Chứng khoán Phố Wall lao dốc, các nước bơm hàng chục tỷ USD cứu nền KT

HL| 13/03/2020 09:09

Việt BáoĐại dich Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ ngày 12/03 sụt giảm ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 1987; Australia sẽ chi hơn 17 tỷ AUD phục hồi thiệt hại do Covid-19; Các nước bơm hàng chục tỷ USD để cứu nền kinh tế...

Chứng khoán Phố Wall chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987 vì Covid-19

Các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều mất điểm trong ngày 12/03. Chỉ số S&P 500 mất 26,7% giá trị trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 10%, mức sụt giảm cao nhất kể từ tháng 10/1987.

Chứng khoán sụt giảm quá nhanh tại Phố Wall đã kích hoạt công cụ ngắt mạch thị trường và khiến thị trường chứng khoán Mỹ tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút hôm 10/03. 

Các thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm 12% giá trị trong ngày tồi tệ nhất của mình ngay cả khi Ngân hàng trung ương châu Âu đã hứa mua thêm trái phiếu và gia tăng hỗ trợ kinh tế. Đây là hậu quả của việc nhiều nước trên thế giới bao gồm Mỹ ngừng các hoạt động đi lại với châu Âu cũng như lo ngại rằng Nhà Trắng và lãnh đạo nhiều nước khác sẽ không thể sớm giải quyết thiệt hại kinh tế của Covid-19.   

Diễn biến phức tạp của Covid-19 và sự sụt giảm giá trị cổ phiếu ở Phố Wall đã dẫn tới lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, trong bài phát biểu về các biện pháp đối phó với Covid-19 ngày 11/03, Tổng thống Donald Trump đã giảm nhẹ mối đe dọa về suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ và cho rằng thời điểm hiện tại chưa phải là một cuộc khủng hoảng tài chính. Ông Trump cho biết đã yêu cầu quốc hội khoản ngân sách 50 tỷ USD để cho các doanh nghiệp nhỏ vay và giảm thuế thu nhập từ lương.

Trong một thông báo bất ngờ ngày 12/03, Cục dự trữ liên bang Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ 1.500 tỷ USD nhằm giúp ổn định thị trường và tạo điều kiện cho các hoạt động giao thông.

Australia sẽ chi hơn 17 tỷ AUD phục hồi thiệt hại do Covid-19

Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 12/3, Thủ tướng Scott Morrison cho biết, chính phủ Australia sẽ chi hơn 17,6 tỷ AUD nhằm khắc phục những thiệt hại do dịch Covid-19 gây nên.

Thủ tướng Scott Morrison khẳng định, gói kích thích kinh tế này nhằm cải thiện niềm tin của người dân, của doanh nghiệp để lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

“Kế hoạch này nhằm đảm bảo người dân Australia không bị mất việc làm. Kế hoạch này đảm bảo các doanh nghiệp vẫn hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kế hoạch này sẽ khiến cho nền kinh tế Australia phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng để các khoản thu quay trở lại ngân sách”, Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh.

Gói kích thích kinh tế mà Chính phủ Australia vừa đưa ra có 4 mục tiêu: thứ nhất là hỗ trợ các khoản đầu tư của các doanh nghiệp; thứ hai cung cấp thêm tiền để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp tục hoạt động và duy trì lực lượng lao động; thứ ba là hỗ trợ các vùng, các cộng đồng và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nền và cuối cùng là hỗ trợ các hộ gia đình những khoản tiền mặt để qua đó giúp thúc đẩy tiêu dùng trong thời gian tới.
 
Cụ thể, 3,9 tỷ AUD sẽ được dùng khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư. 6,7 tỷ AUD sẽ được dùng để cấp khoản hỗ trợ tài chính từ 2000 AUD đến 25 nghìn AUD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 1,3 tỷ AUD sẽ được cấp cho các doanh nghiệp để thực hiện việc đào tạo nghề và hỗ trợ những người đang học việc. 1 tỷ AUD sẽ được dùng để hộ trợ các vùng, cộng đồng và các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề từ COVID19. 4,8 tỷ AUD sẽ được chi để hỗ trợ các gia đình đang nhận trợ cấp của chính phủ với số tiền là 750 AUD cho một người.

Gói kích thích kinh tế này sẽ được triển khai từ nay cho đến tháng 6/2021. Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết, đa phần số tiền trong gói kích thích này sẽ được chi từ bây giờ cho đến tháng 6 năm nay để kịp thời thêm niềm tin, thúc đẩy tiêu dùng.

Các nước bơm hàng chục tỷ USD để cứu nền kinh tế

Tại Đức, chính phủ nước này lần đầu tiên tuyên bố sẵn sàng từ bỏ quy tắc bất khả xâm phạm là đảm bảo "thâm hụt ngân sách bằng 0".

Liên minh châu Âu (EU) công bố Quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ euro. Italia cũng thông qua khoản ngân sách tương tự để hỗ trợ nền kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết chính phủ nước này sẽ chi tới gần 39 tỷ USD để hạn chế tác động của dịch Covid 19 đối với nền kinh tế. Ngân hàng trung ương Anh trước đó tuyên bố cắt giảm lãi suất khẩn cấp.
 
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định bơm 1.200 tỷ NDT (174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để giải cứu nền kinh tế đang lao đao vì dịch do virus SARS-CoV-2.

Chính quyền Trung Quốc cam kết sử dụng hàng loạt công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thị trường tài chính ổn định và hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch virus viêm phổi cấp bùng phát từ Vũ Hán.

Ước tính khoảng 150 tỷ NDT (tương đương 22 tỷ USD) được phân bổ để hỗ trợ trực tiếp các hoạt động kinh tế. PBOC cũng yêu cầu các tổ chức tài chính cung cấp nguồn lực tín dụng đầy đủ cho các bệnh viện và cơ quan y tế.

Năm 2019, tăng trưởng GDP Trung Quốc sụt xuống 6,1%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Các nhà kinh tế cảnh báo tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể suy giảm sâu trong năm nay nếu dịch Covid-19 kéo dài.

Hàn Quốc đã công bố gói kích thích 11.700 tỷ won (tương đương 9,8 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế, ngăn chặn dịch bệnh ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và làm suy yếu tiêu dùng trong bối cảnh Hàn Quốc đang là ổ dịch lớn thứ hai ở bên ngoài Trung Quốc. Hàn Quốc sẽ ưu tiên các chính sách nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Nhật Bản, chính phủ vừa thông báo một loạt các biện pháp tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết, chính phủ sẽ khai thác phần còn lại của dự trữ ngân sách tài chính năm nay, trị giá khoảng 270 tỷ yên (tương đương 2,62 tỷ USD), cho các gói hỗ trợ cho nhiều đối tượng như: Phụ huynh phải nghỉ làm để quản lý con cái do trường học đóng cửa, tăng cường cho các cơ sở y tế; tập trung vào những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ...

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố ngân quỹ 12 tỷ USD hỗ trợ các nước ứng phó với tác động kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra. Quỹ 12 tỷ USD là vốn vay được xét duyệt nhanh, với lãi suất rất thấp để giúp các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển cải thiện dịch vụ y tế, đẩy mạnh giám sát dịch bệnh và tăng cường phối hợp với lĩnh vực tư nhân. 

Tiếp sau WB, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cũng công bố gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD để giúp các nước thu nhập thấp cùng các thị trường mới nổi chống lại vi rút SARS-CoV-2.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán Phố Wall lao dốc, các nước bơm hàng chục tỷ USD cứu nền KT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO