Sáng 14/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị số 9 tiếp xúc với cử tri huyện Nhà Bè và quận 7, trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Văn Nghĩa (quận 7) bức xúc cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang diễn biến phức tạp. Các đại gia, cò đất dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn nhằm “bơm bong bóng”, cung cấp nhiều thông tin sai lệch gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất tại TP HCM lên cao bất thường.
“Sau khi trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, thị trường nhà đất tại TP HCM nhiễu loạn. Giá đất nhiều nơi bị đẩy lên, tạo sốt ảo nhằm thiết lập mặt bằng giá cao, ảnh hưởng quá trình triển khai các dự án khác”, cử tri Nghĩa nói và cho rằng có mầm mống phá hoại, cần được xử lý nghiêm.
Theo cử tri Lâm Thị Thu (huyện Nhà Bè), Quốc hội, Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật đất đai. Nguồn lực từ đất đai rất lớn; các địa phương rất cần khai thác để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn các nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện…vì bất cập của Luật này.
Về vụ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, UBND TP HCM đã chỉ đạo rà soát lại. Thành phố đã thực hiện việc chuẩn bị đấu giá đất rất kỹ.
"Chủ trương và quy trình đấu giá thực hiện đúng theo quy định. Vấn đề là còn nhiều nội dung pháp luật chưa quy định, chưa có, đến lúc đấu giá mới bộc lộ. TP HCM đã báo cáo và kiến nghị trung ương tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý việc này cho tốt”, ông Mãi cho hay.
Theo người đứng đầu chính quyền TP HCM, sau khi một số doanh nghiệp rút lui hoặc chậm nộp tiền đấu giá đất Thủ Thiêm, UBND thành phố và các sở, ban ngành thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thường xuyên báo cáo trung ương để xin ý kiến.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho biết, hiện UBND TP HCM đã giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng đề án chuyển đổi huyện lên quận hoặc thành phố. Dự kiến đề án này sẽ được thông qua vào giữa năm 2022.
Ông Mãi đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm tuyên truyền, quản lý đất đai trên địa bàn, tránh việc một số huyện chưa lên quận hoặc thành phố giá đất đã lên cao, gây khó cho quy hoạch, thu hồi đất, thực hiện các công trình sau này.
“Chúng ta xây dựng đề án này cho định hướng tương lai phát triển của TPHCM chứ không phải lên quận hay thành phố ngay. Phải có kế hoạch, lộ trình, được cập nhật trong kế hoạch với giải pháp cụ thể”, ông Mãi khẳng định.
Về kiến nghị điều chỉnh Luật Đất đai, ông Phan Văn Mãi cho biết, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII vừa qua đã tổng kết Nghị quyết về đất đai, cho các chủ trương lớn nhằm quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, UBND TP HCM và các sở, ban ngành đã có những kiến nghị cụ thể với Trung ương. Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, sau hội nghị, Trung ương sẽ tập trung sửa đổi dự án Luật đất đai và các luật có liên quan.
"Đây là vấn đề lớn, rất phức tạp nên lộ trình thực hiện mất nhiều thời gian. Nếu chuẩn bị tốt, Việt Nam có thể sẽ thông qua Luật đất đai sửa đổi vào cuối năm 2023”, ông Mãi nhấn mạnh.
(Nguồn: Tiền Phong)