Tưởng chừng sẽ có một phiên bứt phá nhờ khởi đầu thuận lợi trong sáng 24/2, thế nhưng, thị trường chứng khoán đã khiến nhà đầu tư hoang mang cực độ trong suốt thời gian còn lại, đặc biệt vào phiên chiều.
Vào đầu phiên hôm qua, thị trường mở cửa tăng điểm và rung lắc trong suốt buổi sáng. Đến đầu giờ chiều, các chỉ số đồng loạt lao dốc. VN-Index có lúc mất hơn 20 điểm, lùi về sát 1.154 điểm.
Những nỗ lực bắt đáy của nhà đầu tư cũng chỉ giúp chỉ số thu hẹp biên độ giảm và VN-Index đóng cửa vẫn bị thiệt hại khá nặng, mất 15,63 điểm tương ứng 1,33% xuống còn 1.162,01 điểm.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index hồi phục cuối phiên, giảm 0,9 điểm tương ứng 0,37% còn 237,89 điểm; UPCoM-Index giảm 0,24 điểm tương ứng 0,32% còn 76,22 điểm.
Ở phiên này, thanh khoản thị trường vẫn tích cực, khớp lệnh tăng 1,7% so với phiên 23/2, đạt 18.443,4 tỷ đồng. Trong đó, trên HSX là 14.828,2 tỷ đồng, trên HNX là 2.454,4 tỷ đồng và trên UPCoM là 1.160,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chiếm 7% tổng giá trị giao dịch, đạt 1.289,9 tỷ đồng.
Với mức thanh khoản nói trên, tình trạng "nghẽn", "đơ", "loạn giá" tiếp tục tái diễn tại sàn HSX. Ở nhiều thời điểm trong phiên, nhà đầu tư hoàn toàn "bó tay" với việc đưa ra quyết định bởi lệnh đặt không gửi được, không khớp đã đành, việc đặt lệnh lại tựa như "bịt mắt dò đường" vì giá hiển thị trên bảng điện tử không đúng với giá thật.
Một chuyên gia kỳ cựu thậm chí đã khuyên nhà đầu tư cần kiên nhẫn, ít nhìn bảng, hạn chế giao dịch vì theo ông "bảng toàn sai, nhìn làm gì".
Chẳng hạn, bảng giá tại thời điểm 13h14 hầu như "đơ" toàn tập. Đồ thị VN-Index đứng yên tại 1.163,57 điểm, ghi nhận mất 14,07 điểm tương ứng 1,19%, phải mất khoảng 10 phút sau chỉ số mới ghi nhận sự biến động.
Đây cũng là lúc thị trường lao dốc và tâm lý lo sợ của nhà đầu tư càng lớn thêm. Trên các diễn đàn, các nhóm chat về chứng khoán ở các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, nhà đầu tư đồng loạt "kêu than" về sự cố gây ức chế này.
Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã họp với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) và các các công ty chứng khoán lớn để bàn về nguyên nhân, giải pháp, thế nhưng trong gần 3 tháng qua, sự cố vẫn xuất hiện, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà đầu tư, đó là điều khó chấp nhận.
Theo giải thích của cơ quan quản lý, "nghẽn lệnh" là do "năng lực thiết kế của hệ thống giao dịch của HSX có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua".
Một số nhà đầu tư phản ánh, có hiện tượng chia nhỏ lệnh, "xé" lệnh, robot đặt lệnh tự động, đặt lệnh, sửa lệnh, hủy lệnh liên tục… Đây cũng là nguyên nhân khiến hệ thống quá tải.
Thế nhưng, điều lạ là có những phiên, hệ thống vẫn vận hành trơn tru dù thanh khoản đạt 16.000 tỷ đồng nhưng có phiên, từ buổi sáng đã "đơ", chạm 13.000 tỷ đồng đã không thể nào đặt lệnh.
Nhiều nhà đầu tư bức xúc đề nghị lãnh đạo HSX, mà cụ thể là ông Lê Hải Trà cần có những hành động tích cực hơn và kịp thời hơn để đảm bảo sự ổn định cho thị trường.
Về phiên giảm sâu hôm qua, ngoài tác động liên quan đến sự cố kỹ thuật, nhà đầu tư cũng tỏ ra hoang mang vì không rõ lý do khiến thị trường giảm điểm và tạo áp lực bán mạnh như vậy.
Chuyên gia VDSC đánh giá, thị trường đã đánh mất vị thế tích cực trong phiên chiều và gây trở ngại lớn cho nỗ lực vượt vùng thử thách. Tuy nhiên, động thái này khá thụ động do ảnh hưởng tâm lý từ diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Châu Á.
Chưa hết, áp lực bán đang được hấp thụ ở vùng giá thấp trong phiên và thị trường có động thái hồi nhẹ vào giai đoạn cuối phiên. Điều này cho thấy yếu tố tiêu cực chưa mạnh và thị trường vẫn đang được hỗ trợ. Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị tạm thời vẫn có thể nắm giữ danh mục chiến lược và chờ tín hiệu cụ thể hơn từ thị trường.
Mai Chi