Chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

03/03/2023 14:59

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam vừa trưng bày tấm bản đồ cổ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” tại phòng trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa biển Việt Nam” do TS Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam trao tặng.

Bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc do nhà Thanh xuất bản năm 1904, thể hiện rõ cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Đây là tấm bản đồ có giá trị và ý nghĩa lịch sử lớn, góp phần quan trọng để du khách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc có thêm tư liệu, bằng chứng khách quan, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Báo Quân đội nhân dân ghi nhận một số ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân trong những ngày đầu trưng bày hiện vật quý này.

cckh_1(2).jpg
GS sử học Lê Văn Lan

Sự thật lịch sử chỉ có một, những lý lẽ khác đưa ra là để bao biện

Quan điểm của tôi giống tất cả các nhà sử học khác coi tấm bản đồ “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là chứng cứ chắc chắn, trung thực, rõ ràng và phản ánh trung thực sự thật lịch sử. Nó không những hợp pháp, hợp lý mà còn thuyết phục tất cả chúng ta, nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Trung Quốc rằng: Sự thật lịch sử chỉ có một, những lý lẽ khác đưa ra để bao biện cho những toan tính hòng đi ngược lại lịch sử, phủ nhận những điều đã được thực tế lịch sử công nhận, ghi lại sẽ không thể thuyết phục được nhận thức chung của nhân loại. Tôi cho rằng, trước bằng chứng lịch sử có giá trị này, tất cả những lý lẽ khác đưa ra đều không có giá trị, ngụy tạo và vô căn cứ.

cckh_2.jpg
PGS, TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Căn cứ khoa học khó có thể chối bỏ

Chúng ta đều biết “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được in ra năm 1904, tái bản năm 1910 dưới triều đại nhà Thanh, vương triều cuối cùng của xã hội phong kiến Trung Quốc với sự giúp đỡ của các chuyên gia phương Tây. Đây là tấm bản đồ hiện đại thể hiện rõ ràng cả kinh tuyến, vĩ tuyến… những căn cứ khoa học không những được nhân dân Trung Quốc mà cả thế giới công nhận, khó có thể chối bỏ. Nhìn vào tấm bản đồ này, chúng ta có chung nhận thức rằng, cương vực tận cùng phía Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

Chứng cứ lịch sử đã rõ ràng và không có điều gì thuyết phục hơn. Việc có những lời nói, hành động đi ngược lại sự thật lịch sử ấy không những làm trái với sử sách, sự răn dạy của tiền nhân mà rõ ràng là bất hợp pháp.

Tôi cho rằng, ngoài “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” chúng ta còn rất nhiều chứng cứ lịch sử khác khẳng định quyền làm chủ của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc công bố rộng rãi các chứng cứ lịch sử ấy cho người dân, bạn bè thế giới, nhân dân Trung Quốc biết là cách để bảo vệ tình hữu nghị, đoàn kết của Đảng, quân đội và nhân dân hai nước nói riêng, giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và toàn thế giới nói chung. Đó cũng là thiện chí của chúng ta.

cckh_3.jpg
GS, NGND Đinh Xuân Lâm

Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa có từ lâu rồi

Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ta cần khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chủ quyền đó từ rất lâu rồi. Trung Quốc trước kia cũng không bao giờ đặt vấn đề tranh chấp về chủ quyền trên hai quần đảo này.

Lần này, với tấm bản đồ được TS Mai Ngọc Hồng trao tặng do chính người Trung Quốc in, thể hiện rõ ranh giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Như vậy là người Trung Quốc qua tấm bản đồ này đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa không phải là của họ.

Nhìn lại lịch sử chúng ta đều biết, triều đình nhà Nguyễn trước đây vẫn thường xuyên cử người ra Hoàng Sa và Trường Sa chiếm cứ, khẳng định chủ quyền và khai thác tài nguyên. Điều này được thể hiện qua nhiều chứng cứ lịch sử đã và đang được công bố mà “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là một ví dụ. Việc giới thiệu “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” để nhân dân, bạn bè thế giới, nhân dân Trung Quốc biết là việc làm cần thiết.

cckh_4.jpg
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trong nhận thức của người Trung Quốc, chủ quyền chỉ đến đảo Hải Nam

Đây là tấm bản đồ rất có giá trị, là hiện vật có niên đại hơn 100 năm, thể hiện sự phát triển của bản đồ học Trung Quốc thời cận đại (nhà Thanh). Bản đồ này cho chúng ta thông điệp, năm 1904, trong nhận thức của người Trung Quốc, chủ quyền đất nước này chỉ đến đảo Hải Nam. Điều đó bổ sung vào chứng lý chủ quyền của Việt Nam rằng, Việt Nam thể hiện chủ quyền của mình từ rất lâu trong thư tịch, hành vi, trong bản đồ.

cckh_5.jpg
Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng bên cạnh "Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do ông hiến tặng. Ảnh do Bảo tàng LSVN cung cấp

Sự thật không thể bác bỏ dưới bất cứ lý lẽ ngụy tạo nào

Khang Hy là ông vua đầu tiên của Trung Quốc khởi xướng việc làm tấm bản đồ này, sau đó được chuyển giao cho các thế hệ con cháu. Trong suốt 196 năm liên tục chỉnh sửa và có sự tham gia của nhiều nhà khoa học phương Tây, tấm bản đồ mới được hoàn thiện. Bản đồ khi hoàn thành gồm có 15 tỉnh, được in theo kỹ thuật của phương Tây, rất khoa học và chính xác. Tên bản đồ là “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, trong đó chữ “toàn đồ” có nghĩa là trọn vẹn bản đồ của đất nước Trung Hoa mà nhìn bản đồ ta thấy cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Sự thật ấy không thể bác bỏ dưới bất cứ lý lẽ ngụy tạo nào.

Bác Trần Tuấn Cường (73 tuổi, nguyên đạo diễn, nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam, C24, ngõ 132, Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội):

Tấm bản đồ cần được in sao để nhân dân Trung Quốc và thế giới biết.

Tôi vốn học sư phạm ở Trung Quốc sau đó tiếp tục nghiên cứu lịch sử Việt Nam, do đó có điều kiện nhìn nhận vấn đề này ở nhiều góc độ. Được tận mắt xem tấm bản đồ này, nhìn sự thật lịch sử này, tôi cho rằng nó cần được in sao để nhân dân Trung Quốc và thế giới biết.

cckh_6.jpg
Bác Vũ Văn Hiến (đầu tiên, từ trái sang), bác Trần Tuấn Cường (thứ hai, từ trái sang)

Đây là lần đầu tiên tôi được thấy tấm bản đồ này

Đây là một bằng chứng không thể chối cãi, bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ khẳng định cương vực Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Công bố tấm bản đồ này, người Việt Nam có thêm bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bài liên quan
  • Chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
    Nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình, liên tục và không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.
  • 30 năm UNCLOS: ‘Cơ chế sống’, bền vững vượt thời gian
    Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có “tuổi đời” khoảng 50 năm kể từ khi bắt đầu đàm phán và tròn 30 năm kể từ khi có hiệu lực thực thi. Suốt hành trình đó, không phải ngẫu nhiên UNCLOS được các bên tham gia Công ước gửi gắm niềm tin như “la bàn của người đi biển”, được gọi tên là “hiến pháp” của đại dương.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO