Video hai đứa trẻ tận mắt chứng kiến phụ huynh sử dụng bạo lực với nhau, liên tục gào thét "Cha mẹ ơi" trong sự bất lực đang khiến dư luận vô cùng xót xa.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) nhận định rằng, cùng với tỷ lệ mâu thuẫn trong hôn nhân, số vụ bạo hành phụ nữ, tình trạng ly thân, ly dị đang tăng lên trong xã hội, việc trẻ phải chứng kiến bạo hành giữa cha mẹ là một vấn đề nhức nhối.
PSG.TS Trần Thành Nam đã có phân tích về hậu quả mà những đứa trẻ phải gánh chịu khi chứng kiến bạo lực gia đình.
Trẻ trở nên chống đối xã hội hoặc thu mình vì chứng kiến bạo lực gia đình
Việc liên tục chứng kiến khiến đứa trẻ luôn ở trong tâm trạng bất an, trong đầu luôn ám ảnh với những hình ảnh người mẹ bị cha lạm dụng bạo hành. Chúng dễ lâm vào tình trạng hoảng loạn do những hình ảnh khủng khiếp sẽ bị tái kích hoạt mỗi khi đứa trẻ tiếp xúc với một kích thích khiến gợi nhớ lại sự kiện bạo hành trong quá khứ. Có thể chỉ là một giọng nói to, tiếng sập cửa hay tiếng bước chân dồn dập...
Đáng buồn là những ám ảnh, lo lắng này sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ tới khi trưởng thành, trở thành rối loạn stress sau sang chấn (một dạng rối loạn tâm thần).
Những đứa trẻ chứng kiến bạo hành trong gia đình khi đến tuổi đi học sẽ phát triển những đặc điểm chống đối xã hội. Bên cạnh đó, chúng luôn chìm ngập trong một tâm trạng tiêu cực và cảm giác tội lỗi về những hình ảnh lạm dụng mà chúng đã chứng kiến. Vì vậy chúng thu mình, không tương tác với bạn bè và càng không hình thành được kỹ năng xã hội, không có năng lực hiểu và kiểm soát cảm xúc.
Mặc dù không bị trực tiếp lạm dụng về thể xác nhưng những chấn thương khi chứng kiến bạo lực gia đình cũng đủ gây ra những thay đổi vĩnh viễn trong não bộ đang phát triển của trẻ. Những thay đổi này có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, trở nên cáu kỉnh, tức giận, mất tập trung, mất khả năng tư duy, suy giảm trí nhớ và có thể gây ra các cơn ác mộng.
Không những thế, việc chứng kiến sự ngược đãi của cha với mẹ của trẻ trong độ tuổi đi học cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của các em. Nhiều em báo cáo về những cơn đau đầu, đau dạ dày có thể bắt nguồn từ sự căng thẳng tâm lý. Những đứa trẻ trong độ tuổi nhà trẻ còn xuất hiện nôn trớ, đái dầm và bỏ ăn.
Chướng ngại khi trưởng thành
Những thanh thiếu niên chứng kiến cảnh bạo hành gia đình chúng thường phản ứng lại tình huống. Chúng có thể lao vào đánh lại người gây bạo hành, tuy nhiên nhiều trường hợp là chúng lại chuyển dời nỗi bức xúc thành hành vi đánh nhau trên lớp, bỏ học, tham gia đua xe, nghiện rượu, nghiện ma túy và quan hệ tình dục nguy cơ cao... Về cơ bản, chúng quăng mình vào những tình huống rất dễ gặp rắc rối với pháp luật.
Những đứa trẻ sống trong môi trường độc hại và chứng kiến ngược đãi lớn lên có nguy cơ cao trở thành người trầm cảm, buồn bã, khó tập trung khi trưởng thành. Thậm chí sau khi lập gia đình, những đứa trẻ chứng kiến bạo lực gia đình không rút kinh nghiệm được từ những đau thương thời thơ ấu của bản thân mà thường phát triển trở thành những cha mẹ tồi tệ y như cha mẹ chúng. Cũng sẽ bạo hành thể chất và tinh thần vợ con của chính họ.
Có thể nói, những tác động của việc chứng kiến bạo hành gia đình gây ra những hậu quả lâu dài cho cá nhân đến khi trưởng thành thậm chí là vĩnh viễn. Và việc tránh xa bạo lực gia đình cũng không đủ để bù đắp lại những thiệt hại do việc chứng kiến bạo lực gây ra.
Và vì vậy, bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành và những tác nhân độc hại của bạo lực gia đình phải bao gồm cả việc bảo vệ trẻ không phải chứng kiến những hình ảnh bạo lực sợ hãi.
Cần có những chế tài và hệ thống để phát hiện sớm và hỗ trợ cho trẻ rời khỏi môi trường độc hại, để đảm bảo trẻ không bị tiếp xúc hoặc chứng kiến bạo lực
Ngoài ra, những trẻ đã chứng kiến bạo lực gia đình cần được dạy về những cách lành mạnh để giải quyết tranh chấp và quản lý cảm xúc. Chúng cần được giáo dục nâng cao nhận thức về những kỹ năng thân thiện, kỹ năng làm chủ và hiểu về các giá trị như yêu thương, chia sẻ. Hiểu được rằng bạo lực không có chỗ đứng trong các mối quan hệ tình bạn, tình yêu, tình thân.