Chúng ta đang 'nạp ni lông' vào cơ thể mỗi ngày?

14/06/2023 12:13

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, túi ni lông hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng ở 78 - 80 độ C sẽ dễ dàng thôi nhiễm chất DOP vào thức ăn và độc hại tới sức khỏe.

Công nhân thu gom rác thải nhựa và các vật dụng gia đình tại họng thoát nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Công nhân thu gom rác thải nhựa và các vật dụng gia đình tại họng thoát nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, túi ni lông hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm… ở 78-80oC, hay màng bọc ni lông bị nóng chảy sau khi làm nóng thức ăn trong lò vi sóng sẽ dễ dàng thôi nhiễm chất DOP (dioctin phatalat) vào thức ăn.

Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì sớm.

Qua tìm hiểu của phóng viên, những người bỏ mối túi ni lông tại một số khu chợ lớn ở Hà Nội cho biết mỗi ngày họ bán được khoảng 30 - 40kg túi, giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Túi ni lông đựng rau, thịt ở chợ được sản xuất từ nhựa tái chế. Chỉ cần nhìn qua có thể nhận ra túi nào tốt, túi nào xấu, thậm chí sản xuất ở đâu.

Còn theo những người chuyên lấy túi ni lông bán buôn cho các mối lẻ, họ thường lấy túi ở ngay trong Hà Nội và các tỉnh lân cận. Túi dùng một lần rồi bỏ đi nên cả khách và người buôn chẳng quan tâm tới chất lượng làm gì.

Nhiễm kim loại nặng cadimi, chì do sử dụng túi ni lông

Tuy nhiên theo ông Thịnh, Việt Nam đang sử dụng phần lớn túi ni lông tái chế gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi cho người sử dụng.

Túi ni lông có 2 loại: loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Thành phần các loại nhựa này không chứa độc nhưng các chất phụ gia làm mềm dẻo lại gây độc cho con người.

Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi ni lông có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi.

Việc đốt túi ni lông diễn ra khá phổ biến ở các vùng nông thôn. Khi đốt túi ni lông sẽ tạo ra khí thải có chứa chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, khó thở, nôn ra máu gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Túi ni lông chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonic, mê tan và khí dioxin cực độc.

Loại thứ hai (là loại chúng ta đang dùng phổ biến) chính là túi ni lông tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Trong đó, thậm chí có cả hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu... Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì...

Đối với các loại túi ni lông tái chế từ rác thải, công đoạn tái chế xử lý rất thủ công, trong quá trình sản xuất được trộn các loại hóa chất làm tăng độ bền và dẻo của sản phẩm tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại.

Đặc biệt, những túi ni lông nhuộm màu xanh, đỏ, vàng... đang dùng đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây độc hại cho thực phẩm do chứa kim loại như chì, cadimi. Đây là những chất gây tác hại cho bộ não và là nguyên nhân chính gây ung thư.

Theo PGS Thịnh, quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi ni lông diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt. Túi ni lông hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78-80oC sẽ khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi ni lông gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn.

Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormone nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì sớm.

PGS Thịnh đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không được dùng màng bọc thực phẩm ni lông lên bề mặt thức ăn để hâm nóng trong lò vi sóng. Sau khi bị quay nóng trong lò vi sóng tới 300 - 500oC, các màng bọc ni lông này bị chảy nhẽo và chất dẻo sẽ dính vào thức ăn.

hat-thai-nhua-luu-duyen-1685086021148531637416-56-0-1306-2000-crop-16850860308231174844245.jpg

Chính vì thế, để sử dụng túi ni lông an toàn, người dân nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước. Hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn nóng, chua, cay...

Ông Thịnh cho biết hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu để tạo ra chất dẻo làm túi phối trộn giữa 60% nhựa thông thường với 30% lượng tinh bột (thường là bột mì).

Loại túi này chỉ mất 3-5 năm sẽ phân hủy được, không phải mất tới 500 năm như túi ni lông tái chế đang dùng. Dự kiến sản phẩm này sẽ có giá cao hơn túi ni lông và sẽ được sử dụng phổ biến trong tương lai.

Rác thải ni lông quá nhiều

Theo thống kê của Tổ chức FAO, Việt Nam là một trong năm nước hàng đầu về xả nhiều rác thải nhựa ra biển, với tổng số 13 triệu tấn/năm. Với rác thải sinh hoạt, mỗi ngày Việt Nam thải ra 120.000 tấn. Tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm chúng ta sử dụng hơn 30 tỉ túi ni lông, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 - 7 túi ni lông/ngày. Đa phần các túi ni lông đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải.

Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày có đến 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, trong đó lượng rác thải túi ni lông chiếm 7 - 8% (tức là khoảng 5,6 - 6,4 tấn). Theo các chuyên gia sinh vật học, túi ni lông là thủ phạm gây ra cái chết của nhiều con rùa vì chúng không phân biệt được đâu là túi rác, đâu là con mồi thật sự.

Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày 2 thành phố này sẽ thải ra khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Với riêng Hà Nội, trung bình mỗi ngày Hà Nội sẽ thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm đến 7 - 8%. Nguy hại hơn là lượng túi ni lông này đang tăng dần theo từng năm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chúng ta đang 'nạp ni lông' vào cơ thể mỗi ngày?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO