Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt thời điểm bước vào thương vụ kit test

22/08/2023 07:03

CQĐT xác định, qua việc bán test xét nghiệm với “giá trên trời”, Chủ tịch Việt Á thu về lợi nhuận hơn 1.235 tỷ đồng. Để làm được việc này, bị can Phan Quốc Việt đã khéo léo tận dụng các mối quan hệ của mình.

Phan Quốc Việt là ai?

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 28/2/2007.

Công ty có trụ sở chính ở Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do ông Phan Quốc Việt giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Công ty có 4 cổ đông, trong đó bị can Phan Quốc Việt sở hữu 94.500 cổ phần, chiếm tỷ lệ 47,25% vốn điều lệ. Bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ ông Việt) sở hữu 48.000 cổ phần, chiếm tỷ lệ 24% vốn điều lệ.

Phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài Công ty Việt Á, ông Phan Quốc Việt còn thành lập và điều hành hệ thống 15 công ty và cửa hàng Âu Lạc.

Bị can Phan Quốc Việt

CQĐT xác định, ông Việt đã sử dụng pháp nhân một số công ty (Công ty TNHH Khoa học An Việt, Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Dược phẩm Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Á y dược 99, Công ty TNHH Khoa học Việt Á, Công ty TNHH y tế Âu Lạc) làm “quân xanh”, cung cấp báo giá khi hợp thức hồ sơ đấu thầu các gói thầu mua bán test xét nghiệm và các sinh phẩm, vật tư y tế khác tại các tỉnh, thành phố.

Ông Việt còn dùng tài khoản của cửa hàng Âu Lạc để chuyển tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, cơ sở y tế.

Yêu cầu đặc biệt

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ KH&CN, Học viện Quân y đã ra chủ trương giao Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (đơn vị trực thuộc Học viện Quân y) nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện vi rút Corona (test xét nghiệm).

Ngày 21/1/2020, ông Hoàng Công Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y ký văn bản đề xuất Bộ KH&CN giao Học viện Quân y triển khai nhiệm vụ phát triển test chẩn đoán viêm phổi do virus Corona (không đề cập đến Công ty Việt Á).

Sau khi Học viện Quân y có văn bản, ông Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự gọi điện thông báo cho ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN biết.

Thời điểm năm 2012- 2013, Công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y thực hiện Đề tài nghiên cứu, sản xuất test xét nghiệm vi khuẩn Lao do Bộ KH&CN phê duyệt. Qua công việc, ông Hùng và ông Việt hình thành quan hệ thân thiết.

Để giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu, sản xuất test xét nghiệm Covid-19 và được cấp phép lưu hành để bán ra thị trường, ông Hùng đã gọi điện cho ông Hồ Anh Sơn và đưa ra “yêu cầu đặc biệt”.

Cụ thể, ông Hùng yêu cầu ông Sơn trong đề xuất của Học viện Quân y phải đưa Công ty Việt Á là đơn vị tham gia phối hợp nghiên cứu, và ông Sơn đã gật đầu đồng ý.

Ngày 31/1/2020, Học viện Quân y có Phiếu đề xuất đặt hàng, trong đó nêu: Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm.

Sau khi nhận được văn bản phiếu đề xuất đặt hàng của Học viện Quân y, ông Hùng không chuyển cho Văn thư Bộ KH&CN mà làm Tờ trình báo cáo trực tiếp với ông Chu Ngọc Anh (khi đó là Bộ trưởng Bộ KH&CN). Cùng ngày, ông Chu Ngọc Anh ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn gồm 9 thành viên.

Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn ngày 2/2/2020, Học viện Quân y có báo cáo giải trình về đề xuất nhiệm vụ, giao Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện.

Đương nhiên là ông Trịnh Thanh Hùng đồng ý đề xuất trên.

Việc này nhắm đến cái đích giúp Công ty Việt Á được tham gia Đề tài, bởi Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất.

Đến ngày 6/2/2020, ông Chu Ngọc Anh ký quyết định về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí, phương thức khoán chi và thời gian thực hiện Đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm.

Theo đó, đơn vị tổ chức chủ trì là Học viện Quân y; chủ nhiệm Đề tài là ông Hồ Anh Sơn, với tổng kinh phí thực hiện là 18,98 tỷ đồng.

Sau khi đã bước được vào thương vụ này, bị can Phan Quốc Việt đã thông đồng với ông Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu Đề tài.

Quá trình Công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu Đề tài và tổ chức sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, ông Trịnh Thanh Hùng đã bàn bạc và cùng ông Việt làm các thủ tục, gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới WHO chứng nhận sản phẩm test xét nghiệm cho Công ty Việt Á.

Dù văn bản của WHO chưa cấp chứng nhận test xét nghiệm đạt chất lượng, nhưng ông Hùng đã cung cấp để đăng văn bản này lên cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và đăng bài báo thể hiện thông tin sai sự thật rằng: “Sản phấm test xét nghiệm của Công ty Việt Á đã được WHO cấp chứng nhận”.

Bộ Khoa học & Công nghệ từng gửi thông cáo báo chí kèm văn bản cho biết bộ kit test Việt Nam được WHO chấp thuận.

Khi Công ty Việt Á tham gia nghiên cứu Đề tài, ông Phan Quốc Việt đã đưa tiền cho một số cá nhân thuộc Bộ KH&CN.

CQĐT làm rõ, Chủ tịch Việt Á đã đưa cho ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD (tương đương hơn 4,6 tỷ đồng); ông Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD (tương đương hơn 7 tỷ đồng); Phạm Công Tạc (Thứ trưởng Bộ KH&CN) 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng).

Tận dụng "quan hệ vàng"

Ở bước tiếp theo, để hoàn thiện quy trình và sản xuất thành công test xét nghiệm, việc của Chủ tịch Việt Á cần làm là phải được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất và tiêu thụ test xét nghiệm tại các đơn vị, địa phương.

Lúc này, ông Phan Quốc Việt trao đổi, thống nhất với ông Hùng và Sơn để Công ty Việt Á lập hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm gửi Bộ Y tế. Đây cũng là lúc mà ông Phan Quốc Việt dùng đến mối quan hệ với ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế).

Bị can Phan Quốc Việt quen biết và duy trì mối quan hệ với ông Nguyễn Thanh Long từ năm 2017, khi ông Long đến dự buổi lễ khai trương Trạm y tế DHA (là Trạm Y tế theo hình thức xã hội hoá đầu tiên tại TP.HCM).

CQĐT làm rõ, ông Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Huỳnh (Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược Bộ Y tế, sau này là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test Covid-19, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương trái quy định của pháp luật, không có căn cứ, để Công ty Việt Á tổ chức sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm theo đơn giá đã được bị can Phan Quốc Việt nâng khống, thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Kết luận điều tra cho thấy, ông Việt đã đưa cho ông Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51 tỷ đồng); Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế) 300.000 USD (tương đương hơn 6,9 tỷ đồng); Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 100.000 USD (tương đương hơn 2 tỷ đồng).

Riêng ông Nguyễn Huỳnh được ông Việt đưa hơn 53,9 tỷ đồng. Trong đó bị can đã chuyển cho ông Nguyễn Thanh Long hơn 49,9 tỷ đồng và sử dụng cá nhân 4 tỷ đồng.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chu-tich-viet-a-phan-quoc-viet-thoi-diem-buoc-vao-thuong-vu-kit-test-2180178.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/chu-tich-viet-a-phan-quoc-viet-thoi-diem-buoc-vao-thuong-vu-kit-test-2180178.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt thời điểm bước vào thương vụ kit test
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO