Giao dịch sôi động
Ngày 22/8, thị trường chứng khoán ghi nhận thêm một phiên với cả tỷ cổ phiếu được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tính chung trên cả 3 sàn, có hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng. Quy mô giao dịch tỷ USD/phiên vẫn được duy trì. Đây cũng là con số về giao dịch lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
VN-Index có lúc giảm 25-30 điểm nhưng vào cuối phiên hồi phục và chuyển sang màu xanh tăng giá lên trên ngưỡng 1.180 điểm khi lực cầu cổ phiếu rất lớn, nhất là với nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán là tâm điểm trong phiên giao dịch 22/8 với hàng loạt mã tăng mạnh, tỏa sáng từ giữa buổi sáng cho tới hết phiên chiều. Chứng khoán SSI (SSI) tăng 6,4% với thanh khoản hiếm có, khi gần 52 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Nhiều mã như Chứng khoán VCI, Chứng khoán SHS, Chứng khoán MBBank (MBS), VNDirect (VND)… đều tăng mạnh từ gần 3% tới hơn 5%.
Trước đó ngày 18/8, HOSE ghi nhận một kỷ lục mới với 1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh, cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Tổng giá trị được chuyển nhượng khoảng 1,5 tỷ USD.
Kỷ lục giao dịch trên sàn HOSE thiết lập trong bối cảnh chỉ số VN-Index mất hơn 55 điểm (tương đương giảm 4,5%) về mức 1.177,99 điểm. Hàng trăm mã cổ phiếu giảm sàn. Vốn hóa HOSE bốc hơi hơn 9 tỷ USD xuống còn khoảng 195 tỷ USD.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh trong thời gian qua trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động trở lại trong nhiều tháng qua và hưởng lợi kép từ sự hồi phục của thị trường cổ phiếu nói chung cũng như thanh khoản tăng cao trên 3 sàn giao dịch.
Giới đầu tư tỏ ra hào hứng với thông tin hệ thống giao dịch KRX với nền tảng cộng nghệ hiện đại từ Hàn Quốc sẽ được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023. Hệ thống được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam như: Giao dịch trong ngày (T+0), bán khống (short selling), rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)... KRX cũng là tiền đề cho việc tiến tới nâng hạng TTCK.
Cuối năm, chứng khoán là kênh hút dòng tiền?
Cú sụt giảm mạnh nhưng chứng kiến một lường tiền lớn đổ vào hôm 18/8 cũng như phiên đảo chiều từ giảm gần 30 điểm trong buổi sáng sang tăng nhẹ vào buổi chiều khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có dòng tiền bắt đáy trên TTCK.
Đây là điều rất nhiều nhà đầu tư đặt ra trong bối cảnh lãi suất huy động vốn giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng giảm nhưng tiền bơm ra nền kinh tế rất thấp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cho vay của hệ thống ngân hàng bất ngờ tăng trưởng âm trong tháng 7. Tính chung trong 7 tháng, tín dụng cho nền kinh tế đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,56% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 14-15%. Nguyên nhân là sức cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 và còn bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Trên hệ thống ngân hàng đang dồi dào thanh khoản. Các ngân hàng vay mượn lẫn nhau ít và lãi suất rất thấp. Lãi suất cho vay qua đêm ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 0,2%/năm.
Dòng tiền “không biết chảy về đâu” được xem là có thể chảy vào chứng khoán khi các kênh đầu tư khác vẫn gặp khó.
Thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy, trong tháng 7, số tài khoản chứng khoán mở mới đạt hơn 150.000, cao nhất trong vòng 11 tháng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp nhà đầu tư nội mở mới trên 100.000 tài khoản chứng khoán.
Về ngành chứng khoán, theo VNDirect, trong bối cảnh hiện nay khi Nhà nước kịp thời ban hành các chính sách tài chính, tiền tệ tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, thì các doanh nghiệp trong đó có các công ty chứng khoán hy vọng sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2023.
VNDirect cho rằng, ngành chứng khoán Việt Nam là một trong những ngành đầu tư hấp dẫn nhất với tính thâm nhập thấp và thu nhập gia tăng. TTCK có dấu hiệu tăng nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, từ đó làm thúc đẩy kết quả kinh doanh của ngành chứng khoán.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường của VNDirect, gần đây xuất hiện tín hiệu phục hồi kinh tế rõ nét hơn. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu phục hồi rõ rệt hơn trong tháng 7.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ, cải thiện rõ rệt so với mức tăng 1,8% trong tháng trước. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 7 cũng có sự cải thiện nhẹ.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh hơn nhằm đón đầu sự phục hồi của xuất khẩu. FDI đăng ký tăng 86% so với cùng kỳ lên 2,8 tỷ USD trong tháng 7. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới tăng 85,3% lên 1,4 tỷ USD.
Chuyên gia của VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm đáng kể trong những tháng còn lại của năm do chi phí vốn của các NHTM đang giảm theo sau việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành trước đó. Thông tư 02 cho phép gia hạn trích lập dự phòng nợ xấu. Lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm thêm 100-150 điểm cơ bản cho đến cuối năm 2023 và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Dù vậy, TTCK cũng được cảnh báo có thể chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá. Áp lực lên tỷ giá hối đoái gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8, khi tỷ giá USD/VND tăng lên ngưỡng 24.000 đồng (tăng khoảng 1,4% so với đầu năm).
Trong nửa cuối năm, một số yếu tố có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá, gồm: chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thu hẹp do lãi suất điều hành của Fed được dự báo sẽ duy trì ở mức đỉnh cho đến cuối năm 2023, trong khi NHNN vẫn định hướng giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Sau động thái nâng trần nợ công, chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách, đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng tiền tệ sẽ gây áp lực lên đồng NDT. Trong quá khứ, đồng VND có tương quan cao với NDT. Một yếu tố nữa là, áp lực lạm phát trong nước có thể gia tăng tăng từ cuối quý III.