Chữa bệnh cho trẻ bằng mẹo: Tiềm ẩn những mối họa

Vân Huyền| 25/01/2022 08:06

Không ít trẻ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi được gia đình chữa bệnh bằng phương pháp dân gian.

Trẻ nhập viện do uống sái thuốc phiện theo phương pháp dân gian. Trẻ nhập viện do uống sái thuốc phiện theo phương pháp dân gian.

Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ gặp vấn đề về sức khoẻ, điều đầu tiên gia đình cần làm là đưa con tới bệnh viện, phòng khám nhi khoa.

Từ xa xưa, ông bà ta thường áp dụng các phương pháp dân gian để chữa bệnh. Song, những mẹo dân gian này chưa từng được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Thậm chí, không ít phương pháp để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khoẻ của trẻ.

Suýt mất mạng

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ luôn là vấn đề được phụ huynh đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm, không ít cha mẹ có những phương pháp chăm sóc chưa đúng cách. Từ đó, dẫn đến tác dụng ngược, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Con của chị Hoàng Oanh (Từ Liêm, Hà Nội) từng phải đến Bệnh viện Da liễu để điều trị do hai má mẩn đỏ. Nguyên nhân là do bé bị chàm sữa, gia đình chị Oanh đã chữa mẹo bằng cách dùng nước bọt để làm dịu vết chàm vào lúc nửa đêm.

Trên các diễn đàn dành cho cha mẹ, không khó để tìm thấy những bài chia sẻ về mẹo dân gian chăm sóc trẻ. Một số bài thuốc thường được nhắc đến như dùng tắc chưng đường phèn trị ho, giữ ấm chân để trẻ bớt sụt sịt...

Từ kinh nghiệm xa xưa, chanh, gừng, gạo lức, đọt tre... cũng trở thành những nguyên liệu được ông bà ta sử dụng trong các phương pháp chữa nôn trớ ở trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những phương pháp dân gian này chỉ mang tính chất tham khảo. Thực tế, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy, những mẹo dân gian mang lại hiệu quả trong việc điều trị bệnh cho trẻ.

Thậm chí, có không ít những mẹo vô lý, không có căn cứ khoa học như cụng đầu con vào tường 7 - 9 lần để… đầu tròn hơn; dùng cá lóc đập vào chân để con biết đi… Không ít trẻ phải nhập viện sau khi gia đình áp dụng các phương pháp dân gian để chữa bệnh cho bé.

Đơn cử như ngày 13/12 năm ngoái, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận, cấp cứu cho một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đe dọa tử vong. Nguyên nhân là gia đình cho trẻ dùng lá lộc mại để chữa táo bón.

Theo người nhà bệnh nhi, bé L.T.V (SN 2016, trú tại huyện Quế Phong, Nghệ An) có tiền sử bệnh táo bón tái phát nhiều lần. Nghe theo lời truyền miệng, người thân đã hái lá lộc mại, sắc trong ấm để lấy nước cho bé uống hằng ngày. Tuy nhiên, sau 3 ngày uống loại nước này, bé V. xuất hiện biểu hiện vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, đi kèm triệu chứng chóng mặt, chán ăn, nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, lá lộc mại rất độc. Lá này có thể gây tử vong rất nhanh nếu sử dụng với số lượng lớn.

Trường hợp trẻ đến viện muộn, bị tan máu quá nhiều không kịp truyền máu, nhất là trẻ có nhóm máu hiếm nhóm AB, Rh- có thể tử vong. Đặc biệt, trên cơ địa bệnh nhi có bệnh về máu như thiếu men G6PD, bệnh tiến triển nhanh và càng trầm trọng. Từ đó, dẫn đến tử vong nhanh.

Do có tác dụng nhuận tràng khi dùng liều nhỏ, nhân dân một số nơi thường mách nhau dùng lá này để chữa bệnh táo bón. Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn, lá cây lộc mại có thể gây ngộ độc. Các biểu hiện thường gặp sau khi ăn là: Nhịp tim nhanh, bệnh nhân mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng quanh rốn, đi ngoài lỏng, tiểu màu đỏ sẫm, đái ít và buốt.


Phương pháp dân gian dùng mật ong trị ho chưa được chứng minh là có hiệu quả.

