Thị trường chứng khoán tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến xu hướng sụt giảm mạnh mẽ trong phiên mở cửa đầu tuần này. Tại phiên cuối cùng vào tuần trước, nhiều chỉ số quan trọng trên thế giới cũng ghi nhận tình trạng bán tháo ồ ạt.
Ở Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong dẫn đầu khu vực với mức giảm 4,14%, SSE Composite của Thượng Hải giảm 1,43% còn SZSE Composite của Thâm Quyến giảm 2,57%.
Bên cạnh đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 3,11% trong khi Topix giảm 2,88%; Kospi của Hàn Quốc giảm 2,2%; S&P/AXS của Australia giảm 0,87%; VN-Index của Việt Nam giảm nhẹ 0,37%.
Chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản giảm hơn 2,2%.
Trước đó, hợp đồng tương lai của cổ phiếu Mỹ cũng giảm mạnh hôm 6/3. Trong đó, chỉ số Dow Jones tương lai giảm 400 điểm, tương đương 1,19%; S&P 500 tương lai giảm 1,5%; Nasdaq 100 giảm 1,91%.
Rạng sáng 7/8, giá hai loại dầu là WTI và Brent đều bật tăng trên 125 USD/thùng sau khi xuất hiện thông tin Nhà Trắng xem xét các biện pháp cấm vận dầu thô và khí tự nhiên từ Nga. Nếu lệnh được ban hành, nguồn cung dầu thô cho thế giới, đặc biệt là các nước khu vực châu Âu, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Vivek Dhar, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Commonwealth Bank Australia, tin rằng việc giá dầu brent tăng lên 150 USD/thùng trong bối cảnh hiện tại vẫn hợp lý.
Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) hôm 6/3 cho biết giá xăng trong nước đã tăng 11% trong tuần qua và đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 7/2008. Hiện giá xăng loại thông thường của Mỹ đạt 4,009 USD/gallon. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng tại Mỹ đã tăng 45%.
Ngoài dầu thô, giá vàng trong hôm nay bất ngờ vượt mốc 2.000 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng đã phá đỉnh lịch sử sau khi tăng lên 71 triệu đồng/lượng.(Nguồn: Zing News)