Một khoảnh khắc thú vị trong thế giới tự nhiên đã được ghi lại tại Công viên Quốc gia Jim Corbett, bang Uttarakhand, Ấn Độ. Một du khách đã bắt gặp và quay lại cảnh tượng một con hổ Bengal đang đi dạo, nhưng đột ngột nằm ép xuống bụi cỏ ven đường như để lẩn trốn một thứ gì đó.
Chỉ vài giây sau, lý do khiến con hổ hoảng sợ đã lộ diện: một đàn voi to lớn đang băng ngang qua đường.
Sau khi đàn voi đi qua, con hổ tiếp tục hành trình của mình. Tuy nhiên, "chúa sơn lâm" không ngờ rằng vẫn còn sót lại một con voi đi cuối đàn. Khi thấy hổ, con voi này rống lên và lao đến đầy đe dọa, khiến hổ phải hốt hoảng bỏ chạy.
Đoạn clip này đã chứng minh rằng dù mang danh "chúa tể sơn lâm", hổ hoàn toàn biết được mình không phải là đối thủ của voi trong một cuộc chiến tay đôi, đặc biệt khi đàn voi có lợi thế lớn về số lượng. Hổ hiểu rằng nếu xảy ra đụng độ, nó sẽ phải hứng chịu thất bại.
Hổ là loài động vật sống và săn mồi một mình, do vậy chúng luôn tìm cách né tránh những cuộc đụng độ không cần thiết, nhất là với những loài động vật có kích thước lớn và đầy sức mạnh như voi hay gấu. Nếu hổ bị thương trong những cuộc chiến này, khả năng săn mồi và sinh tồn của chúng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về phần voi, dù vượt trội hổ về kích thước lẫn sức mạnh, voi cũng không muốn đối đầu với hổ trong cuộc chiến một mất một còn. Voi thường chủ động đe dọa và xua đuổi hổ để đề phòng trường hợp hổ âm thầm tiếp cận và tấn công những con non trong đàn.
Hổ Bengal là một trong những loài hổ lớn nhất thế giới, phân bố chủ yếu tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan và miền nam Tây Tạng. Chúng là biểu tượng của Ấn Độ với các cá thể đực trưởng thành có thể dài từ 1,8 đến 2,7m (chưa tính đuôi) và nặng từ 180 đến 300kg. Hổ cái trưởng thành dài khoảng 1,5 đến 1,8m (chưa tính đuôi) và nặng từ 110 đến 200kg.
Thức ăn chủ yếu của hổ Bengal là các loài động vật có kích thước từ trung bình đến lớn như nai, lợn rừng, hươu sao, sơn dương, linh dương bò lam, bò tót, và trâu nước.
Dù hổ ít khi đụng độ và luôn tìm cách lẩn trốn khi gặp voi, tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp hổ tấn công và giết chết voi trong tự nhiên. Chẳng hạn như trường hợp vào năm 2009, một con voi trong khu bảo tồn thiên nhiên Eravikulam, bang Kerala, Ấn Độ, đã bị hổ tấn công và giết chết.