Chưa giảm được chi phí khám chữa bệnh từ tiền túi của người dân

Thùy Linh-Trần Vương| 08/11/2023 13:06

Đại biểu Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương có đề cập đến về mục tiêu giảm bớt tỉ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi khám chữa bệnh nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện còn chưa hiệu quả.

Chưa giảm được chi phí khám chữa bệnh từ tiền túi của người dân
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề chi phí y tế từ tiền túi người dân. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Triển khai thực hiện giảm chi phí y tế từ tiền túi bệnh nhân chưa hiệu quả

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho biết: Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương có đề cập đến mục tiêu giảm bớt tỉ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi thực hiện dịch vụ y tế, tuy nhiên, đến nay, có thể thấy việc triển khai thực hiện còn chưa hiệu quả.

"Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu này?" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan về giảm chi phí điều trị cho người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đây là vấn đề được ngành Y tế rất quan tâm. Vì vậy, để giảm tiền túi của người dân cần chuyển đổi mô hình bệnh tật bền vững, tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân giảm gánh nặng bệnh tật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, mô hình bệnh tật ở nước ta đã thay đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, trong khi đó nhiều người có bệnh rồi mới đi khám, khiến chi phí khám chữa bệnh rất cao và hiệu quả chăm sóc y tế kém.

Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm, cũng cần tăng cường nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tăng cường độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm y tế.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ tiền túi của người dân phải bỏ ra cho công tác chăm sóc y tế nếu đạt mức 30%, đó mới là hệ thống y tế bền vững. Vì vậy, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Bộ trưởng Y tế nói về vấn đề bổ sung i-ốt trong thực phẩm

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân cần tiếp cận rất thận trọng.

“Tuy nhiên, tại Nghị định 09 ban hành tháng 1.2016 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10.2017, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc các Sở Y tế khi thanh tra, kiểm tra thì chỉ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i-ốt, không thanh tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng i-ốt. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19 yêu cầu sửa đổi Nghị định số 09 với nội dung và phương án rất cụ thể. Đây không chỉ liên quan đến muối i-ốt mà cả về vấn đề tăng cường kẽm trong chế biến thực phẩm” - đại biểu Đỗ Đức Hiển cho hay.

"Như vậy, có vẻ không nhất quán trong cách chỉ đạo về vấn đề này" - đại biểu Hiển tranh luận.

Về câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hiển liên quan đến i-ốt trong thực phẩm, bộ trưởng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phải đánh giá tác động và đối thoại với doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa giữa công tác chăm sóc sức khỏe với quyền lợi của các doanh nghiệp.

Mới đây, công văn số 1526 ngày 10.3.2023 của Văn phòng Chính phủ đã giao cho các Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thông tin tuyên truyền, đối thoại nhằm tăng cường đồng thuận, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09 năm 2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Bộ trưởng khẳng định, thực hiện chỉ đạo này, Bộ Y tế đã rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện và đã báo cáo Quốc hội. Việc thay đổi từ bắt buộc sang tự nguyện nên việc đánh giá tác động chính sách liên quan đến đối tượng thụ hưởng, doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết. Theo kết quả, tiêu chuẩn về i-ốt ở Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn toàn cầu.Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, vấn đề bổ sung vi chất vào thực phẩm là vấn đề khó, đặt ra mối quan hệ và giữa hai bên, đó là lợi ích cộng đồng và lợi ích của doanh nghiệp. Với trách nhiệm của ngành Y tế, trong quá trình sửa đổi Nghị định 09 này sẽ tiếp tục bổ sung phần đánh giá tác động liên quan đến các vấn đề để xử lý hợp lý và hài hòa nhất.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chưa giảm được chi phí khám chữa bệnh từ tiền túi của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO