Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế cho biết: Trong quá trình thực hiện BHYT cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính, chưa thuận lợi khi người bệnh đi khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh khác ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.
Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại... chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân. Vì thế, cần hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện.
Từ ngày 1.1.2016 việc thông tuyến khám chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện và từ 01.01.2021 việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú cũng tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên và giảm tỉ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở. Toàn quốc có gần 10 nghìn trạm y tế xã, phường có khám chữa bệnh ban đầu nhưng năm 2022 giảm chỉ còn chiếm 14% lượt khám chữa bệnh BHYT. Tăng số lượt khám chữa bệnh nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh…
Với điều kiện hiện nay, không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến. Lý do sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám bệnh chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Bộ Y tế đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới có đủ năng lực, được đầu tư có thể triển khai kỹ thuật và sử dụng thuốc của tuyến trên.
Tiến tới áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng. Bộ Y tế đang xúc tiến chuẩn bị phối hợp với Bộ Công an để ứng dụng các giấy chuyển tuyến, khám lại vào hệ thống VssID hoặc VNeID, người bệnh chỉ cần điện thoại, mã BHYT, mã giấy chuyển tuyến khi đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên được chuyển đến trình là có thể khám chữa bệnh. Các bệnh viện thực hiện ký số thay cho ký giấy thông thường.Hiện Quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh được phân thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật. Căn cứ năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng bệnh tật, người bệnh đến khám và điều trị tại cơ sở phù hợp.