Chứng khoán ngày 19/10: Cổ phiếu vốn hóa lớn trì trệ, thanh khoản sụt giảm

19/10/2022 13:21

Thị trường chứng khoán giao dịch khá buồn tẻ trong phiên 19/10 với thanh khoản khá thấp. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trì trệ, qua đó gây áp lực lên chỉ số VN-Index.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 19/10, sức cầu thấp nhưng áp lực bán ra không còn nhiều. Điều này giúp chỉ số VN-Index có nhiều lúc ở trạng thái xanh, tăng giá. Tuy nhiên, sự mong manh thấy rõ và nhiều lúc chỉ số này đã giảm điểm.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán không cải thiện trong nhiều phiên gần đây, thậm chí có xu hướng đi xuống.

Nhiều cổ phiếu trụ cột, trong nhóm VN30 giảm giá nhẹ như nhóm bất động sản, ngân hàng. Nhiều ngân hàng báo cáo lợi nhuận quý III/2022 tăng và theo ước tính của SSI Research, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng là rất tốt.

Tuy nhiên, sức cầu thấp, trong khi vẫn có những đợt bán ra đều đặn đã khiến nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có cả nhóm ngân hàng tiếp tục ở trạng thái thiêu cực, khó đi lên sau chỉ 1-2 phiên hồi phục.

Trên hệ thống ngân hàng, tình trạng thanh khoản được cải thiện. Sau gần 3 tuần phải bơm hỗ trợ thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu hút tiền trở về trong phiên 18/10. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm khá mạnh, từ mức gần 8,5% hôm 5/10 về mức 4,1%/năm hôm 17/10.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về khả năng dòng tiền sẽ chưa vào thị trường chứng khoán cho dù giá nhiều cổ phiếu đã ở đáy 1-2 năm. Áp lực tất toán nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm nay có thể khiến nhiều tổ chức chưa sẵn sàng bắt đáy cổ phiếu.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm. (Ảnh: Hoàng Hà)

Nhóm cổ phiếu bất động sản như Vinhomes (VHM), Phát Đạt (PDR), Novaland (NVL), Vingroup (VIC)… vẫn khá yếu.

Nhóm thép như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long bị khối ngoại bán mạnh trong 2 phiên qua.

Nhóm bán lẻ và tiêu dùng như Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài, Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang… cũng chịu áp lực giảm.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại về tình trạng thanh khoản trên thị trường bất động sản khi mà tín dụng bị thắt chặt, nguồn tiền từ kênh trái phiếu doanh nghiệp co lại, còn thị trường chứng khoán đi xuống.

Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại tăng mạnh lãi suất để huy động thêm vốn. Mặt bằng lãi suất trên 8% đã phổ biến. Có ngân hàng đã nâng lãi suất kỳ hạn 3 năm lên tới 9,5%/năm cho khoản vay từ 300 triệu đồng trở lên. Khoản vay dưới 300 triệu đồng là 9,2-9,4%/năm.

Nhiều doanh nghiệp và công ty chứng khoán hiện còn nắm giữ/phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kết quả của đợt tăng trưởng bùng nổ của thị trường trái phiếu hồi 2019-2021. Nhiều nhóm đáo hạn vào cuối năm nay.

Trên thế giới, tình cảnh ở Trung Quốc không mấy sáng sủa. Thị trường chứng khoán và bất động sản kém tích cực.

Còn tại Mỹ, thị trường cổ phiếu tăng mạnh trong 2 phiên vừa qua khi có tín hiệu cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới có thể không rơi vào tình trạng suy thoái. Sức tiêu dùng tại Mỹ vẫn tăng khá mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán ngày 19/10: Cổ phiếu vốn hóa lớn trì trệ, thanh khoản sụt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO