‘Chúng tôi lớn lên với những cuốn sách giáo khoa quăn mép, ngả màu thời gian’

27/08/2023 08:57

Thế hệ học trò thời 7x, 8x chúng tôi đi học, gia đình không phải đau đáu lo chuyện sách giáo khoa (SGK). Một bộ sách có thể truyền qua nhiều thế hệ. Chúng tôi lớn lên, trưởng thành từ những cuốn sách rách mép, ngả màu thời gian đó...

Rưng rưng lật mở trang sách xưa

Năm học mới sắp đến, trên diễn đàn mạng, một phụ huynh ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi bán hai tạ lúa được 1,3 triệu. Số tiền trên vừa đủ mua SGK cho hai con (lớp 1 và lớp 3). Con lớn học xong không thể để lại cho con nhỏ, cuối năm bán đồng nát 2.000đ/kg”.

Câu chuyện của phụ huynh cũng là tiếng thở dài ngao ngán của công luận về vấn đề lãng phí SGK.

Những trang sách khiến triệu trái tim bồi hồi khi lật lại. (Ảnh: Facebook D.S.N)

Thế hệ học trò thời 7x, 8x chúng tôi đi học, gia đình không phải đau đáu lo chuyện SGK. Một bộ sách có thể truyền qua 3, 4 đứa con hoặc mượn lại của người thân. Thời đó, chúng tôi chỉ nghĩ việc làm trên như một điều đương nhiên để bớt nỗi lo cho cha mẹ mà chưa thể nghĩ đến những vấn đề lớn lao hơn như bảo vệ môi trường.

Chúng tôi lớn lên từ những cuốn sách rách mép, ngả màu thời gian đó...

Những cuốn sách như ngọn lửa hiếu học được gìn giữ, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bất chấp thời gian, sự nghèo đói và khó khăn, vậy mà vẫn không thiếu những người trường thành, thậm chí thành công.

Để rồi sau này, lật giở những trang sách cũ, kỷ niệm ùa về. Trang này anh trai ghi chú, trang bên kia lại một nét chữ nhỏ nhắn của chị gái ở góc… Trái tim không thôi xao xuyến.

Đến giai đoạn sau, qua nhiều cải cách với những cuốn sách được tạo khoảng trống trắng, bảng biểu cho phép học sinh làm bài tập khiến SGK trở thành loại sách dùng một lần – sự lãng phí đã thấy rõ. Điều đương nhiên, gánh nặng trên vai phụ huynh mỗi mùa con tựu trường lại càng gia tăng.

Với những gia đình khó khăn, việc lo cho các con vào đầu năm học với đủ các khoản tiền: học phí, sách vở, đồng phục… có khi cuốn hết công sức cả một mùa thu hoạch nông sản.

Các nước phát triển như Nhật Bản đã miễn phí SGK, việc biên soạn là do các nhà xuất bản tư nhân đặt dưới sự kiểm định của Bộ Giáo dục.

Tại Singapore, Bộ Giáo dục độc quyền cung cấp SGK miễn phí hoàn toàn. Ở Phần Lan, học sinh được dùng miễn phí SGK, giáo viên được quyền chọn, học sinh trả sách vào cuối năm học.

Một điều lạ là với một số nước đang phát triển, khó khăn về kinh tế học sinh cũng được miễn phí SGK. Tại Mỹ, SGK được lựa chọn đa dạng từ các nhà xuất bản tư nhân, không miễn phí.

Giải pháp nào để phụ huynh ‘nhẹ gánh’ mỗi mùa ‘năm học mới’?

Nhà nước nên miễn phí SGK cho học sinh phổ thông (từ tiểu học đến hết THPT). Tạm tính sơ bộ hiện Việt Nam có gần 18 triệu học sinh phổ thông x với 300 nghìn tiền SGK/học sinh.

Mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ phải chi ra tầm 5.000 tỷ đồng. Vì vậy việc tính toán, tìm kiếm các nguồn lực để dành cho việc cung cấp SGK cần được đánh giá, xem xét thấu đáo. Nhà nước có thể kêu gọi các quỹ tài trợ, vận động người dân đóng góp, đặc biệt chú ý thiết kế SGK có thể dùng lại, không có dạng bài tập làm luôn vào sách, vừa giảm số trang gọn nhẹ vừa tiết kiệm.

Để có thể miễn phí được SGK, trong điều kiện của Việt Nam chỉ nên tập trung biên soạn một bộ SGK thống nhất trên toàn quốc. Quốc hội có lẽ cần sửa đổi quy định cho phép “có một số SGK cho mỗi môn học” tại Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Ảnh: Thanh Hùng

Lý do là hàng chục năm nay chúng ta còn chưa biên soạn được một bộ SGK chuẩn mực theo từng cấp học, biên soạn nhiều bộ càng rối. Phụ huynh khó tìm mua sách, học sinh khi chuyển trường gặp khó khăn nếu trường mới học sách khác.

Hiện tại Việt Nam chưa thể học Mỹ hay các nước phát triển trong việc có nhiều SGK vì các nước này đều có điểm chung là trình độ của các nhà biên soạn rất cao, sĩ số lớp học ít, quy trình thi cử hiện đại, nhiều quỹ tài trợ cho giáo dục và GDP đầu người cao gấp nhiều lần Việt Nam.

Để xây dựng SGK có lẽ cũng không quá khó với một quốc gia có nguồn nhân lực trí tuệ cao nhiều nhất Đông Nam Á. Việt Nam hiện ước tính có khoảng 11.000 giáo sư, phó giáo sư, gần 30.000 tiến sĩ. Quốc hội, Bộ GD-ĐT cần huy động “giới tinh hoa trí thức” này bắt tay vào công cuộc xây dựng một bộ SGK chuẩn mực.

Chúng ta chưa thể coi “SGK chỉ là học liệu” vì nhìn thẳng vào thực tế giáo viên Việt Nam có sự chênh lệch trình độ rất lớn, nên trong giai đoạn hiện nay chưa thể để nhà trường, giáo viên tự xây dựng nội dung các môn học trên cơ sở chương trình định hướng của Bộ.

SGK thuộc lĩnh vực tự nhiên (vốn không liên quan đến chủ quyền hay bản sắc dân tộc) nên đặt mua bản quyền từ các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Mỹ. Biện pháp này giúp giáo dục Việt Nam tiết kiệm thời gian loay hoay đổi mới, cải cách để đi kịp cùng thế giới.

Đơn cử chương trình Toán ở Việt Nam được xây dựng quá nặng. Kiến thức Toán lớp 11, 12 ở Việt Nam tương đương đại học năm nhất chuyên ngành Toán ở Mỹ. Vậy nên học sinh Việt Nam gần như dành quá nhiều thời gian cho học Toán, không còn quỹ thời gian để phát triển năng khiếu sở trường hay luyện tập thể dục thể thao (hiện chiều cao của người Việt Nam thấp thứ 4 trên thế giới).

Bộ GD-ĐT chỉ tập trung biên soạn SGK xã hội, năng khiếu, kỹ năng sống… Bộ cũng có thể lựa chọn những quyển viết tốt nhất trong các bộ SGK kết hợp với bản quyền sách tự nhiên của nước ngoài, sau đó chỉnh sửa, biên dịch hợp nhất thành một bộ sách thống nhất.

Tài liệu tham khảo để thị trường quyết định, tuyệt đối không “bán bia kèm lạc” lũng đoạn học đường, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Thứ hai, chúng ta đẩy mạnh xây dựng phong trào “Giữ gìn, trao tặng SGK” như một vài địa phương đã thực hiện để khuyến khích học sinh rèn luyện tính tiết kiệm, cẩn thận, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.

Giáo viên, phụ huynh, báo chí truyền thông cần làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở học sinh giữ gìn SGK sạch đẹp, không quăn góc, rách bìa, viết vẽ vào sách để tặng lại thế hệ tiếp sau.

Thứ ba, chúng ta tiến tới sử dụng SGK kỹ thuật số song song với bản giấy. Việc xây dựng SGK kỹ thuật số đòi hỏi một nền tảng công nghệ tích hợp phức tạp cần nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện. Trước mắt, ngay trong năm học tới 2023-2024, bên cạnh bản giấy, nhà xuất bản có trách nhiệm sao chụp nguyên bản SGK và gửi lên cổng thông tin Bộ GD-ĐT.

Các Sở GD-ĐT, trường học sẽ cập nhật chuyển đến từng phụ huynh để phụ huynh tuỳ điều kiện cụ thể chủ động in sách học cho con. Nhà nước cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh lậu SGK, không để tình trạng sách lậu lấn át, chiếm thị phần sách gốc.

Câu chuyện mỗi năm NXB Giáo dục báo cáo doanh thu hàng nghìn tỷ từ SGK tại một quốc gia nghèo lại tạo sự bất bình trong dư luận.

Giáo dục vốn dĩ là một lĩnh vực quan trọng của dịch vụ công vốn dĩ không lấy lợi nhuận làm mục đích. Sứ mệnh cao cả của ngành Giáo dục - như chúng ta biết, vốn dĩ phục vụ nhân dân, đào tạo thế hệ mầm non thành người kiến tạo đất nước ngày mai.

Từ năm 2022, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã khảo sát tại các địa phương để nghiên cứu phương án xây dựng các tủ sách giáo khoa trong các nhà trường. Từ các tủ sách này, hàng năm, học sinh mượn, học xong trả lại cho nhà trường để lớp sau học tiếp.

Bộ GD-ĐT đang lên 3 phương án trình Chính phủ hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh phổ thông.

Với mức giá bình quân 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ mua sách giáo khoa.

- Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách. Kinh phí cần có là hơn 2.100 tỷ đồng. 30% học sinh còn lại có thu nhập khá trở lên tự mua sách.

- Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách. Kinh phí nhà nước cần hỗ trợ là hơn 1.500 tỷ đồng.

- Phương án 3: Ngân sách nhà nước hỗ trợ số lượng học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo. Số kinh phí dự kiến là hơn 107 tỷ đồng.

ThS. Vương Thị Liên (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
‘Chúng tôi lớn lên với những cuốn sách giáo khoa quăn mép, ngả màu thời gian’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO