Người đọc là một dự án mà nữ tiến sĩ văn học - họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu đã theo đuổi từ hồi giãn cách xã hội lần thứ nhất ở Việt Nam đầu năm 2020. Vốn là một người mê sách nên cô cũng thường để ý đến những người đọc sách. Có thể là bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào, trong bất kì trạng thái nào, cô cũng thấy ở họ toát ra vẻ đẹp của sự tập trung một cách thư thái, của vẻ đủ đầy, tĩnh tại dẫu một mình.
Người đọc ít để ý đến xung quanh, họ thu khép chính mình lại một cách tự nhiên để toàn tâm với chữ và nghĩa. Ánh sáng và bóng tối của những con chữ kia lấp đầy tâm trí họ. Họ đẹp vì họ đọc. Đọc là một cách đào sâu riết róng để đeo đuổi việc giải nghĩa thế giới này, giải nghĩa chính mình.
Người đọc chính là những người biết tận hưởng thế giới này ở nhiều góc cạnh, nhiều chiều kích hơn cả, bởi đôi mắt của họ đã được cấp thêm bao lớp kính vạn hoa qua bao nhiêu cuốn sách. Cùng một thực tại, người đọc sách nhiều hơn sẽ nhìn thấy nhiều tầng lớp nghĩa hơn. Cũng một buổi chiều tà ráng đỏ đó thôi, trong mắt người đọc, nó là sự tích đọng của tầng tầng lớp lớp cảm giác về màu sắc từ những buổi chiều tà họ đã trải nghiệm trong trang sách.
Trong cuốn sách, tác giả giới thiệu đến bạn đọc 37 bức tranh lụa, phần lớn là chân dung người thân và bạn bè quen biết. Họ - những con người khác nhau về sắc tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp nhưng đều giống nhau ở một điểm: thật đẹp khi đang đọc. Những bức tranh lụa vẽ người đọc của tác giả - cả đàn ông và đàn bà, người tóc bạc lẫn kẻ đầu xanh… đều êm đềm, bình yên bên trang sách - vì thế như một lời khẳng định tình yêu và lương tri vẫn luôn tồn tại.
Một số bức tranh in trong cuốn sách:
Nhân dịp cuốn artbooks Người đọc ra mắt, đồng thời, chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), tiến sĩ văn học - họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu đã tổ chức một triễn lãm cùng tên cuốn sách tại tầng 3 Nhà triển lãm Mỹ thuật Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm diễn ra ngày 16/04/2022 đến hết ngày 22/04/2022.