Chưa đầy 1 tháng trước, nhiều nhà đầu tư cho rằng mức lãi suất tiền gửi 6-7%/ năm là thấp, chỉ bằng 1 phiên cổ phiếu tăng trần trên HoSE. Tuy nhiên, đến nay những người mang tâm lý “lướt sóng” trên thị trường chứng khoán lại tiếc nuối, vì âm vốn.
Tuần qua, riêng nhóm chứng khoán, 32/34 cổ phiếu giảm giá. Nhóm chứng khoán có tuần giảm điểm mạnh dưới tác động của tin đồn, các công ty chứng khoán không được phê duyệt tăng vốn. Theo thống kê của FiinGroup, các mã giảm mạnh nhất là SBS, CTS, VIG, HAC, SHS, giảm từ 13,7% - 15,6%. Các mã thanh khoản cao như SSI, VND, SHS, VCI, VIX, cũng giảm từ 6,8% - 12,8%.
Về kết quả kinh doanh, hàng loạt công ty chứng khoán lớn như SSI, VND, VCI, HCM đều công bố kết quả kinh doanh năm 2021 đạt đỉnh lịch sử.
Thanh khoản tuần qua tiếp tục sụt giảm, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên HoSE đạt 24.492 tỷ đồng, giảm 26,7% so với tuần trước đó. Cá nhân trong nước và tự doanh là bên mua ròng, trong khi tổ chức trong nước, nước ngoài bán ròng. Khối ngoại chuyển bán ròng 4.974 tỷ đồng trên HoSE, chủ yếu là do giao dịch bán ròng mạnh MSN của tổ chức nước ngoài. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 216 tỷ đồng.
Tỉ trọng phân bổ dòng tiền thay đổi giữa các nhóm ngành (Thống kê: FiinGroup) |
Top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh tuần này của khối ngoại tập trung vào VNM, VCB, VHM, MSN, DXG.
Ngược lại, họ bán ròng HPG, NVL, KBC, NLG, DGW.
Cá nhân trong nước mua ròng 5.885 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 872 tỷ đồng, giải ngân mạnh nhất ngành bất động sản: DIG, HPG, NVL, KBC APH. Ngược lại, họ bán ròng mạnh MWG, MSN, VNM, STB, DXG.
Dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, giảm ở cả nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, một phần do cổ phiếu bất động sản tăng nóng bị mất thanh khoản đầu tuần.
Nhóm ngân hàng ít chịu tác động của sự kiện Tân Hoàng Minh và FLC gần đây, đột phá trong phiên cuối tuần với thanh khoản tăng, giá tăng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng điểm trong tuần là MBB, BID, VCB, KLB, NVB, tăng từ 1,4% đến 7,3%. Đáng chú ý nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn nhà nước là VCB, BID, CTG đều tăng điểm.
Thận trọng tâm lý nghỉ Tết
Nhóm phân tích của CTCK VCBS cho rằng, tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối “dè dặt” đối với nhóm cổ phiếu trụ cột, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều diễn biến tiêu cực.
Mặt khác, thị trường đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Giai đoạn trước mắt, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, đồng thời tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến của đại dịch COVID-19 để lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục cho cả năm 2022.
Còn nhóm phân tích của CTCK SHS cho rằng, tâm lý nghỉ Tết đã xuất hiện trong tuần giao dịch qua, thể hiện qua việc thanh khoản trong tuần suy giảm khá rõ nét với chỉ khoảng gần 27.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cùng đó, bên bán cổ phiếu trước Tết chiếm ưu thế trước bên mua khiến cho VN-Index và HNX-Index giảm tuần thứ hai liên tiếp.
Chuyên gia của CTCK Mirae Asset phân tích, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vừa thoát khỏi diễn biến giảm điểm và chuyển sang đi ngang. Sau nhịp giảm sốc, tâm lý nhà đầu tư có thể vẫn còn đang có phần lo ngại, thêm vào đó là việc thị trường sắp bước vào giai đoạn nghỉ Tết âm lịch dài ngày là yếu tố sẽ khiến nhà đầu tư thận trọng hơn. Chỉ số đang gặp kháng cự tại ngưỡng MA 10 ngày (1.477) và khả năng kháng cự này sẽ gây khó khăn cho nhịp hồi phục của chỉ số trong tuần sau.
Dịp Tết Nguyên đán 2022, thị trường chứng khoán nghỉ giao dịch từ thứ Hai, ngày 31/1/2022 (tức 29 Tết Âm lịch) đến hết thứ Sáu, ngày 4/2/2022 (tức mùng 4 tết Âm lịch).