Xảy ra thường xuyên

Trước đó, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhi 2 ngày tuổi từ Nam Định trong tình trạng suy hô hấp, nhịp tim không ổn định, đồng tử co nhỏ, theo dõi ngộ độc sái thuốc phiện.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, khi sinh hai con đầu lòng, gia đình làm theo mẹo dân gian dùng sái thuốc phiện với liều lượng một đầu tăm pha vào sữa cho trẻ uống để “chắc dạ”. Thấy các con lớn dùng mẹo này khỏe mạnh, ăn uống tốt, không gặp vấn đề về đường ruột, gia đình tiếp tục áp dụng cho bé út.

Tuy nhiên, sau khi uống sái thuốc phiện, trẻ ngủ không yên, thỉnh thoảng khóc ré lên. Sau khoảng 2 tiếng, trẻ bắt đầu nấc cụt nhiều, gia đình quan sát thấy trẻ thở yếu hơn nên đã vội vàng thông báo với các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định. Trẻ nhanh chóng được hô hấp hỗ trợ, tiêm thuốc giải ngộ độc và chuyển đến Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, nhưng tình trạng bệnh nhi nhập viện do phụ huynh tùy tiện dùng mẹo dân gian để chữa bệnh cho trẻ vẫn thường xuyên diễn ra. Trong năm 2021, Trung tâm Sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 9 - 10 trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng ngộ độc, chủ yếu là ngộ độc sái thuốc phiện, thuốc nam.

Theo ThS.BS Chu Lan Hương – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh Cấp cứu, Trung tâm Sơ sinh, việc sử dụng các mẹo dân gian hoặc thuốc nam không rõ thành phần cho trẻ là vô cùng nguy hiểm. Đây là những quan niệm chưa có căn cứ khoa học và có thể để lại những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Thậm chí, những mẹo dân gian này có thể khiến trẻ tử vong.

“Các phụ huynh không nên mạo hiểm sử dụng các loại thuốc “truyền miệng” cho trẻ sơ sinh. Bởi, trong thành phần của những loại thuốc này có thể chứa các chất khiến cho trẻ bị ngộ độc, ức chế hô hấp, ức chế thần kinh, rối loạn điện giải, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy kịch đến tính mạng của trẻ”, ThS.BS Chu Lan Hương nhấn mạnh.

Chuyên gia này đồng thời khuyến cáo, các cha mẹ nên tìm hiểu kỹ thông tin và những chứng cứ khoa học chính thống về phương pháp điều trị dân gian trước khi áp dụng cho con. Để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ.

Tổn thương theo trẻ suốt đời

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Đào Trường Giang, Khoa Nhi Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: “Trên thực tế, tôi từng chứng kiến nhiều người sử dụng các mẹo dân gian để chữa bệnh. Khi hóc xương lại đi ra ngã ba gần nhất nhìn thấy cành cây hay cái que nào nằm ngang thì xếp cho nó nằm dọc và nói: “Mày nằm ngang tao cho mày nằm dọc, cứu được người phúc đẳng hà sa”. Khi bị gãy xương hay rắn cắn thì lại đi đắp lá. Khi trẻ bị mụn nhọt thì lại đắp lá táo, dán cao…”.

Cụ thể, theo chuyên gia này, trong trường hợp trẻ gặp vấn đề về sức khoẻ, cách tốt nhất là gia đình nên đưa con đi khám ở các bệnh viện Nhi, khoa Nhi của các cơ sở y tế hoặc phòng khám Nhi. Nếu điều kiện không cho phép do dịch bệnh phức tạp, hoặc nhà ở các vùng sâu, vùng xa cách quá xa các cơ sở y tế, chưa có người đưa bé đi khám…, gia đình có thể liên hệ một số bệnh viện, cơ sở y tế có dịch vụ tư vấn từ xa. Khi đó, gia đình sẽ được hướng dẫn để có xử trí ban đầu cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TPHCM) từng chia sẻ đã tiếp nhận một trẻ bị bỏng da do gia đình tẩm rượu vào lòng bàn chân con. “Làm ơn hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm điều gì đó lên con. Những tổn thương đó sẽ thành sẹo và đi theo con suốt cuộc đời. Đừng để quá muộn rồi lại hối tiếc cho con”, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh.

“Không ít mẹo dân gian nghe đã biết rất vô lý, song, vẫn có nhiều người tin và làm theo, để lại hậu quả đáng tiếc. Do vậy, là một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên rằng, khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe, gia đình không nên sử dụng các mẹo dân gian để chữa cho con. Thay vào đó, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp”, bác sĩ Đào Trường Giang nhấn mạnh.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chữa bệnh cho trẻ bằng mẹo: Tiềm ẩn những mối họa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO