Chứng khoán 2022 - khối ngoại mua ròng tỷ USD, ghi kỷ lục thập kỷ

30/12/2022 06:56

Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng kỷ lục trong quý IV/2022 khi thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Đây cũng là điều mà khối ngoại thường làm trong cả thập kỷ qua, mỗi khi giá cổ phiếu lao dốc.

Mua ròng kỷ lục trong quý IV

Tổng giá trị mua ròng lũy kế của các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) từ đầu năm đến hết ngày 28/12 đạt 28.600 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD).

Chỉ riêng trong quý IV/2022, khi thị trường chứng khoán giảm mạnh và định giá chạm mức thấp nhất lịch sử 10 năm, dòng vốn ngoại đã giải ngân kỷ lục, đạt 29.160 tỷ đồng.

Tổng giá trị mua ròng từ đầu tháng 11 tới hết ngày 28/12 đạt khoảng 30.840 tỷ đồng. Đây cũng là khoảng thời gian chỉ số VN-Index lập đáy 873 điểm (vào sáng ngày 16/11).

Trong 3 phiên đầu tiên của tuần cuối năm 2022 từ 26-28/12, các nhà đầu tư nước ngoài giảm mua do bước vào đợt nghỉ lễ Noel và Tết dương lịch. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 1.667 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt Nam. Đây là đợt mua ròng với tốc độ nhanh và khối lượng lớn kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 22 năm qua.

Gần đây, khối ngoại tập trung mạnh mua một số mã bất động sản, ngân hàng, chứng khoán và tiêu dùng như: Vinhomes (VHM), Nhà Khang Điền (KDH), Vingroup (VIC), Sacombank (STB), Chứng khoán SSI (SSI), VietinBank (CTG), Masan (MSN), Vinamilk (VNM), giá trị hàng trăm cho tới cả nghìn tỷ đồng/mã.

Chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 16%, từ mức 873 điểm ghi nhận vào sáng 16/11 lên trên 1.015,66 điểm hôm 28/12.

Trong thập kỷ qua, khối ngoại đẩy mạnh mua vào mỗi khi thị trường chứng khoán giảm sâu. (Nguồn: FIDT)

Vốn Thái, Hàn, Đài Loan (Trung Quốc) đổ dồn vào Việt Nam

Trong năm 2022, giá cổ phiếu giảm mạnh và VN-Index từ đỉnh cao 1.520 điểm hồi đầu tháng 4 về 873 điểm, khối ngoại đã có 6 tháng mua ròng cổ phiếu Việt, trong tổng số 12 tháng.

Khối ngoại bán ròng trong 6 tháng: 1,2, 3, 7, 9 và 10 với tổng cộng hơn 11.700 tỷ đồng, nhưng mua ròng hơn 40.350 tỷ đồng trong các tháng còn lại. Chung cuộc, từ đầu năm, khối ngoại mua ròng gần 28.650 tỷ đồng.

Các gương mặt nổi bật là các quỹ của Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc... Một số quỹ mua nhiều cổ phiếu Việt như Fubon( Đài Loan) , VNM (US), DR Diamond của Thái, Dragon Capital...

Quỹ ETF Fubon đã được phép huy động thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam trong tháng 12 và năm 2023.

Diễn biến mua bán của khối ngoại theo tháng trong năm 2022. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Có nhiều lý do dẫn tới việc khối ngoại mua ròng, nhưng theo đánh giá chung của nhiều công ty chứng khoán, là do: chứng khoán Việt Nam hấp dẫn trong trung và dài hạn, do vĩ mô ổn định (lạm phát thấp, đồng VND giảm ít), kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, cổ phiếu Việt có định giá hấp dẫn (sau đợt tụt giảm mạnh)....

Theo VnDirect, P/E của VN-Index đang ở quanh mức 10-11 lần; dự báo sẽ đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023. Các doanh nghiệp niêm yết sẽ ghi nhận mức lợi nhuận tăng 14% trong 2023.

USD giảm giá mạnh, dòng tiền đổ vào cổ phiếu thị trường mới nổi

Dòng tiền ngoại đổ mạnh vào cổ phiếu các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh đồng USD gần đây sụt giảm, nguy cơ suy thoái ở các quốc gia phát triển rõ nét hơn và Trung Quốc nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.

Dòng tiền có tín hiệu đảo chiều theo những biến động của đồng USD sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu giảm tốc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế số 1 thế giới.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - tính tới 29/12 giảm 9,5% so với đỉnh ghi nhận hôm 28/9 (115 điểm) xuống còn 104,06 điểm.

Diễn biến đồng USD tại Vietcombank trong 3 tháng cuối năm 2022. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Trong tháng 11, theo SSI Research, dòng tiền vào các tài sản tài chính cải thiện, đặc biệt là dòng vốn vào thị trường mới nổi (EM). Các quỹ cổ phiếu vào ròng nhẹ 6,5 tỷ USD, trong đó dòng vốn vào các quỹ châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) vào ròng 9,6 tỷ USD.

Tính chung 11 tháng, phân bổ dòng tiền chủ yếu vẫn vào các quỹ cổ phiếu (+207 tỷ USD), trong khi đó các quỹ trái phiếu rút ròng 252 tỷ USD.

Trong khi đó, câu chuyện về việc Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách Covid-19 cũng giúp dòng tiền vào mạnh các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Dòng tiền tích cực lan tỏa ở nhiều quỹ ETF. Nổi bật nhất là các quỹ Fubon, VNDiamond, VanEck, VFM VN30, VNFIN Lead, và FTSE Vietnam. Lũy kế 11 tháng đầu năm, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục là 18.849 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.522 tỷ đồng của cả năm 2021.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chung-khoan-2022-khoi-ngoai-rot-rong-ty-usd-ghi-ky-luc-thap-ky-2095266.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/chung-khoan-2022-khoi-ngoai-rot-rong-ty-usd-ghi-ky-luc-thap-ky-2095266.html
Bài liên quan
  • Khối ngoại đảo chiều mua ròng, VN-Index vượt mốc 1.265 điểm
    Phiên giao dịch ngày 18/12, sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường tiếp tục phân hóa, giao dịch ảm đạm. Cuối phiên, lực cầu gia tăng với sắc xanh lan tỏa khắp các nhóm ngành cổ phiếu đã giúp chỉ số chung nới rộng đà tăng. Chốt phiên, VN-Index tăng 4,28 điểm lên mức 1.266,0 điểm.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán 2022 - khối ngoại mua ròng tỷ USD, ghi kỷ lục thập kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO