Chương trình 'Hành trình Biển và Hoa' liên kết du lịch Lâm Đồng và Bình Thuận

Hồng Hiếu (TTXVN)| 09/11/2023 15:50

Trong bối cảnh hiện nay, liên kết, hợp tác cùng phát triển là xu hướng để các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đưa du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nắm bắt xu thế này, tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực liên kết với các địa phương có lợi thế, tiềm năng đặc sắc để mở rộng không gian du lịch, từng bước trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

Chuong trinh “Hanh trinh Bien va Hoa” lien ket du lich Lam Dong va Binh Thuan hinh anh 1Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận vừa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức chương trình khảo sát trekking (đi bộ đường dài dã ngoại) trên cung đường Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)-Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Tạo nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, thu hút khách

Tuyến du lịch trekking Tà Năng - Phan Dũng là sản phẩm du lịch đầu tiên nằm trong liên kết du lịch “Hành trình Biển và Hoa” giữa hai tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận. Tuyến du lịch này được đưa vào khai thác thử nghiệm từ đầu tháng 10/2023; đánh dấu một bước phát triển mới cho du lịch hai địa phương.

Cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng có tổng chiều dài khoảng 55km. Trên cung đường này, du khách di chuyển từ độ cao hơn 1.100m xuống 500m so với mực nước biển, vượt suối, trèo đèo, băng qua cánh rừng rậm rạp và đi qua nhiều dạng địa hình, sinh cảnh nối tiếp nhau như: ruộng lúa, đồi cà phê, rừng thông, đồi cỏ, rừng khộp... Cung đường thu hút nhiều “phượt thủ,” những người yêu thiên nhiên, ưa mạo hiểm; là một trong những sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm Bình Thuận đang hướng tới.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, chương trình liên kết phát triển du lịch “Lâm Đồng - Bình Thuận - Thành phố Hồ Chí Minh” với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né - Chợ Bến Thành” đã tạo nên tam giác phát triển du lịch năng động gắn liền với nhiều tour tuyến hấp dẫn được đông đảo du khách yêu thích, lựa chọn làm hành trình cho kỳ nghỉ của mình và gia đình.

Trên nền tảng đó, với phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”, tuyến du lịch trekking Tà Năng - Phan Dũng nối liền hai tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận sẽ mang lại sự kết nối, tạo thuận lợi về chủ trương, cơ chế, chính sách của hai địa phương. Đồng thời, sự phối hợp của Hiệp hội Du lịch, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ hai địa phương sẽ góp phần nâng tầm điểm đến, tạo nên “Hành trình Biển và Hoa” đầy hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho rằng, trong bối cảnh du lịch ngày càng phát triển, việc xây dựng tour du lịch mới “trekking Tà Năng-Phan Dũng, Hành trình Biển và Hoa kết nối Lâm Đồng - Bình Thuận" đánh dấu bước phát triển quan trọng cho cả hai tỉnh. Tour này không chỉ là hành trình khám phá thiên nhiên mà còn là cơ hội nêu bật những giá trị di sản quý báu và văn hóa bản địa của khu vực; góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách…

Nếu chương trình liên kết giữa du lịch Bình Thuận - Lâm Đồng được thực hiện trên nền tảng sản phẩm đặc trưng, khác biệt thì chương trình liên kết “Hai địa phương - Một điểm đến” giữa Bình Thuận và Ninh Thuận vừa được ký kết tháng 10 lại dựa trên sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan để tạo nên một điểm đến “quen mà lạ”.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, việc liên kết, hợp tác phát triển đa chiều, đa lĩnh vực, góp phần tận dụng tốt thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực, tiềm năng phát triển và kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm, loại hình cung cấp cho du khách chính là nhu cầu, xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” để các địa phương phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

Ninh Thuận - Bình Thuận là hai địa phương thuộc cụm tứ giác phát triển du lịch quốc gia Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang - Phan Thiết. Hai địa phương có tài nguyên thiên nhiên, văn hóa khá đa dạng và khác biệt so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Do vậy, các địa phương liên kết sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Tài nguyên phong phú, đa dạng, hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, nhất là khi tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã đi vào hoạt động góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa phương là những yếu tố tạo cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai tỉnh. Trong giai đoạn 2023 - 2025, hai địa phương sẽ liên kết, hợp tác trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; quảng bá xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo được hiệu ứng tốt trong việc giới thiệu, quảng bá sâu, rộng hình ảnh du lịch Ninh Thuận - Bình Thuận…

Mở rộng liên kết điểm đến

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, Bình Thuận đang có nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng có những thách thức không nhỏ để phát triển ngành Du lịch nhanh và bền vững.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Bình Thuận đã có nhiều Chương trình hợp tác phát triển du lịch như: Thành phố Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận; Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu; Bình Thuận - Tuyên Quang… Đến nay, các nội dung Chương trình hợp tác phát triển du lịch đã thực hiện được góp phần tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của các địa phương; gắn kết mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp các địa phương; khai thác thị trường, thúc đẩy tăng trưởng về lượng khách du lịch qua lại giữa các địa phương…

Thành công của Chương trình hợp tác phát triển du lịch, phải kể đến những đóng góp tích cực của Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp đã cùng chung tay, góp sức chia sẻ khó khăn để xây dựng hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch của các địa phương ngày càng phát triển vững chắc.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, mỗi địa phương đều có điểm đến, sản phẩm riêng, tuy nhiên, khi thực hiện liên kết vùng, sản phẩm, dịch vụ… sẽ tạo ra những sản phẩm đặc thù riêng và cung cấp được nhiều dịch vụ, tiện ích mang lại sự hài lòng cho du khách khi có nhu cầu, thời gian trải nghiệm chuỗi sản phẩm này. Chính vì vậy, trong hoạt động du lịch, Bình Thuận luôn tìm kiếm sự liên kết nhằm gia tăng sản phẩm cũng như điểm đến để cùng nhau phát triển.

Du lịch Bình Thuận đang phục hồi và phát triển khá tốt. Dự ước năm 2023, Bình Thuận đón hơn 8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 220.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước khoảng 19.500 tỷ đồng.

Để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục khai thác và phát huy tối đa hiệu quả các chương trình liên kết phát triển vốn có như: Tam giác phát triển du lịch Bình Thuận - Thành phố Hồ Chí Minh - Lâm Đồng; vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… đồng thời mở rộng liên kết với các địa phương khác, tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù, tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Hồng Hiếu

Theo dantocmiennui.vn
https://dantocmiennui.vn/chuong-trinh-hanh-trinh-bien-va-hoa-lien-ket-du-lich-lam-dong-va-binh-thuan/342957.html
Copy Link
https://dantocmiennui.vn/chuong-trinh-hanh-trinh-bien-va-hoa-lien-ket-du-lich-lam-dong-va-binh-thuan/342957.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chương trình 'Hành trình Biển và Hoa' liên kết du lịch Lâm Đồng và Bình Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO