chính xác.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga, Ban cố vấn cùng toàn bộ những người có mặt ở trường quay thấy không có lỗi gì nên không băn khoăn gì nữa. Nhưng khi lên sóng, dòng chữ chạy dưới hình lại vẫn là lỗi sai ban đầu nên cả chị và tác giả Trương Quý đều bất ngờ và có nhắn cho đại diện của chương trình.
"Lúc ghi hình, chúng tôi đã khoanh vào lỗi trên bản cứng và đưa lại cho ê-kíp. Sau buổi quay, lại phải ký vào bảng câu hỏi đã sửa và nộp lại lần nữa. Lỗi này do khâu xử lý hậu kỳ đã ghép nhầm.
Chúng tôi đã nhắc nhở và yêu cầu BTC cải chính. Số phát sóng thứ 29 là họ đã đính chính. Tuy nhiên, những người đã xem số 28 mà không xem số 29 đều không nắm được.
Người xem không rõ thì cứ miệt thị cả Ban cố vấn nhưng thực tế thì Ban cố vấn không ra đề, chỉ được tiếp cận đề thi trước 15-20 phút ghi hình để bảo mật nội dung thi. Chúng tôi đã phải đọc duyệt và góp ý ngay lập tức để sửa cho kịp từng dấu câu, từng chữ cái", Tiến sĩ Thanh Nga cho hay.
Theo cố vấn Thanh Nga, sự việc lần này có hai mặt. Thứ nhất, việc sai sót là có nhưng nó là lỗi kỹ thuật mà nếu phía truyền hình không nói rõ sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhiều người.
Thứ hai, phản ứng của dư luận cho thấy cả hiệu ứng tích cực và tiêu cực mà sân chơi Vua tiếng Việt mang lại. Nó cho thấy khán giả thực sự yêu thích chương trình và có kiến thức chuẩn. Mặt khác, nó cũng là dịp để nhiều người bộc lộ ra thái độ tiêu cực với gameshow. Họ không xem cả loạt mà chỉ nhắm vào một sai sót để chửi bới, quy kết thì đó cũng là một kiểu phản ứng. Cho nên, đây là bài học để ê-kíp chương trình rút kinh nghiệm.
Tiến sĩ Thanh Nga cho biết thêm, cái khó nhất của việc làm cố vấn của chương trình Vua tiếng Việt chính là thời gian rất ngắn để đưa ra quyết định đúng hay sai. Tiếng Việt thì mênh mông và rất nhiều từ mới xuất hiện và chưa được cập nhật vào từ điển.
BTC vẫn dựa vào từ điển của GS. Hoàng Phê làm chuẩn mực nên đôi khi các cố vấn phải tranh luận nhiều về đáp án không có trong cuốn từ điển đó. Cho nên, Ban cố vấn phải căn cứ vào đặc thù ngữ nghĩa, ngữ pháp của từ để cân nhắc đúng sai.
Ban Tổ chức đã rút kinh nghiệm và nhận lỗi
Nói về sự việc này, Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ - thành viên Ban cố vấn của chương trình Vua tiếng Việt cho hay, chương trình nào cũng có thể sơ suất. Đây chỉ là 1 câu hỏi nhỏ của 1 người chơi trong vòng 1 nên nếu tính tỉ lệ để chia ra thì nó chỉ rơi vào quãng 0,5% tổng thể dung lượng chương trình. Theo ông Vũ, đây chỉ là lỗi nhỏ khi làm hậu kỳ thôi.
Theo Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, không chỉ tiếng Việt mà ngôn ngữ nào cũng thế, không ai có thể biết tất cả từ vựng tiếng mẹ đẻ. Nếu đặt ra vấn đề cần biết giải thích và hiểu rõ về từng trường hợp thì học đến cả đời cũng không hết được bởi ngôn ngữ cũng là lịch sử, văn hóa, phong tục.
"Khi nhận lời làm cố vấn chương trình, tôi không nghĩ về áp lực mà chỉ nghĩ làm sao mình cẩn thận đến mức tối đa để tránh các sai sót. Cái gì biết thì nói biết, không sẽ bảo là không biết. Tiếng Việt có ba vùng phương ngữ là Bắc, Trung, Nam. Mỗi miền đều có những đặc trưng về từ vựng và ngữ âm, chưa kể đến các thổ ngữ. Cho nên không ai dám nói là mình hiểu hết về tiếng Việt đâu", Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ chia sẻ thêm với PV Dân trí.
Trước việc sai chính tả được nhiều người quan tâm này, chúng tôi đã liên hệ phía BTC chương trình. Chị Hà Nhung - đại diện chương trình cho hay, ê-kíp đã họp để rút kinh nghiệm, đồng thời chương trình đã đính chính sai sót tại tập 29 của chương trình Vua tiếng Việt.
Theo đại diện này, làm nhiều thì không tránh được sai, do lỗi bộ phận kỹ thuật, kiểm duyệt hậu kỳ, ê-kíp đã nhận sai và xin lỗi trên sóng VTV.