Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung các môn tập trung hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp, năng lực của học sinh thay đổi lớn so với hiện hành.
Lãnh đạo nhiều trường THPT dự đoán trước những khó khăn khi triển khai chương trình lớp 10 mới. Theo hiệu trưởng một trường THPT ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ, nếu theo cách chọn các môn học thì dự báo khoảng 80 - 100 tổ hợp môn lựa chọn. Trong đó, môn/tổ hợp rất ít học sinh chọn, môn/tổ hợp nhiều học sinh chọn. Vì thế, việc phụ huynh hoang mang là điều tất nhiên, ngay cả nhiều người làm giáo dục còn hoang mang.
Mặt khác, việc cho học sinh tự chọn năm môn học trong ba nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật ngay từ lớp 10 là không khả thi. Học sinh mới tốt nghiệp THCS, các em chưa hiểu rõ về năng lực của bản thân. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp 10 phải tư vấn để học sinh chọn môn phù hợp là giao trọng trách quá nặng nề cho giáo viên, bởi họ chưa dạy học sinh ngày nào nên khó mà biết khả năng từng em.
Hoặc sẽ có nhiều trường hợp nếu năm lớp 10, học sinh chọn học ba môn thuộc nhóm khoa học xã hội và hai môn nhóm công nghệ và nghệ thuật, nhưng đến năm lớp 11 em lại thay đổi, chuyển từ khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên. Vấn đề cốt lõi là năm lớp 10 em không học khoa học tự nhiên thì lên lớp 11 các em sẽ học thế nào.
Hiệu trưởng một trường THPT quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, chương trình mới chỉ còn 7 môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương), còn lại đều là tự chọn.
Tuy nhiên với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện có, trường chỉ đáp ứng được một số như: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Riêng môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương... thì nhiều trường không có giáo viên.
Nếu học sinh chọn học những môn này thì bắt buộc trường phải hợp đồng với giáo viên bên ngoài. Vậy kinh phí nào dùng để trả lương cho giáo viên thỉnh giảng. Chưa kể, với những môn nghệ thuật đặc thù, nếu trả thù lao thấp sẽ rất khó mời giáo viên.
Chỉ còn 7 môn bắt buộc
Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT sẽ được triển khai từ năm học 2022 - 2023 với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12 với nhiều điểm đổi mới cơ bản so với trước đây.
Nếu như ở chương trình hiện hành, học sinh phải học 17 môn và hoạt động giáo dục (tính cả môn tự chọn là 18). Còn với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình. Đây là điểm mới hoàn toàn so với hiện tại, với định hướng nghề nghiệp rất cao.
Trong đó, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn (105 tiết), Toán (105 tiết), Ngoại ngữ 1 (105 tiết), Giáo dục thể chất (70 tiết), Giáo dục quốc phòng và an ninh (35 tiết), Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (105 tiết), Nội dung giáo dục của địa phương (35 tiết).
Cùng với đó, học sinh có quyền chọn 5 môn học lựa chọn khác sẽ lấy từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) gồm: nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (trong Nghệ thuật có Âm nhạc và Mĩ thuật). Mỗi môn có thời lượng 70 tiết.
Bên cạnh đó, học sinh phải lựa chọn ba cụm chuyên đề (105 tiết) cho phù hợp với nguyện vọng bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Tổng số tiết học/năm học (không kể các môn học tự chọn) là 1.015 tiết. Số tiết trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn) là 29 tiết.
Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và lựa chọn trên, chương trình có hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số (105 tiết), Ngoại ngữ 2 (105 tiết).
Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học và hoạt động giáo dục mà mọi học sinh đều phải tham gia.
Môn học lựa chọn là môn học được học sinh chọn theo định hướng nghề nghiệp.
Môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh chọn theo nguyện vọng.
Hà Cường