Theo Business Insider, báo cáo mới được công bố gần đây của Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) lưu ý, Lầu Năm Góc ước tính chi phí toàn bộ vòng đời của F-35, bao gồm mua, vận hành và bảo trì, trong vài thập kỷ tới hiện đã vượt quá 2.000 tỷ USD. Con số đáng kinh ngạc trong báo cáo của GAO về chương trình vũ khí đắt nhất thế giới lớn hơn nhiều so với ước tính 1.700 tỷ USD trước đó. GAO cũng tiết lộ, chi phí duy trì chương trình F-35 đã tăng từ khoảng 1.100 tỷ USD vào năm 2018 lên khoảng 1.580 tỷ USD vào năm 2023.
Máy bay chiến đấu F-35C được tiếp nhiên liệu trên sàn đáp của tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson. Ảnh: US Navy |
F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 thứ hai trong kho vũ khí của Mỹ sau F-22 Raptor. F-35 được chế tạo để tấn công không đối không và đối đất. Một số đồng minh của Mỹ cũng vận hành loại máy bay này. Quân đội Mỹ hiện có khoảng 650 chiếc F-35, trong đó có 3 biến thể F-35A, F-35B, F-35C lần lượt dành cho không quân, thủy quân lục chiến và hải quân. Dự kiến, tính đến giữa những năm 2040, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ mua tổng cộng khoảng 2.500 chiếc F-35.
Bộ Quốc phòng Mỹ hiện có kế hoạch vận hành F-35 cho đến năm 2088, dài hơn 11 năm so với kế hoạch gần đây nhất. Kéo dài thời gian vận hành là một lý do khiến chi phí chương trình F-35 tăng vọt. Tuy nhiên, lạm phát gia tăng mới là nguyên nhân chính đẩy chi phí lên cao.
Trên thực tế, trong thập kỷ qua, Lầu Năm Góc cũng đã thực hiện các biện pháp để giảm chi phí của chương trình F-35, bao gồm làm việc với các nhà thầu để tìm cách tiết kiệm, cải thiện độ tin cậy và khả năng bảo trì của các bộ phận trên máy bay, giảm sự cố do các mảnh vụn vật thể lạ xâm nhập và làm hỏng động cơ... Tuy nhiên, dù các biện pháp này có thể giúp tiết kiệm khoảng 84 tỷ USD trong suốt thời gian thực hiện chương trình F-35, nhưng các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng những nỗ lực này không có khả năng thay đổi căn bản chi phí ước tính để vận hành máy bay.
Hai máy bay F-35A của không quân Mỹ tại căn cứ không quân Al Udeid, Qatar. Ảnh: Defense News |
Trong nỗ lực giảm bớt chi phí, các lực lượng đã buộc phải giảm giờ bay của F-35. Thông báo của GAO nêu rõ: “Các lực lượng đang giảm số giờ bay của F-35, góp phần làm giảm chi phí và đáp ứng các mục tiêu về khả năng chi trả”. Vào năm 2020, Báo cáo ước tính chi phí hằng năm do Văn phòng Chương trình hỗn hợp F-35 (JPO) công bố xác định F-35 sẽ bay 382.376 giờ mỗi năm ở “trạng thái ổn định” cho đến giữa những năm 2030. Tuy nhiên, trong báo cáo của JPO vào năm 2023, số giờ bay của F-35 ở “trạng thái ổn định” đã giảm xuống còn 300.524 giờ mỗi năm. Theo The National Interest, bà Diana Maurer, Giám đốc nhóm quản lý và năng lực quốc phòng tại GAO giải thích: “F-35 có một số khả năng thực sự tiên tiến. Đó là một chiếc máy bay tàng hình. Phi công cho chúng tôi biết cách họ có thể nhìn thấy đối thủ trước khi đối thủ phát hiện ra họ. Điều này mang lại cho họ lợi thế. F-35 cũng có thể thu thập nhiều thông tin và chia sẻ dữ liệu với các máy bay và hệ thống khác. Đây đều là những khả năng tuyệt vời. Tuy nhiên, chi phí vận hành nó rất tốn kém”. Bà Maurer cho biết, trong một báo cáo do GAO đưa ra cách đây 3 năm, không quân, thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ đã lưu ý đến khoảng cách lớn giữa chi phí vận hành máy bay và khả năng chi trả của họ. Sử dụng F-35 ít thường xuyên hơn được coi là một trong những biện pháp để giảm bớt chi phí.
Mối lo ngại lớn hiện nay là F-35 có thể không bay được nhiều giờ hơn trên không, ngay cả khi các lực lượng muốn chi tiền nhiều hơn để biến điều đó thành hiện thực. Báo cáo của GAO nhấn mạnh rằng khả năng sẵn sàng của F-35 có xu hướng giảm đáng kể trong 5 năm qua và không có biến thể nào đáp ứng được mục tiêu về thời gian thực hiện nhiệm vụ. Khả năng sẵn sàng của F-35 giảm là do một số yếu tố, bao gồm sự phụ thuộc nhiều vào các nhà thầu, đào tạo không đầy đủ, thiếu dữ liệu kỹ thuật, thiếu phụ tùng thay thế và thiếu thiết bị hỗ trợ.
LÂM ANH